Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Khẩn Nguyện

Thi-thiên 86

"Xin hãy chỉ dạy cho tôi biết đường lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân thật của Ngài. Xin khiến tôi một lòng kính sợ danh Ngài" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi đến với Chúa, Đa-vít nhìn thấy thế nào về chính ông? Ông nhận biết gì về Chúa? Đa-vít có mối liên hệ với Chúa thế nào? Trong mối liên hệ đó Đa-vít suy tôn, cảm tạ, cầu xin thế nào? Mối liên hệ của bạn với Chúa ra sao? Làm thế nào để qua đời sống bạn người khác nhận biết bạn suy tôn, cảm tạ Chúa?

Hôm nay chúng ta trở lại với một Thi-thiên do vua Đa-vít làm. Bài thơ này là lời cầu nguyện của một người kính yêu Chúa và hết lòng tìm kiếm Ngài. Có thể nói Thi-thiên 86 là bài thơ đúc kết tất cả những câu đặc biệt của những bài thơ Đa-vít làm trước kia. Điểm đặc biệt trong bài thơ này là sau mỗi lời cầu xin, tác giả trình bày lý do vì sao Chúa nên nhậm lời cầu xin của ông. Lời cầu nguyện này gồm bốn phần chính như sau:

1. Lời mở đầu (c.1-7). Đây là lời cầu xin của một người khiêm nhường, trông mong được kinh nghiệm ơn lành của Chúa. Lời cầu xin đặt căn bản trên mối thông công mật thiết của tác giả đối với Chúa: đối với Chúa, ông là người:

a. Khốn cùng và thiếu thốn (c.1): yếu đuối, hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa.

b. Nhân đức (c.2): hiền lành, sống theo tiêu chuẩn của Chúa.

c. Nhờ cậy Chúa (c.2): có đức tin

d. Có tinh thần cầu nguyện (c.3).

Lời cầu xin cũng dựa vào những đặc tính của Chúa: "thiện", "sẵn tha thứ", "ban nhân từ dư dật" và "nhậm lời cầu xin." Mỗi khi cầu nguyện chúng ta cần nhớ Chúa bao giờ cũng là Đấng "thiện", tức là nhân từ, bao giờ Ngài cũng "sẵn sàng tha thứ," "ban ơn lành dư dật" và "nhậm lời cầu xin." Chúa không bao giờ thay đổi, vì thế, để lời cầu xin của chúng ta được Chúa nhậm, chúng ta cần xét lại mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa. Dựa vào tiêu chuẩn của Đa-vít, chúng ta có tùy thuộc vào Chúa hoàn toàn, có sống theo tiêu chuẩn của Chúa, nhờ cậy Chúa và có tinh thần siêng năng cầu nguyện hay không? Nếu có đủ các điều kiện trên, chắc chắn ta sẽ kinh nghiệm ơn lành của Chúa vì lời cầu xin của chúng ta sẽ được Chúa nhậm.

2. Lời suy tôn (c.8-11). Tác giả suy tôn Chúa là Đấng Chí Cao (c.8), Đấng Tạo Hóa (c.8). Ngài tạo dựng con người với một mục đích rõ ràng, đó là để con người tôn thờ Ngài (c.9). Chúa cũng là Đức Chúa Trời độc nhất, độc tôn (c.10). Nhận biết sự cao cả, vĩ đại của Chúa, Đa-vít không mong ước gì hơn là được đi theo sự hướng dẫn của Ngài và tôn thờ Ngài mãi mãi. Thánh Kinh cũng như vạn vật trong thiên nhiên đều cho thấy Chúa là Đấng cao cả, quyền uy và đầy tình yêu thương. Ước mong chúng ta luôn đi trong đường lối Chúa, dưới sự hướng dẫn cao minh của Ngài.

3. Lời cảm tạ (c.12,13). Đây là cao điểm của bài thơ, tác giả hết lòng và sẽ mãi mãi ca ngợi Chúa vì Chúa đã cứu linh hồn ông khỏi âm phủ.

4. Lời cầu xin (c.14-17). Cuối cùng, tác giả trình bày với Chúa hoàn cảnh khó khăn của ông và xin Ngài cứu giúp. Biết Chúa là Đấng "hay thương xót và làm ơn, chậm nóng giận, nhân từ và chân thật," tác giả đặt cả lòng tin vào sự giải cứu của Ngài.

Lạy Chúa, xin chỉ dạy con đường lối Ngài, khiến con một lòng kính sợ Danh Ngài và hết lòng ngợi khen Ngài.

(c) 2024 svtk.net