Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Rút Kết Luận

Rô-ma 11:1-10

"Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Để trả lời câu hỏi "Đức Chúa Trời có bỏ dân Ngài không?", Phao-lô đưa ra bằng chứng nào về việc giữ lời hứa của Đức Chúa Trời? Trong sự nhân từ, trong ân sủng của Đức Chúa Trời, Ngài có đoán phạt dân Ngài không? Làm thế nào vượt qua sự đoán phạt, đến với ân sủng? Theo bạn, xét lòng, ăn năn là việc một lần đủ cả hay cần làm mỗi ngày? Tại sao?

Câu 1 lập bối cảnh cho phân đoạn này: Phao-lô bắt đầu rút ra kết luận về mối bận tâm lớn nhất của ông trong Rô-ma chương 9-11. Có phải lòng vô tín của người Ít-ra-ên cùng với đức tin của rất nhiều người Ngoại Bang, làm giao ước của Đức Chúa Trời với người Ít-ra-ên không còn nữa chăng? "Chẳng hề như vậy!" ông kêu lên. Đây chỉ là một lần nổi loạn đáng sợ khác. Nhưng như trong thời của Môi-se (Rô-ma 9:15), Ê-sai (9:29) và Ê-li (11:2-4), cuộc nổi loạn như thế không có nghĩa là kết thúc lời hứa của Đức Chúa Trời.

Sự lập Phao-lô làm tiên tri và sứ đồ chứng minh ân sủng liên tục của Đức Chúa Trời đối với Ít-ra-ên (câu 1, 2, 5, 6). Ông vẽ một đường song song giữa ông và Ê-li, cùng bị từ chối và bắt bớ bởi dân mình (I Các Vua 19). Ngay cả khi Ít-ra-ên từ chối những phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, ân sủng của Đức Chúa Trời - ân huệ của Ngài đối với kẻ thù (so sánh Rô-ma 5:2, 10) - vẫn là chắc chắn.

Phao-lô biết rất sâu sắc rằng ân sủng không dẹp bỏ sự đoán phạt. Trong thời Môi-se, Ê-sai, và Ê-li, ân sủng đã tạo nên một số người trung tín còn sót lại, và những kẻ vẫn cứ nổi loạn đã bị sa vào sự đoán phạt. (Đó cũng là sứ điệp của Phục-truyền Luật-lệ Ký Luật Lệ Ký 32, trọng tâm suy nghĩ của Phao-lô ở đây). Sau khi tìm cách để thúc giục người Ít-ra-ên ăn năn, phản ứng kế tiếp của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của họ là sự đoán phạt.

Điều này giải thích cho câu 7-10 đầy ảm đạm. Trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:4 và Thi-thiên 69:22, 23, Phao-lô hiểu được nguyên tắc hành động của Đức Chúa Trời: Ngài khẳng định với dân chúng về sự nổi loạn mà họ đã chọn lựa, và tuyên bố sự đoán phạt trên họ. Đa-vít (câu 9) cũng là một nhân vật tiên tri, bị dân mình từ chối, và dĩ nhiên ông làm hình bóng cho sự từ chối Chúa Giê-xu. Thi-thiên 69 được áp dụng cho Chúa Giê-xu ở chỗ khác trong Tân Ước - nổi tiếng nhất, trong lời của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, "Ta khát" (Thi-thiên 69:21; Giăng 19:28, 29).

Trong tôi có mầm mống phản loạn, cứng lòng như người Ít-ra-ên không? Tôi cần làm gì với mầm mống đó?

Lạy Chúa, xin giúp con thoát được sự đoán phạt, con nguyện nhớ rằng Chúa luôn luôn ở với con và sẽ giúp đỡ con.

(c) 2024 svtk.net