Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Hãy Đến Dự Lễ

Lê-vi Ký 23:1-22

"Con nói với người Ít-ra-ên và dạy họ rằng: Sau đây là những lễ Ta ấn định, những ngày lễ của Chúa, là những ngày các ngươi công bố cuộc hội họp thánh" (câu 2 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Các câu này dạy thế nào về tầm quan trọng của ngày Sa-bát? Những sự chỉ dạy nào được ban cho việc gặt hái mùa màng? Bạn đang theo truyền thống nào trong sự thờ phượng cá nhân và tập thể? Làm thế nào bạn biết chắc rằng sự thờ phượng của bạn, của Hội Thánh thuộc về Chúa chứ không phải thuộc về loài người (I Cô-rinh-tô 10:31)?

Sự cử hành lễ hội là trọng tâm đời sống của người Ít-ra-ên. Các lễ hội chúng ta đọc hôm nay được giới thiệu như là "những ngày lễ của Đức Giê-hô-va," và chúng là một trong những quà tặng phong phú nhất của Đức Chúa Trời cho con dân Ngài.

Sự thánh hóa ngày thứ bảy dĩ nhiên đến trước kế hoạch thờ phượng của Đức Chúa Trời dành cho người Ít-ra-ên. Mạng lệnh giữ một ngày trong bảy ngày làm ngày nghỉ là một phần của trật tự trong sự sáng tạo (Sáng-thế Ký 2:3). Nói một cách khác, nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng là một phần của qui định trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, nhưng đối với những người có mối liên hệ giao ước với Đức Chúa Trời, việc giữ ngày Sa-bát lại càng có ý nghĩa sâu sắc hơn; đó là sự ngừng nghỉ các trách nhiệm hằng ngày của chúng ta trong vòng sự sáng tạo để bước vào một mối liên hệ sâu sắc hơn với Đấng Tạo Hóa mình.

Trong phân đoạn hôm nay ý nghĩa trọng tâm của Lễ Vượt Qua/ Trái Đầu Mùa/ Các Tuần Lễ -- tức là sự giải phóng khỏi cảnh nô lệ, hoàn toàn bị thiếu mất. Tại đây ý nghĩa về nông nghiệp là trọng tâm, mặc dù câu 22 có gợi ý về mối quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, khi lễ hội này phát triển trong người Ít-ra-ên, nó đã trở thành một trong những sự việc vui mừng nhất trong đời sống của người Do Thái, và dĩ nhiên nó đã tuôn tràn vào sự thờ phượng của Cơ Đốc nhân trong Lễ Tiệc Thánh.

"Khi ăn xong, Ngài

lấy chén" (Lu-ca 22:20). Nhưng nơi nào và khi nào thì sự uống chén đã trở thành một phần của Lễ Vượt Qua? Chắc chắn điều đó không có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Nó là một phần của lời truyền khẩu của người Do Thái, mà Chúa Giê-xu đã đặt làm trung tâm của sự thờ phượng. Vì vậy chúng ta đừng phản đối "truyền thống." Dù chúng ta có tổ chức kiểu cách thờ phượng của Hội Thánh và của chúng ta như thế nào, chúng ta cũng không thể tránh né những truyền thống, cũng không nên tránh nó. Đúng hơn chúng ta hãy bảo đảm rằng truyền thống mà chúng ta tạo nên làm tăng tiến hơn là ngăn trở kinh nghiệm của chúng ta với Chúa, vì đây là "những ngày lễ của Đức Giê-hô-va."

Trong mọi cách thờ phượng tôi đều mong muốn đem vinh hiển cho Chúa?

Lạy Chúa, nguyện sự thờ phượng của con, và mọi điều con làm, đều đem sự tôn trọng và vinh hiển cho Chúa, và cho Chúa mà thôi.

(c) 2024 svtk.net