Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Tính Nghiêm Khắc của Sự Trong Sạch

Ma-thi-ơ 5:27-37

"Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi" (câu 28).

Câu hỏi suy ngẫm: Có bao giờ bạn đặt tiêu chuẩn cho người khác cao hơn tiêu chuẩn bạn đặt cho chính mình không? Rô-ma 14:10-13 nói gì với bạn? Bạn cần sửa đổi điều gì trong đời sống?

Quân bình giữa cách chúng ta đối đãi với mình và cách chúng ta đối xử với người khác là điều Chúa Giê-xu luôn dạy dỗ. Theo thói quen, chúng ta mềm mại với chính mình nhưng cứng rắn với người khác. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu muốn chúng ta nghiêm khắc hơn với tội lỗi của chính mình và thương xót hơn đối với sự yếu đuối của người khác. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta vượt lên trên thiện cảm và ác cảm độc đoán của mình. Từ đó, có sự dạy dỗ rằng ly dị chỉ đúng trong trường hợp không chung thủy trong hôn nhân. Những ý thích hay thay đổi của chúng ta phải được hạn chế bởi trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, Đấng công bình và thương xót. Nguyên tắc này cũng được phản ánh trong sự dạy dỗ về lời thề (câu 33, 37). Lời nói "Phải" của chúng ta luôn luôn "Phải", chứ không thể khi thì "Phải" khi thì "Không" nếu nó có lợi hay có hại cho mình.

Chúa Giê-xu lên án sự giả hình (23:27). Sự dạy dỗ về sự tà dâm ở đây là một trường hợp điển hình. Như lệ thường, chính những kẻ ở trong tình trạng "phạm tội tà dâm trong lòng" là những kẻ sốt sắng săn tìm kẻ "phạm tội tà dâm trong thân thể." Ví dụ, trong tác phẩm King Lear của Shakespeare, viên xã trưởng đã quất roi một ả gái điếm vì phạm tội tình dục mà chính ông ta tham muốn cô ấy. Trong câu chuyện người đàn bà phạm tội tà dâm (Giăng 8:1-11), Chúa Giê-xu nhấn mạnh rằng tinh thần xét đoán sẽ sai lệch nếu người đoán xét đang ôm ấp những tội lỗi kín giấu. Chỉ những kẻ thẳng thắn đối với tội lỗi của riêng mình mới có thể đoán xét tội lỗi của người khác trong nhân từ và trong lẽ thật. Chúa Giê-xu là duy nhất trọn vẹn trong sự thương xót như thế, vì Ngài vô tội. Vì vậy, chỉ có Chiên Con ngồi trên ngai mới có quyền đoán xét sau cùng.

Sự đòi hỏi của Chúa Giê-xu về sự tự chế nhằm củng cố ý tưởng về trách nhiệm. Người ta càng nghi ngờ về sự tự chế thì người ta càng ít chấp nhận ý nghĩ về trách nhiệm. Một xã hội từ chối trách nhiệm thì sẽ đầy dẫy tệ nạn. Thời đại của chúng ta tin rằng sự tự chế là một lý tưởng không thể thực hiện được. Đối với Phao-lô sự tự chế là bông trái và thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 3:16).

Là con dân Chúa, vì trách nhiệm tôi phải tự chế nhiều mặt, mặt nào tôi hay vấp phạm nhất? Làm thế nào để tôi sửa đổi điều đó?

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con về những lần con đoán xét các anh chị em khác. Xin giúp con đừng "để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình" (Rô-ma 14:13).

(c) 2024 svtk.net