Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

"Lời" của Giao Ước

Rô-ma 9:19-29

"Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao?" (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Tranh cãi với Đức Chúa Trời có nên không? Có những ví dụ nào trong Kinh Thánh? Có khi nào bạn thấy Lời Đức Chúa Trời là khó hiểu quá không?

Phân đoạn này kết luận phần đầu lý luận của Phao-lô. Ông bắt đầu bằng cách khẳng định rằng Lời Đức Chúa Trời không phải là vô ích (9:6)! Bây giờ ông khẳng định rằng Đức Chúa Trời sẽ thật sự "làm ứng nghiệm Lời Ngài" (hoặc thi hành án phạt của Ngài) trên đất (câu 28). Nhưng từ "lời" này không phải là lời hứa phước hạnh mà người Do Thái đồng hương của Phao-lô nương cậy vào! Nó là "án phạt" của Đức Chúa Trời, Lời tuyên bố sự đoán phạt trên Ít-ra-ên vì tội lỗi của họ. Bằng cách trích dẫn sách Ê-sai (10:22; 1:9), Phao-lô nhắc nhở những người đương thời rằng Đức Chúa Trời không bao giờ hứa với người Ít-ra-ên chỉ có ơn phước: Trong giao ước, Ngài cũng hứa sự đoán phạt trên tội lỗi.

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi nêu ra bởi lòng vô tín của Ít-ra-ên là: Nếu một số người Do Thái đã sa vào tội lỗi và ở dưới sự đoán phạt, thì đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời đang thất bại trong việc giữ "lời" Ngài đối với Ít-ra-ên. Hoàn toàn không phải như vậy.

Nhưng mục đích cuối cùng của Đức Chúa Trời không phải là đoán phạt, mà là thương xót: thật ra "để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển" (câu 23). Và vì vậy, sự đoán phạt được hoãn lại (câu 22): Đức Chúa Trời hành động với sự "khoan nhẫn," dành thời gian cho việc giảng Phúc Âm để người Do Thái và dân ngoại có thể được "gọi" là dân Ngài (câu 24, 25). Khi trích dẫn Ô-sê 1:10 và 2:23, Phao-lô cho biết ông thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm trong sự cứu rỗi của Hội Thánh, bao gồm cả người Do Thái lẫn người ngoại bang.

Nhưng mọi điều này có công bằng không? Nếu chỉ sự thương xót của Đức Chúa Trời quyết định chúng ta được cứu hay không, thì thể nào Đức Chúa Trời đoán phạt một cách công bình những kẻ mà Ngài quyết định không bày tỏ sự thương xót cho? Đó là câu hỏi trong câu 19. Câu trả lời của Phao-lô giống như câu trả lời của Đức Chúa Trời cho Gióp: Ngươi có thể nói cho ta phải tổ chức sự sáng tạo của ta như thế nào sao? Điểm then chốt ở đây là sự đáng trách của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, và sự thương xót cao cả của Đức Chúa Trời đối với chúng ta.

Tôi có sẵn sàng làm bất cứ loại bình nào mà Chúa muốn làm theo ý Ngài?

Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa vì con là một con cái được chọn của "Đức Chúa Trời hằng sống," bởi đức tin trong Đấng đã chết cho con. Xin khiến con trở thành một cái bình quý giá mà Chúa có thể sử dụng.

(c) 2024 svtk.net