Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Đấng Vinh Hiển

Khải-huyền 1:9-20

"Là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ" (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Giăng đã phản ứng thế nào khi ông nhìn thấy "ai giống như con người"? Ông được bảo phải làm gì? Sứ đồ Giăng được ban cho sự hướng dẫn về điều ông cần phải làm? Đức Chúa Trời có đang bảo bạn làm gì để góp phần phát triển Nước Ngài?

Không thể có sự mô tả nào về Chúa Giê-xu lạ lùng hơn sự mô tả tại đây. Để hiểu được nó, chúng ta cần ít chú ý đến toàn bộ bức tranh mà chú ý nhiều hơn đến đặc tính của từng phần. Sứ đồ Giăng nói rằng Chúa Giê-xu hiện đến với ông như một người thế nhưng từng phần của thân thể Ngài thật quá rực rỡ đến nỗi chỉ có ngôn ngữ hình bóng mới có thể mô tả được. May mắn là hầu hết những manh mối để diễn giải phân đoạn này đều được tìm thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước. Sự mô tả này được rút ra một cách tự nhiên từ hình ảnh của Đa-ni-ên 7 và Ê-xê-chi-ên 1 cũng như sự mô tả về vị thiên sứ trong Đa-ni-ên 10. Dường như nhân tính của Chúa Giê-xu giờ đây được bày tỏ ra gồm cả vinh quang thiên thượng với mỗi khía cạnh phẩm chất sâu sắc hơn, phong phú hơn là của con người trần tục.

Tại đây Chúa Giê-xu được mô tả "giống như con người," chính xác như những từ ngữ được dùng trong Đa-ni-ên 7:13, thế nhưng hình ảnh Ngài thật sự được rút ra từ một phần của Đa-ni-ên chương 7 khi mô tả Đấng Thượng Cổ là chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 7:9). Vì thế Sứ đồ Giăng mô tả Chúa Giê-xu là Đấng mang lấy bản tiùnh của chính Đức Chúa Trời. Ấy là một trong những lời chứng sâu sắc nhất về thần tiùnh của Đấng Christ trong cả Thánh Kinh Cựu Ước. Sứ đồ Giăng phủ phục xuống mà tôn thờ và điều đó thật phải lẽ. Bởi lẽ Đấng đã đi con đường của sự chết để đến sự sống (trái ngược với con đường của chúng ta) giờ đây được bày tỏ ra với thân vị của chính Ngài: ấy là Chúa Đấng đắc thắng vinh hiển.

Chúng ta chia sẻ một phần nhỏ với những gì Sứ đồ Giăng được biết về sự chịu khổ và sự nhịn nhục. Thế nhưng chúng ta cũng hãy để ý rằng, xen giữa hai chủ đề trên trong câu 9 có đề cập đến Nước Đức Chúa Trời. Đây là một chiều kích vĩ đại mà Sứ đồ Giăng không thể quên được trong chuyến lưu đày của mình. Vì Chúa Giê-xu điều khiển dòng lịch sử và Ngài có thể dạy bảo điều chúng ta cần biết, khi mọi sự đều quá mong manh. Sứ đồ Giăng đang phải bỏ lỡ buổi thờ phượng sáng Chúa Nhật của mình nhưng ông đã có được sự khích lệ mà ông cần đến!

Ngày hôm nay làm thế nào tôi có thể bày tỏ sự ca ngợi và thờ phượng bằng sự việc chia sẻ niềm tin của tôi?

Lạy Chúa, con xin dâng lên Ngài lời ca ngợi và sự thờ phượng của con. Xin cho con lắng nghe điều Ngài muốn con làm để bày tỏ sự vinh hiển Ngài cho thế gian trầm luân khốn khổ này.

Giê-rê-mi

Giê-rê-mi là tiên tri của sầu não và bi thương. Những bài giảng của ông đầy dẫy cáo trạng, cảnh báo và thở than. Ông theo đuổi chức vụ giữa những con người phạm tội gian lận và lừa đảo, đưa quốc gia tới sự bất tuân và diệt vong. Giê-rê-mi khóc than và phiền trách; ông nguyền rủa và cảnh cáo. Ông bước vào chức vụ hoàn toàn không có chỗ dựa: sự tồn tại của quốc gia cùng cuộc sống của dân Chúa đang lâm nguy. Phạm vi rao giảng của ông vượt ngoài Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, tới các nước lân cận, chỉ cho họ sự xuất hiện của "đầy tớ Đức Chúa Trời," là Nê-bu-cát-nết-sa, và cảnh báo họ rằng kháng cự là vô ích, đầu hàng và tùng phục là cách duy nhất để được xót thương và tồn tại.

Giọng điệu trong sách thật trang trọng, u sầu, bi thương. Thế nhưng, xuyên suốt, vẫn có dòng chảy hy vọng. Đức Chúa Trời sẽ sai Đấng Chăn Mới cho dân của Ngài. Ngài sẽ duy trì họ qua thời gian bị giam cầm. Họ sẽ được trở về xứ. Ngài sẽ giải quyết vấn đề cứng lòng của họ và bước vào một Giao Ước không thể phá vỡ được với họ. Họ sẽ là dân của Ngài, Ngài sẽ là Đức Chúa Trời của họ, và mọi người sẽ biết Ngài, từ lớn nhất cho tới nhỏ nhất trong họ. Và quan trọng hơn cả, Ngài sẽ tha tội họ, và không còn nhớ tới nữa.

Giê-rê-mi chứng kiến sự sụp đổ Giê-ru-sa-lem cùng sự tiêu diệt quốc gia Giu-đa lẫn Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Bất kỳ vinh quang nào có trong Giao Ước Cũ giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài cũng bị quét sạch trong án phạt thịnh nộ của thiên thượng. Nhưng đó chỉ là để mở lối cho một Giao Ước Mới sẽ dẫn vào kỷ nguyên ứng nghiệm trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài. Sứ điệp của Giê-rê-mi rất thẳng thừng; thế nhưng xuyên suốt ông biểu lộ tấm lòng của một vị mục sư, bày tỏ sự quan tâm của Đức Chúa Trời yêu thương đối với một dân phản loạn. Giê-rê-mi cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời của công lý thật thánh khiết và là Cha thương xót đầy nhân từ.

Trong khi tìm hiểu qua những bài nghiên cứu này, chúng ta hãy cố gắng khám phá cho mình những bài học dành sẵn về việc kêu gọi chúng ta theo Ngài trong sự thánh khiết và chân thật, cùng lời Ngài hứa chăm sóc chúng ta theo tình yêu và lời hứa đời đời của Ngài. Và chúng ta hãy ca ngợi, cùng cảm tạ Ngài về ân sủng bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Giê-xu Christ, qua đó, chúng ta biết được sự đầy trọn trong tình yêu Giao Ước của Ngài.

(c) 2024 svtk.net