Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Bình An trong Hội Thánh: Tha Thứ và Hiền Hòa

Phi-líp 4:1-9

"Tôi khuyên Ê-yô-đi và khuyên Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì gây sự bất hòa trong Hội Thánh Phi-líp? Phao-lô khuyên hai bà Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ làm gì? "Hiệp một ý trong Chúa" có nghĩa gì? Trong Hội Thánh của bạn có sự bất hòa nào không? Bạn có thể làm gì để có sự bình an trong Hội Thánh?

Hội Thánh Phi-líp là Hội Thánh Phao-lô gởi bức thư này, không có sự bình an. Một trong những lý do chính của sự thiếu bình an là sự cãi vã giữa hai người đàn bà trong Hội Thánh. Tên họ là Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ. Chúng ta không biết họ tranh chấp về việc gì, nhưng sự bất hòa đã chia rẽ họ trong Hội Thánh. Tình trạng này đã tạo nên vấn đề bất ổn trong Hội Thánh và nó đã đến tai Phao-lô khi ông đang ở tù. Phao-lô biết đây là vấn đề ông phải đối phó, vì ông biết sự cãi vã giữa những cá nhân trong Hội Thánh sẽ gây tai hại.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ cảnh giác con dân Chúa trong Hội Thánh rằng, "Hãy coi chừng kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, gây khó khăn và làm hủy phá nhiều người trong anh em chăng"(12:15).

Khi để cho sự cay đắng và tức giận cứ ở trong chúng ta mà không đối phó với nó, chúng ta không chỉ phá hủy chính mình, mà còn phá hủy những người khác chung với mình. Hãy giải quyêát những vấn đề giữa bạn với người khác khi vấn đề còn nhỏ, đừng cho chúng cơ hội phát triển và đâm rễ sâu vào lòng.

Phao-lô bảo hai người đàn bà này phải giải quyết vấn đề bất đồngï, và bảo họ "hãy hiệp một trong Chúa". Hai người đàn bà này không thể thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng điều có thể thay đổi là cảm nghĩ của họ về tình trạng và thái độ của họ đối với nhau. Họ phải thay đổi tâm trí của họ, ai là người có lỗi về tình trạng họ đã gây ra. Họ phải thay đôåi ý nghĩ ai phải là người xin tha thứ và giải hòa.

Điều Sứ đồ Phao-lô muốn những người đang tranh chấp nhau chú ý – chúng ta phải học sống bình an với anh chị em của mình bây giờ vì chúng ta sẽ ở với họ trong cõi đời đời: "có tên biên trong sách sự sống rồi."

Để có sự bình an trong Hội Thánh và giữa họ với nhau, hai nữ tín hữu này phải dẹp bỏ sự kiêu ngạo, tha thứ nhau, và trở về với công việc Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ từ ban đầu. Trước khi họ được Đức Chúa Trời dùng mang lại ơn tha thứ đến với người, chính họ phải tha thứ nhau. Chúng ta không bao giờ có sự bình an trong lòng cho đến khi nọc độc của sự tức giận và cay đắng bị cất bỏ, và được thay thế bằng tình thương và tha thứ.

Để có bình an trong Hội Thánh, Sứ đồ Phao-lô cũng dạy con cái Chúa phải sống trong tinh thần nhu mì. "Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em" (c.5). Người ta thường coi sự nhu mì, hiền lành, là một dấu chỉ của sự nhu nhược, hèn yếu. Chúng ta không muốn nhường nhịn. Chúng ta muốn nắm quyền chủ động, cho ý mình là hay nhất và muốn Hội Thánh làm theo. Nhưng Phao-lô nói rằng chúng ta có sự bình an khi biết sống nhu mì, hiền hòa - biết lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến đa số, không tìm cách dành phần thắng về mình.

Trong mối liên hệ với con dân Chúa trong Hội Thánh, Sứ đồ Phao-lô dạy "phải nghĩ đến" và thực hành ("hãy làm đi") những gì chúng ta học nơi Chúa như chính ông thì chúng ta sẽ có sự bình an của Đức Chúa Trời vì Chúa Bình An ở cùng chúng ta (4:8, 9).

Xin Chúa giúp con biết nhường nhịn, tha thứ và xây dựng tinh thần hiệp một với mọi con cái Chúa trong Hội Thánh. Xin giúp con biết sống nhu mì, biết nghĩ đến và thực hành những gì Chúa dạy để luôn kinh nghiệm sự bình an của Ngài trong đời sống.

(c) 2024 svtk.net