Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Sức Lực của Tôi

Thi-thiên 73

"Thịt và lòng tôi bị tiêu hao nhưng Đức Chúa Trời là sức lực của lòng tôi và là phần tôi đến đời đời" (câu 26).

Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả nhận thấy thế nào về cuộc sống của người ác và người lành? Bạn có siêu lòng khi thấy người ác hưng thịnh không? Tại sao? Điều nào khích lệ tác giả cũng như chúng ta giữ lòng nương cậy Chúa (c.25-26)?

Ý của Thi-thiên 73 là một ý rất quen thuộc, chúng ta đã đọc nhiều lần, đó là việc người ác được phước trong khi người lành gặp nhiều khó khăn. Tác giả phân vân trước nan đề đó nhưng rồi ông đã tìm được câu trả lời, đó là đến cuối cùng người ác sẽ bị diệt. Biết được kết cuộc của người ác, tác giả thêm lòng yêu mến Chúa và nương cậy nơi Ngài. Thi-thiên này có thể chia làm bốn phần:

1. Vấn đề người ác, (câu 1-12). Tác giả quan sát và nhận thấy người ác: sống khỏe mạnh, không gặp khó khăn và lúc chết không đau đớn (c.4, 5) dù họ là những người kiêu ngạo, tàn bạo, không vị nể cả trời lẫn người, c.6-9 ("Mắt chúng nó lộ ra trong mỡ" là hình ảnh của một người giàu có sung sướng, đầy đủ về vật chất). Trước sự kiện đó, con dân Chúa cũng bị cám dỗ sống theo triết lý của những người ác ("uống nước cạn chén": nghe theo tất cả những gì người ác nói). Họ nghĩ rằng Chúa không biết gì cả nên mới để người ác được hưng thịnh như vậy (c.11).

2. Vấn đề người lành (câu 13-17). Trong khi người làm ác được hưng thịnh, tác giả sống ngay lành thì lại gặp gian nan, và bị sửa phạt. ("Mỗi buổi mai tôi bị sửa phạt" nghĩa là mỗi ngày ông lại có thêm hoạn nạn). Tác giả cảm thấy sống ngay lành thật vô ích. Tuy nghĩ như thế nhưng ông không dám nói ra vì biết lý luận như vậy là có tội với Chúa. Tác giả không hiểu được những điều trông thấy mỗi ngày nhưng cũng không dám nói là Chúa bất công. Tuy nhiên, cuối cùng khi nhìn vấn đề theo quan điểm của Chúa ông đã tìm thấy lời giải đáp ("vào nơi thánh của Đức Chúa Trời, suy lượng về sự cuối cùng của chúng nó," c.17).

3. Lời giải đáp (câu 18-20). Tác giả biết rằng hưng thịnh của người ác chóng qua ("trơn trợt": không vững chắc), cũng giống như người nằm mơ thấy mình được công danh, phú quý nhưng khi tỉnh dậy thấy chẳng có gì cả ("Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không." Cung Oán Ngâm khúc), tình trạng của kẻ ác cũng vậy (c.20).

4. Lòng nhờ cậy Chúa (câu 21-28). Sau khi tìm được lời giải đáp, dù đời sống vẫn đầy dẫy bất công nhưng tác giả cứ một lòng nương cậy Chúa. Ông tin rằng Chúa sẽ hướng dẫn ông trên đời này và trong tương lai sẽ đem ông về nước Ngài. Hai câu 25, 26 là phương châm của tác giả và cũng đáng là phương châm của mỗi chúng ta: "Ở trên trời, tôi có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thịt và lòng tôi bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức lực của lòng tôi và là phần tôi đến đời đời."

Những điều tác giả viết trong Thi-thiên này có nói lên tâm trạng của chính Bạn không? Chúng ta không hiểu được những bất công ở đời và lắm lúc cũng muốn buông xuôi: "Thôi, sống đạo đức, ngay thẳng làm gì cho khổ, có được gì đâu!" Những lúc ấy chúng ta cần "vào nơi thánh của Đức Chúa Trời" (đến với Chúa ở bất cứ nơi nào), để xin Chúa giúp ta tìm thấy ý nghĩa của đời sống và thấy rõ số phận của người gian ác. Tất cả mọi sự ở đời đều mong manh, tạm thời, vì thế niềm tin và lẽ sống của chúng ta phải đặt hoàn toàn nơi Chúa.

Chúa ơi, nhiều việc trong đời này con không hiểu được nhất là khi người ác hưng thịnh, dù vậy, xin giúp con luôn tin cậy Ngài, nắm Ngài mà bước tới.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải-huyền 16.

(c) 2024 svtk.net