Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Nhịn Nhục Đến Cùng

Ê-phê-sô 4:1-3

"... Khuyên anh em... phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà trìu nhau" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao khi nêu vấn đề phải sống theo chức phận Chúa gọi, Phao-lô xưng ông là kẻ tù của Chúa? Theo ông, phẩm tính "kẻ tù của Chúa" phải có là gì? Kiên trì, nhịn nhục có phải là phẩm tính của bạn không? Làm thế nào phát triển phẩm tính này?

Nhịn nhục là một phẩm chất cao đẹp của những người con thật của Chúa. Tiếng Hy Lạp "Makrothumia " mô tậu một tinh thần không bao giờ bỏ cuộc và chịu đựng đến cuối cùng nên sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Một văn sĩ Do Thái đã dùng chữ này để nói lên sự kiên trì của người La Mã không bao giờ chịu làm hòa khi thất thế. Trong thời kỳ vàng son, quân đội La Mã là quân đội không thể chinh phục được. Họ có thể thua một trận đánh, có thể thua một chiến dịch, nhưng họ không xem là bại trận. Nhiều lần bị đánh tan tành, họ vẫn không chịu khuất phục, không chấp nhận thất bại. Sự nhịn nhục trong bối cảnh phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là tinh thần không bao giờ chấp nhận thất bại trong bất cứ hoàn cảnh, công tác nào; không chịu thất bại trong bất cứ bất hạnh hay đau khổ, thất vọng hay chán chường nào, nhưng cứ tiếp tục kiên trì chịu đựng cho đến cuối cùng. Đó là tinh thần sẵn sàng chịu đựng những người hay cau có với sự nhún nhường lịch sự, chịu đựng những người khờ dại mà không phàn nàn.

Tân Ước nhiều lần dùng từ ngữ nhịn nhục nói lên tấm lòng của Chúa đối với chúng ta. Phao-lô hỏi những tội nhân không chịu ăn năn: "Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan nhân Ngài...?Ù (Rô-ma 2:4). Phao-lô nói đến sự nhịn nhục trọn vẹn của Chúa Giê -xu đối với ông là kẻ bắt bớ Hội Thánh (I Ti-mô-thê 1:16). Phi-e-rơ nói đến sự nhịn nhục của Chúa chờ đợi trong thời Nô-ê (I Phi-e-rơ 3:20), và cũng sự nhịn nhục ấy để cứu rỗi chúng ta ngày nay (II Phi-e-rơ 3:15).

Rất dễ cho chúng ta thả trôi, lơ đễnh trong trách nhiệm, trong công việc nhà Chúa vì một đụng chạm với anh chị em khác, hoặc vì trách nhiệm quá nặng nề muốn đầu hàng. Phân đoạn Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta lòng nhân từ, khoan dung, nhẫn nại vô biên của Chúa. Cơ Đốc nhân cần phải đối xử với anh em mình bằng sự nhịn nhục mà Chúa đã bày tỏ cho chúng ta.

Xin Chúa ban cho con sức từ Chúa để nhịn nhục trong mọi tình huống của cuộc đời với lòng kiên nhẫn chịu đựng như Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng con.

(c) 2024 svtk.net