Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Ngài Là Ai?

Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-22

"Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu" (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Môi-se phải nói cho dân Y-sơ-ra-ên danh xưng nào của Đức Chúa Trời? Danh xưng đó có nghĩa gì? Danh xưng đó có nghĩa gì với bạn? Bạn giải thích Đức Chúa Trời là ai cho các bạn chưa tin của mình chưa?

Nhiều người tìm kiếm Đức Chúa Trời nhưng không biết nhận dạng Ngài như thế nào. Đức Chúa Trời tự nhận dạng qua danh xưng của Ngài. Ngài bày tỏ chính mình qua hành động.

Môi-se tỏ ra miễn cưỡng hơn, ngoài việc thiếu tự tin. Làm sao ông nhận dạng Đức Chúa Trời với người Y-sơ-ra-ên, và thuyết phục họ rằng đây thật là Đức Chúa Trời của tổ tiên họ đến để cứu họ? Trong nước Ai Cập thời cổ, nhiều nam và nữ thần chen lấn nhau để tìm sự chú ý, còn Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên dường như chẳng làm gì nhiều suốt bốn trăm năm qua. Môi-se nhận biết công tác quá vĩ đại, quá khó khăn trước mặt mình, nên cố hết sức tránh né. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bị ràng buộc với những hiểu biết trước đây hoặc những so sánh cùng các thần Ai Cập. Danh xưng mà Đức Chúa Trời tự nhận hàm ý "Ta hằng hữu," "Ta hiện hữu." Ở đây thì giải thích rằng "Ta là Đấng Hằng Hữu" hoặc "Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu" (c.14). Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hành động dứt khoát trong không gian, thời gian và lịch sử nhân loại, và Ngài tự tỏ mình qua những biến cố sắp tới. Danh của Đức Chúa Trời, Yahweh (c.15 - được dịch là "CHÚA" trong bản NIV), tuy khó dịch, nhưng làm lộ rõ bản tính, uy quyền của Ngài. Đối với người Do Thái ngày nay, cũng như trong thời Chúa Giê-xu, danh xưng này thánh khiết đến nỗi chỉ đọc lên cũng đủ bị cho là phạm thánh rồi.

Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất việc giải cứu dân Ngài bằng "cánh tay mạnh sức" - tức sự hành động của quyền năng siêu nhiên Ngài trong việc điều khiển ý chí của Pha-ra-ôn (c.19). Những kẻ ra đi sẽ được chủ tặng vàng và bạc, một dấu hiệu khác chứng tỏ Đức Chúa Trời đang hành động - thực ra người Ai Cập trả công cho Y-sơ-ra-ên rời khỏi xứ!

Đối với Môi-se, những lời như thế vẫn chưa đủ (4:1). Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có tin tưởng vào quyền năng cứu vớt của Đức Chúa Trời không? Tên Hy Bá Lai của Chúa Giê-xu là "Y’shua," kết hợp các từ dùng cho Đức Chúa Trời ("Yah") với cứu vớt ("Hoshea"). Trong Chúa Giê-xu, chúng ta gặp "Đức Chúa Trời đến cứu vớt." Cánh tay mạnh sức của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong sự chết cùng sự sống lại của Y’shua. Chúng ta có thể tin cậy Ngài giải cứu mình khỏi mọi điều xấu xa.

Lạy Đức Chúa Trời, Danh Ngài là Thánh. Cầu xin cho lời nói cùng hành động của con bày tỏ sự tôn trọng và tôn kính xứng đáng cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net