Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Vua Công Bình

Thi-thiên 72

"Danh người sẽ còn mãi mãi, hễ mặt trời còn đến chừng nào, danh người sẽ noi theo chừng nấy. Người ta sẽ nhân danh người mà chúc phước nhau, các nước đều sẽ xưng người là có phước" (câu 17).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao tác giả xin Chúa cho vua cai trị trong công chính? Đọc suốt Thi-thiên này, bạn nghĩ ai là vua công chính hoàn hảo? Bạn làm gì để được vào sống trong nước của vua công bình?

Trong nguyên văn lời tựa của Thi-thiên 72 chỉ gồm mấy chữ: "Của Sa-lô-môn" hay "Cho Sa-lô-môn," vì vậy có lẽ Thi-thiên này không do Sa-lô-môn viết nhưng là của vua Đa-vít viết về Sa-lô-môn. Nội dung bài thơ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tương tự như Thi-thiên thứ 2 và 45, Thi-thiên này nói về những điều liên quan đến vua và cũng là những lời tiên tri về Chúa Giê-xu, là vị Vua thật.

Chúng ta có thể xem bài thơ này là lời cầu nguyện và ước nguyện của vua Đa-vít cho con của ông là Sa-lô-môn. Trước hết, ông xin Chúa cho vua biết cai trị bằng công lý của Chúa. Ông gọi đó là "sự xét đoán của Chúa," "sự công bình của Ngài" (c.1). (Chữ "vương tử" đồng nghĩa với "hoàng tử," nghĩa là con của vua). Với công lý của Chúa, nhà vua sẽ cai trị trong công bình và ngay thẳng (c.2). Sự công bình ấy lan tràn khắp nơi, trên các vùng núi đồi ("các núi và gò nỗng," c.3) và nhờ đó dân chúng được hưởng hòa bình.

Ước nguyện của tác giả là: người dân sẽ kính trọng vua mãi mãi và vua sẽ ban ơn mưa móc xuống trên mọi người (c.6). Vì nhà vua cai trị bằng công lý của Chúa nên người công bình sẽ được hưng thịnh, chứ không phải người ác. Địa hạt cai trị của nhà vua bao gồm nhiều nơi, trong khi kẻ thù sẽ bị thất bại hoàn toàn ("liếm bụi đất"). Câu "Những người ở đồng vắng" chỉ về dân du mục; "Ta-rê-si" là vùng đất phía Nam Tây Ban Nha, chỉ về vùng đất xa xôi; "cù lao" là các hải đảo trong Địa Trung Hải; "Sa-ba" là miền Nam Ả-rập và "Sê-ba" là phần đất thuộc nước Ê-thi-ô-bi ngày nay. Sở dĩ vua các vùng này đều thần phục vua Y-sơ-ra-ên vì Người là vị vua yêu thương và giúp đỡ, c.12-14. ("Huyết" là biểu tượng của sự sống nên câu "xem huyết họ là quý báu" nghĩa là tôn trọng sinh mạng của họ).

Ơn phước của vị vua được mô tả trong các câu 15-17. "Vàng Sa-ba" là vàng của vùng đất được nhà vua giải cứu, họ dâng vàng để trả ơn. Câu 16 mô tả sự hưng thịnh về canh nông với ngũ cốc dư dật. Li-ban là nơi nổi tiếng có những cây tùng cao và mỗi lần gió thổi tạo những tiếng reo rất vui tai. Đó là hình ảnh tác giả dùng để so sánh với đồng lúa được mùa, gió thổi trên bông lúa rộn ràng như tiếng cây tùng reo trong gió.

Trong thời vua Sa-lô-môn, Y-sơ-ra-ên đã thật sự được hưng thịnh, hòa bình và được các nước lân bang thần phục. Tuy nhiên, đến cuối đời, vua Sa-lô-môn đã phạm tội thờ thần tượng và bị Đức Chúa Trời từ bỏ (I Các Vua 11). Thi-thiên 72 vì vậy là lời tiên tri nói về vị vua công bình tuyệt đối là Chúa Giê-xu. Chỉ dưới quyền cai trị của Chúa, chúng ta mới thấy tất cả những ơn phước mô tả trong Thi-thiên này. Dù đang sống tại đâu và dù nước ấy giàu mạnh, an lành đến đâu, chúng ta vẫn không thể nào có an bình tuyệt đối cho đến khi được vào sống trong nước Chúa. Đọc Thi-thiên này, chúng ta hãy cùng hướng về một nước thanh bình, công bình và hưng thịnh tuyệt đối do Chúa Giê-xu cai trị. Trong khi chờ đợi ngày được vào nước đó, chúng ta cần sống trong đức công bình và yêu thương của Chúa để xứng đáng làm công dân của nước Ngài. Những lời ca tụng trong câu 17 dành cho Chúa Giê-xu - Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.

Tương tự như phần cuối Thi-thiên 41, hai câu 18, 19 là lời kết luận của phần thứ hai trong thánh ca của người Do Thái.

Lạy Chúa, chỉ mình Ngài là vua công chính, xin giúp con sống trong sự công chính của Ngài mỗi ngày.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi-thiên 119:51-80.

(c) 2024 svtk.net