Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Đón Nhận hay Khước Từ

Giăng 1:1-11

"Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy" (câu 10-11).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế gian được làm nên bởi ai? Tại sao thế gian không nhìn biết Ngài? "Nhận" có nghĩa gì? Tại sao "Chúa đến trong xứ mình, dân mình chẳng hề nhận lấy"? Bạn nhìn biết Ngôi Lời thế nào? Bạn đón nhận Ngôi Lời thế nào trong mùa Giáng Sinh này? Có gì mới không?

Người ta thường nghĩ Chúa Giê-xu vào, xuống, đến trần gian như một người khách lạ từ cõi vô hạn đến thế giới loài người. Nghĩa là Chúa hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên nếu để ý các câu này thì thấy rằng: Thế giới này do chính Chúa sáng tạo, vì vậy Chúa không có gì xa lạ cả. Hơn nữa không phải chỉ thế giới vật chất hay thiên nhiên mới do Ngài sáng tạo và chế ngự, mọi người trên thế giới đều thuộc về Ngài. Những chữ "xứ mình" hay "dân mình" cho thấy quan hệ này.

Chữ "nhìn biết" trong câu 10 có nghĩa là chấp nhận hay là yêu quý. Thế giới loài người đã không chấp nhận Chúa và không yêu quýù Ngài, nhưng cũng có nghĩa là không hiểu, không biết. Ngườøi ta không biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Mết-si-a, là Chúa Cứu Thế, vì vậy đem Ngài ra hành hình. Cuộc đời nhân loại đã đi quá xa trong bóng tối tội ác, vì thế dù có thấy ánh sáng cũng không còn đủ khôn ngoan để nhận định nữa.

Chữ thứ hai chúng ta cần để ý là "nhận." Chữ này có nghĩa là tiếp nhận, đón mời, tin. Thế giới của Chúa, hay thu hẹp hơn là chính dân Chúa đã không chịu nhận Ngài. Một mặt vì sống lâu trong bóng tối, một mặt khác không muốn thay đổi lề thói cũ của mình. Người sống lâu trong bóng tối thường bị chói mắt khi gặp ánh sáng, nhưng nếu cứ đứng mãi chỗ có ánh sáng thì một lúc sẽ quen đi. Con người nói chung không thích thay đổi, vì vậy đã khước từ Chúa.

Mỗi khi nói đến khước từ Chúa, chúng ta thường nghĩ đến người khác hay thế gian, người đời nói chung. Nhưng ta thử xét xem trong thời gian qua đã bao nhiêu lần ta có thái độ khước từ Chúa? Khước từ có nghĩa là không biết, không yêu quý, không chấp nhận. Thật ra mỗi khi ta khước từ Chúa là ta theo ý của mình, đường lối của mình. Nói khác đi khi nào ta lầm lũi bước đi trong cuộc đời này một mình, không cần đến Chúa, tức là ta đã khước từ Chúa. Tất nhiên, con đường khước từ Chúa sẽ đưa ta đến đâu ta đã rõ. Dừng lại hôm nay có lẽ chưa trễ đâu!

Chúa ơi, nhiều lúc trong sự suy nghĩ, trong thái độ, hành động con đã khước từ Ngài. Xin tha thứ cho con, và giúp con thật sự tiếp nhận Ngài.

(c) 2024 svtk.net