Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Hướng Lên Chúa

Thi-thiên 40:1-17

"Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, công việc lạ lùng Chúa đã làm, và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi thật là nhiều, không thể sắp đặt trước mặt Chúa. Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra và nói đến, thật lấy làm nhiều quá, không đếm được" (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu 1-5, Đa-vít cảm tạ Chúa về những điều gì? Đa-vít đã có hành động nào khi nhận thay ân lành Chúa ban cho ông? Bạn làm gì khi nhận thức được ân lành Chúa ban cho bạn?

Thi-thiên 40 có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian lịch sử ở phần cuối sách I Sa-mu-ên. Lúc ấy nhiều việc xảy ra dồn dập cho Đa-vít: vợ con ông bị giặc bắt đi, ông phải đánh dân A-ma-léc để giải thoát họ (I Sa-mu-ên 30); dân Y-sơ-ra-ên bị bại trận, vua Sau-lơ bị giết, người bạn chí thân là Giô-na-than cũng chết (chương 31). Sau những khó khăn đó, ông mới hồi tỉnh để cảm tạ Chúa, dâng hiến cuộc đời cho Chúa và cầu nguyện. Đó là ba phần chính của Thi-thiên này.

1. Cảm tạ (câu 1-5). Đa-vít gọi những kinh nghiệm đau đớn của mình là "hầm gớm ghê" và "vũng bùn lấm". Đây là những từ ngữ mô tả sự ghê rợn và tuyệt vọng của người ở dưới hang sâu, ngày càng lún xuống. Ông gọi sự giải cứu của Chúa là "vầng đá", một nơi vững chắc, đối chiếu với sinh lầy. Vì được giải cứu, Đa-vít dâng lời ca ngợi Chúa và lời ca ngợi ấy cũng có tác dụng giúp người khác biết Chúa và nhờ cậy Ngài. Bạn có làm giống Đa-vít trong cuộc sống hằng ngày không?

2. Dâng hiến (câu 6-10). Để tỏ lòng biết ơn Chúa, thay vì dâng lễ vật, Đa-vít đã dâng cuộc đời ông cho Chúa. Ông nói: "Chúa đã xỏ tai tôi" (c.6). Chữ "xỏ tai" có hai nghĩa: (a) Dấu hiệu chỉ lòng trung thành, phục vụ trọn đời, (Xuất Ê-díp-tô 21:6). (b) Thái độ sẵn sàng lắng nghe và vâng phục, (Ê-sai 50:5). Ý Đa-vít ở đây là: tai con sẵn sàng nghe tiếng Chúa, làm theo ý Ngài. Chẳng những nghe, ông còn nói cho người khác biết về những điều Chúa làm cho ông (c.9, 10). Trước đó ông cũng cho thấy luật pháp Chúa ở trong lòng ông (c.8). Như vậy, từ một tấm lòng đầy dẫy Lời Chúa, Đa-vít đã lắng nghe và loan báo cho mọi người biết về ơn lành của Chúa đối với ông. Đó là cách Đa-vít dâng hiến đời sống cho Chúa.

3. Lời cầu nguyện (câu 11-17). Trong lời cầu nguyện Đa-vít nêu hai vấn đề: (a) Xin Chúa giải cứu (c.11-13). Đa-vít được Chúa giải cứu trong quá khứ nhưng những tai họa khác lại dồn dập xảy đến. Ông mô tả tai họa đó là "vô số", "nhiều hơn tóc trên đầu", "không ngước mắt lên được". Những lúc đó Đa-vít chỉ còn một hy vọng là Chúa, Ngài là Đấng giải cứu và giúp đỡ. (b) Xin Chúa giải quyết vấn đề kẻ thù (c.14-17). Phần lớn những nỗi khổ của Đa-vít do kẻ thù đem lại. Nếu Chúa giải quyết vấn đề kẻ thù, ông không còn lo ngại nữa. Kẻ thù của Đa-vít là những người chống Chúa, họ chống ông vì ông là người của Chúa. Do đó, Đa-vít ước mong cũng là một sự thật, là người mến Chúa và tìm cầu Ngài sẽ được hưởng niềm vui và thỏa mãn thật sự. Lòng yêu mến Chúa của chúng ta phải được thể hiện trong ý hướng luôn muốn cho Chúa được tôn cao. Khi Chúa được tôn cao, dù chúng ta chỉ là một sinh vật bé nhỏ, Ngài vẫn nghĩ đến chúng ta, vẫn tiếp trợ và giải cứu đúng lúc.

Kẻ thù của chúng ta ngày nay là ma quỉ, trần gian và con người cũ. Để chiến thắng ba kẻ thù ấy, chúng ta phải tôn cao Chúa. Khi Chúa được tôn cao trong tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, kẻ thù sẽ chạy xa và Chúa sẽ ở gần để cứu giúp.

Lạy Chúa, dù con gặp khó khăn, nghịch cảnh thì sự chăm sóc ân lành Ngài ban cho không sao đếm hết. Xin giúp con biết thuật lại ân lành Chúa ban cho người khác.

(c) 2024 svtk.net