Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Tha Thứ Khi Ăn Năn Hối Cải

Lu-ca 17:1-10

"Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn thì hãy tha thứ" (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao trước khi dạy về sự tha thứ, Chúa Giê-xu đặt vấn đề về sự gây vấp phạm? Chúa cho chúng ta thấy tầm quan trong của sự việc này thế nào? Chúa dạy chúng ta có thái độ nào, xử sự thế nào với tội lỗi? Bạn có thái độ nào đối với tội lỗi?

Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, trước khi Chúa Giê-xu đưa ra phương cách giải quyết cho tiến trình phạm tội - ăn năn - tái phạm lại ăn năn tiếp diễn, thì Ngài đã phủ định một số điều mà các môn đệ của Ngài hay chúng ta hôm nay có thể dùng làm những lý cớ chính đáng khiến cho sự tha thứ không thể xảy ra. Hay nói một cách khác, vì không muốn tha thứ như điều chúng ta cần phải làm theo Lời Chúa truyền, chúng ta sẽ tìm đủ mọi lý do để biện bạch cho sự không vâng lời của mình.

Trước hết, Chúa Giê-xu xác nhận rằng khi một người 'gây nên tội' thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình và gánh chịu hậu quả tội phạm của mình gây nên. Chúa xác nhận rằng không có một lý do nào để chạy tội cả (câu 1). Thứ hai, Chúa Giê-xu cảnh cáo về hậu quả do tội lỗi đem lại rằng tội lỗi đưa đến những phương hại khôn lường. Những tác hại do tội lỗi gây nên ảnh hưởng trong một thời gian thật dài, thật sâu sắc, lan rộng hơn là chúng ta có thể suy tưởng. Một tội gây nên có thể xem như là nhỏ, nhưng hậu quả của nó có thể khủng khiếp không ngờ. Thế nên Chúa cảnh cáo việc gây nên tội cho một người, cho dù đó là một đứa trẻ thì việc "giết" đứa trẻ bằng cách "cột cối đá vào cổ nó quăng xuống biển" là một hành động tàn nhẫn vẫn còn nhẹ hơn việc "gây cho kẻ nhỏ đó phạm tội" (câu 2). Thứ ba, trách nhiệm của chúng ta đối với người gây nên tội. Chúng ta không thể làm ngơ hay không có phản ứng hoặc hành động nào đối cùng người gây nên tội ác. Chúng ta không xem như là không có chuyện gì xảy ra và kể như là vô tội. Chúa khuyên chúng ta phải "quở trách" họ. Dĩ nhiên, quở trách ở đây không có nghĩa là lên án hay kết tội, nhưng chúng ta cần giúp cho người gây nên tội nhận thấy được sự sai trật của mình và cho họ cơ hội để ăn năn. Chúng ta cần phải tế nhị, khéo léo với tình thương của Chúa cho để có thể quở trách người khác và giúp họ nhìn nhận tội lỗi nhưng nhân phẩm của họ không bị giày đạp. Thứ tư, một khi người gây nên tội ăn năn, chúng ta có trách nhiệm tha thứ cho họ. Tha thứ không những vì tấm lòng hối cải, muốn quay trở lại đường ngay nẻo chánh của người gây nên tội, nhưng tha thứ cho anh em mình vì chính mình đã nhận được sự tha thứ dồi dào từ nơi Chúa. Hãy nhớ lại những bài học mà chúng ta đã học trước đây, "như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy" (Cô-lô-se 3:13b). Chắc chắn chúng ta không thể nào thực hiện được bằng sức lực riêng của mình. Nhưng khi nhìn lên Chúa và nhớ lại thể nào chính mình đã nhận được sự tha thứ dồi dào từ nơi Ngài, chúng ta có thể nương nhờ sức Chúa để tha thứ người khác khi họ phạm tội cùng chúng ta.

Tôi có lưu ý về chính mình để không gây cớ vấp phạm chăng?

Cảm tạ Chúa vì Ngài luôn tha thứ cho con, xin cho con biết tha thứ cho người khác giống như vậy.

(c) 2024 svtk.net