Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Mơ Ước Chúa

Thi-thiên 42

"Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, như con nai cái thèm khát khe nước" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Mở đầu bài thơ tác giả nói lên nỗi niềm nào? Tại sao tác giả mang tâm trạng đó? Có khi nào bạn mang tâm trạng như tác giả không? Tại sao giữa những khát khao đó tác giả lại sờn ngã? Điều nào an ủi, nâng đỡ tác giả? Làm sao, nơi đâu bạn tìm được hy vọng sống?

Thi-thiên 42 và 43 thật ra chỉ là một. Câu 6 và 11 của Thi-thiên 42 giống câu 5 của Thi-thiên 43.

Trong bài thơ tác giả nói lên lòng mơ ước được trở về nhà Chúa. Lúc đó ông đang ở phía Bắc nước Y-sơ-ra-ên, những địa danh trong câu 6 như xứ Giô-đanh, núi Hẹt-môn, gò Mít-sê-a ở vùng phía Bắc nước Do Thái. Có lẽ bị tù đày hoặc vì công việc phải sống xa nhà và xa thành thánh (Giê-ru-sa-lem), và không được về Giê-ru-sa-lem để dâng lễ cho Chúa. Tác giả so sánh nỗi khát khao được tôn thờ Chúa như con nai cần nước, như người lữ hành trong sa mạc. Có khi nào Bạn thấy mình khát khao Chúa đến như vậy không? Khi được đầy đủ, an vui, chúng ta dễ quên là mình cần Chúa. Những lúc cô đơn, cùng cực ta mới nhớ đến Chúa. Tác giả khao khát Chúa vì ông không còn được cùng đoàn dân đến tôn thờ Chúa như trước kia. Nhiều người hằng tuần được đến nhà thờ, sinh hoạt với các tín hữu khác, nhưng không biết quý những cơ hội ấy. Chúng ta cần khao khát Chúa như nguồn sinh lực của đời ta. Nước cần cho đời sống thể nào, ta cũng cần Chúa như vậy.

Sống xa nhà, lại thêm tai ương dồn dập ("các lượn sóng và nước lớn của Chúa đã ngập tôi"), thay vì hoàn toàn tuyệt vọng ("linh hồn tôi bị sờn ngã trong mình tôi"), tác giả "nhớ đến Chúa" (c.6), rồi tự an ủi: "Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi." Đây chẳng những là lời an ủi nhưng cũng là lời xác nhận niềm tin vì biết rằng nhờ cậy Chúa thì được cứu rỗi. Hy vọng của tác giả cũng là của chúng ta. Hy vọng đó là sự nhân từ và bài hát của Ngài (c.8). Dù hoàn cảnh nào, ta biết rằng Chúa luôn là Đấng đầy tình thương, Ngài sẽ giải cứu. Ngày như đêm, Chúa luôn ở bên cạnh và ban cho ta niềm vui của Ngài.

Dù hy vọng như vậy nhưng hiện tại tác giả tưởng như Chúa đã quên mình. Ông đang ở trong hoàn cảnh mà kẻ thù nhìn vào, có đủ lý do để chế nhạo: Làm gì có Chúa! hay: Chắc Chúa đã quên ông rồi! Lắm khi chúng ta cũng bị chế nhạo như vậy, thật không điều gì làm chúng ta đau khổ hơn, đau đớn tận xương (c.10).

Hy vọng và nghi ngờ thường đi đôi với nhau. Khi chúng ta đặt trọn lòng tin nơi Chúa thì hoàn cảnh thường gieo nhiều nghi ngờ. Tuy nhiên, chúng ta cứ tiếp tục đặt niềm tin nơi Chúa, nhờ cậy Ngài chứ đừng chán nản. Nghi ngờ thật ra chỉ là sản phẩm của tình cảm, không đáng cho chúng ta tin cậy, chỉ niềm tin nơi Chúa mới đem đến cho chúng ta hy vọng chắc chắn, không bao giờ thay đổi.

Lạy Chúa, dù trong hoàn cảnh nào và ở nơi đâu con biết rằng Ngài vẫn là nơi nương cậy vững bền cho con.

(c) 2024 svtk.net