Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Quà Tặng Sự Sống Mới

Xuất Ê-díp-tô Ký 12.21-36

"Khi thấy huyết nơi mày và hai cột cửa, Ngài sẽ vượt qua, không cho kẻ tiêu diệt vào nhà các ngươi đặng hành hại" (câu 23b).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao dân Y-sơ-ra-ên phải bôi huyết chiên con trên mày cửa? Huyết có nghĩa gì? Tại sao dân Y-sơ-ra-ên phải giữ lễ Vượt Qua này như một "thánh lễ đời đời"? Bạn truyền lại đức tin nơi Chúa Giê-xu cho con cháu, thế hệ sau như thế nào?

Y-sơ-ra-ên có bổn phận phải tiếp nhận và phô bày sự mạc khải của Đức Chúa Trời cho mọi người.

Cái giá thê thảm phải trả cho sự giải phóng Y-sơ-ra-ên chỉ có thể mang một ý nghĩa: cuộc xuất Ai Cập nhằm một mục đích đặc biệt. Trong Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời tạo ra một dân tộc, mà do tình yêu biết ơn, sẽ tiếp nhận Ngài vào toàn bộ cuộc sống của họ, để làm chứng nhân của Đức Chúa Trời giữa vòng các dân tộc. Vì mới thoát khỏi cảnh làm nô lệ, nên việc uốn nắn họ sẽ mạnh mẽ và thường đau đớn sâu xa khi họ đối diện Đức Chúa Trời thánh khiết, là chân lý và tình yêu. Qua cuộc hành trình đầy xáo động của họ, chúng ta nhận được từ Y-sơ-ra-ên một ngôn ngữ, một cách thích hợp để suy nghĩ và nói về Đức Chúa Trời, một cách tiếp cận và đến với Ngài, một sự thờ phượng được thanh tẩy hết mọi suy bại có ý thức và theo phái tự nhiên. Đó là quà tặng vô giá của Y-sơ-ra-ên dành cho chúng ta (cùng với Cựu Ước), mà thiếu nó thì Phúc Âm trở thành vô nghĩa. Ngay từ đầu, nghi thức lễ Vượt Qua gói gọn cho Y-sơ-ra-ên những lý do của mối liên hệ giữa họ với Đức Chúa Trời. Trong cuộc sống mới, trong xứ mới, Y-sơ-ra-ên sẽ cố gắng duy trì nghi thức đó trong ký ức của cộng đồng. Họ không ngừng nhắc nhở rằng đã có lần làm nô lệ tại Ai Cập. Và họ phải lưu lại truyền thống này cho từng thế hệ qua con cái (c.24-28). Giữ lễ Vượt Qua hằng năm sẽ cho các bậc cha mẹ Do Thái có thêm cơ hội để dạy con cái của họ biết về ý nghĩa của sự tự do và những gì mà Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Trước khi có thầy tế lễ và đền thờ, đức tin của Y-sơ-ra-ên được nuôi dưỡng bằng cách kể đi kể lại lịch sử mình trong nhà riêng và giữa vòng gia đình, một tập quán đã hoàn toàn biến mất đối với chúng ta dưới ảnh hưởng của lối sống tách biệt ngày nay. Vì sao chúng ta đã để cho điều này xảy ra? Con cháu chúng ta thuộc về ai, khi chúng không hề biết ỏLạy Cha chúng tôi ở trên trờiõ? Đó là lúc chúng bị tước quyền thừa kế sự khôn ngoan của tổ tiên.

Lạy Chúa, Ngài phán: "Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng" (Ma-thi-ơ 19:14). Xin giúp con trung tín dạy Lời Ngài cho con cháu con và bày tỏ cho chúng tình yêu của Ngài.

(c) 2024 svtk.net