Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Chúa Nghe Tiếng Tôi

Thi-thiên 18:4-24

" Trong cơn gian truân tôi cầu khẩn Đức Giê-hô-va, tôi kêu cầu Đức Chúa Trời tôi. Tại đền Ngài, Ngài nghe tiếng tôi" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả gặp những khó nguy nào? Đa-vít làm gì trong những khó nguy đó? Làm sao Đa-vít biết Chúa nhậm lời cầu nguyện của ông? Trong lúc nguy khốn, cô đơn bạn tìm đến ai trước nhất? Nhận thức Chúa quyền năng giúp gì cho đức tin bạn?

Các câu 4-6 có những thành ngữ như: dây sự chết, lụt gian ác, dây âm phủ và lưới sự chết. Đây là những thành ngữ nói về những nguy hiểm, khó khăn trong cuộc sống. Tác giả như bị trói buộc, như sống giữa dòng nước, như kề bên cái chết. Những lúc như vậy, ông kêu cầu đến Chúa và được Ngài đáp lời. Đọc các câu nầy, chúng ta có cảm tưởng Đa-vít là người kiêu ngạo, cho mình là công bình, thánh sạch. Thật ra, ông chỉ muốn cho thấy kinh nghiệm của những người tin Chúa thời đó là: Chúa thưởng lành và phạt ác. Trước đó, ông cho thấy Chúa dùng quyền uy để tiêu diệt kẻ thù và giải cứu ông. Tiếp theo, Chúa cứu vì ông là con cái ngay lành của Ngài. Làm tôi trung của Chúa sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, đó là ý ông muốn nhấn mạnh. Câu: "Tại đền Ngài, Ngài nghe tiếng tôi" hàm ý dù ở nơi cao cả, Chúa vẫn để ý nghe lời cầu nguyện của con cái Ngài, Ê-sai 57:15 cũng nói lên ý tương tự. Chúng ta từng sống trong những giờ phút nguy hiểm, khó khăn, buồn thảm, lúc đó, dựa vào lời hứa của Chúa, kêu cầu Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được giải cứu. Chúa không bao giờ để cho những người kêu cầu Ngài thất vọng, Ngài không vui khi nhìn thấy con cái Ngài đau khổ.

Đa-vít mô tả quyền uy lớn lao của Chúa (c.7-15) đồng thời cho thấy tình yêu tuyệt vời của Ngài khi đưa tay ra nắm lấy ông (c.16). Trên thực tế, có lẽ Đa-vít không trông thấy bàn tay của Chúa, nhưng cách Chúa giải cứu ông thật cụ thể, như có bàn tay vô hình lôi ông ra khỏi nguy hiểm. Trong đời sống, nhiều khi chúng ta gặp khổ nạn và kêu cầu Chúa giải cứu, nhưng việc giải cứu dường như chỉ xảy ra theo chiều diễn biến của sự việc chứ không phải phép lạ. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhìn lại chúng ta mới thấy Chúa thật sự đã can thiệp vào đời sống chứ không phải chỉ là chuyện ngẫu nhiên.

Tại sao Đa-vít biết lời cầu nguyện của ông đã được nhậm? Chúa đã trả lời Đa-vít bằng những hiện tượng rõ ràng trong thiên nhiên. Khi Chúa hiện xuống với dân Ngài tại núi Si-nai, chúng ta cũng thấy những hình ảnh tương tự (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-18). Đây là ngôn ngữ của nhà thơ dùng để mô tả sức mạnh và quyền uy của Thiên Chúa trên mọi lĩnh vực của thiên nhiên. Bất cứ điều gì mắt ta trông thấy đều thể hiện quyền năng Ngài. Cái giận của Chúa thể hiện quyền năng Ngài. Cái giận của Chúa cho thấy bản tính thánh khiết của Ngài, giống như lửa, không thể không phát ra sức nóng và sự tàn phá. Những từ ngữ như "mũiÙ, "miệngÙ, "chân" và các động tự như "cỡiÙ, "liệngÙ, "bắn tên" là lối nói nhân cách hóa, mô tả quyền năng của Chúa trong ngôn ngữ của con người.

Đứng trước những biến chuyển của thiên nhiên, con người phải khiếp sợ và Thiên Chúa đã dùng những điều đó để giải cứu con cái của Ngài (II Sa-mu-ên 7:10). Nhìn vào những biến chuyển ấy, chúng ta càng thấy rõ quyền uy của Chúa để thêm lòng tôn kính và tin cậy Ngài vì biết rằng Chúa của chúng ta vĩ đại, cao cả, đủ năng quyền để cứu giúp chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp con thấy rõ uy quyền của Ngài để con thêm lòng tôn kính và tin cậy Ngài.

(c) 2024 svtk.net