Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Thuật Lại

Thi-thiên 78:1-39

"Chúng ta

sẽ thuật lại cho dòng dõi hậu lai những sự ngợi khen Đức Giê-hô-va, quyền năng Ngài và công việc lạ lùng mà Ngài đã làm" (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao tác giả thuật lại công việc quyền năng Chúa làm cho dân Ngài? Đọc lại phân đoạn Kinh Thánh này bạn nhận biết gì về Đức Chúa Trời, về dân Ngài, về chính bạn? Bạn có thuật lại sự phản nghịch của mình và ơn cứu chuộc của Chúa cho con cháu bạn nghe không? Điều bạn thuật lại có giúp con cháu bạn thêm lòng tin cậy Chúa không?

Để hiểu rõ Thi-thiên 78, chúng ta cần đọc lại phần lịch sử trong khoảng thời gian từ khi người Do Thái ra khỏi Ai Cập, lưu lạc trong sa mạc, đến khi vào Đất Hứa và cả trong thời các quan xét cai trị. Nếu chưa biết các câu chuyện này, Bạn nên dành thì giờ đọc từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký đến hết sách Các Quan Xét. Thi-thiên 78 tóm lược tất cả những diễn tiến trong các sách đó để cho thấy rằng dù con dân Chúa nhiều lần phản nghịch, Ngài vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ mỗi khi họ ăn năn. Mục đích của Thi-thiên này, như tác giả nói ở phần đầu, là để cho "dòng dõi hậu lai

được biết những điều đó, rồi phiên chúng nó truyền lại cho con cháu mình, hầu cho chúng nó để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, không quên các công việc Ngài, nhưng gìn giữ các điều răn của Ngài, để chúng nó không như tổ phụ mình, là một dòng dõi cố chấp, phản nghịch

" (c.6-8). Tác giả nhắc lại bài học lịch sử để giúp những thế hệ mai sau tránh vết xe đổ của người xưa.

Thi-thiên này không ghi lại các giai đoạn lịch sử của Y-sơ-ra-ên theo thứ tự thời gian nhưng mô tả thời kỳ lưu lạc trong sa mạc trước (c.9-39); rồi nhắc lại những phép lạ trước khi ra khỏi Ai Cập (c.40-54); sau đó nói về việc vào Đất Hứa và những thời kỳ kế tiếp (c.55-72). Phần Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay nói về sự phản loạn của người Do Thái trong thời gian lưu lạc trong sa mạc. Những ơn lành Chúa ban cho họ trong thời kỳ này gồm có: rẽ nước Biển Đỏ, hướng dẫn bằng trụ mây và trụ lửa, cho có nước uống trong sa mạc. Trước những phép lạ đó, con dân Chúa vẫn không trọn lòng tin nhưng lại đòi có bánh và thịt; tuy vâỵ, Chúa đã làm theo đúng lời họ cầu xin, ban cho họ bánh ma-na và thịt chim cút (Xuất Ê-díp-tô Ký 16). Sau đó người Do Thái lại đòi thịt một lần nữa (Dân-số Ký 11). Chúa lại chiều theo ý họ nhưng Ngài cũng đã hình phạt họ vì lòng tham và tính hay phàn nàn. Sau đó, họ ăn năn, Chúa lại tha thứ và ban phước. Trong câu 38, 39 tác giả nói: "Nhưng Ngài, vì lòng thương xót, tha tội ác cho, chẳng nổi giận đến cực kỳ. Ngài nhớ lại chúng nó chẳng qua là xác thịt, một hơi thở qua rồi không trở lại."

Hình ảnh con dân Chúa ngày xưa cũng là hình ảnh của chúng ta hôm nay. Đã bao nhiêu lần Chúa yêu thương, giải cứu chúng ta, ban cho chúng ta phước lành, nhưng chúng ta vẫn quên ơn Chúa và vẫn than phiền oán trách. Tuy có lúc Chúa phải hình phạt chúng ta, nhưng lúc nào Ngài cũng thương yêu. Chúa biết tính cách mong manh và yếu đuối của con người nên Ngài đã tha thứ. Tuy nhiên, chúng ta không thể lợi dụng tình thương của Chúa mãi, vì Ngài cũng là Chúa thánh khiết. Nếu chúng ta tiếp tục con đường phản nghịch như dân Do Thái ngày xưa, chúng ta sẽ không tránh khỏi hình phạt của Chúa. Toàn dân Do Thái được Chúa đưa ra khỏi Ai Cập nhưng chỉ vì thiếu lòng tin, không một người nào được vào Đất Hứa (ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép). Hình phạt đó cũng có thể đến với chúng ta nếu chúng ta cứ tiếp tục sống với lòng không tin và chống nghịch Chúa.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự phản nghịch trong con chống lại ý muốn tốt lành, xin giúp con luôn sống trong lòng nhân từ của Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi-thiên 134-135.

(c) 2024 svtk.net