Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Chúa Chữa Bệnh

Mác 1:29-45

"Ngài trải khắp xứ Ga-li-lê, giảng dạy trong các nhà hội và đuổi quỷ" (câu 39).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi được Chúa chữa lành, bà gia Phi-e-rơ làm gì? Dù bận rộn nhưng Chúa Giê-xu vẫn dành thì giờ cầu nguyện, tại sao? Chúa Giê-xu đến trần gian với mục đích gì (câu 38)? Tại sao Chúa "rờ" đến người phung trước khi phán chữa bệnh cho ông? Bạn học được điều gì qua bài học này?

Câu chuyện chúng ta vừa đọc cũng xảy ra tại Ca-bê-na-um, trong cùng một ngày Sa-bát. Khi ở hội trường ra, Chúa Giê-xu đến nhà của Si-môn và Anh-rê. Tại đây Chúa chữa bệnh cho bà gia của ông Si-môn, nhờ đó bà được khoẻ và bắt tay phục vụ ngay. Chúng ta cũng nên noi gương bà gia của ông Si-môn, chúng ta đã được Chúa cứu và ban cho nhiều ơn phước, chúng ta cũng đứng lên phục vụ người khác.

Hôm đó là ngày Sa-bát, tức là ngày nghỉ, người ta không được phép khiêng, gánh hoặc khuân vác gì cả, do đó phải đợi đến khi mặt trời lặn, tức là chấm dứt ngày Sa-bát, người ta mới đem những người bệnh đến với Chúa. Những người được đem đến với Chúa được xếp thành hai loại: người bị bệnh và người bị quỷ ám. Cả hai đều được Chúa chữa lành. Điều này cho thấy Chúa Giê-xu chẳng những chữa bệnh thân xác, nhưng Ngài cũng chữa bệnh tật tâm linh cho con người. Câu 34 cho thấy Chúa không cho ma quỷ tuyên bố Ngài là Con Đức Chúa Trời vì lời xưng nhận của nó không có giá trị; đó chỉ là hiểu biết của ma quỷ, chứ không phải là lời xưng nhận của người tin Chúa.

Dù suốt ngày bận rộn giảng dạy và chữa bệnh, nhưng ngày hôm sau, Chúa vẫn dậy sớm, tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là điều chúng ta cần học nơi Chúa dù bận rộn đến đâu, cũng nhớ dành thì giờ tâm giao với Chúa. Dù Chúa Giê-xu chữa lành bệnh và đuổi quỷ ra khỏi nhiều người nhưng Chúa cho biết mục đích chính của Ngài trên trần gian là giảng đạo (câu 38). Rồi Chúa tiếp tục sứ mạng của Ngài: giảng dạy và đuổi quỷ (câu 39). Việc làm của Chúa cho thấy nhu cầu tâm linh thật quan trọng. Người ta cần được nghe Phúc Âm để tâm linh được thay đổi. Con người cũng cần được giải thoát khỏi gông cùm và xiềng xích của ma quỷ. Ngày nay chúng ta không bị quỷ ám như người thời xưa nhưng nếu chúng ta để cho thú vui và vật chất ở đời ám ảnh và điều khiển, cuộc đời của chúng ta cũng chẳng khác gì những người đó vì không có Chúa làm Chủ.

Lê-vi Ký 13, 14 cho biết rõ về bệnh phung và những điều người mắc bệnh phung phải làm. Nỗi đau khổ của người mắc bệnh phung không chỉ là những đau đớn trong thân thể mà còn tủi nhục vì bị cô lập khỏi xã hội. Người phung đến với Chúa không cầu mong điều gì khác hơn là lòng thương của Chúa. Ông nói: "Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được." "Khứng" nghĩa là muốn hay vui lòng. Thánh Kinh Hiện Đại dịch là: "Nếu Chúa vui lòng, Chúa có thể chữa cho con lành bệnh."

Trước khi phán lời đó, Chúa Giê-xu "đưa tay rờ người" vì Chúa "động lòng thương xót." Chúa chữa bệnh cho người phung bắt đầu từ lòng thương. Lòng thương ấy thể hiện qua hành động đưa tay đụng đến người và cuối cùng, Chúa thể hiện quyền năng của Ngài bằng cách phán một lời để chữa bệnh cho người ấy. Đó cũng là những diễn tiến khi chúng ta đến với Chúa: Ngài thương chúng ta, đụng đến chúng ta và sẵn sàng cứu chữa chúng ta, dù là căn bệnh thân xác hay tâm linh.

Sau khi chữa cho người phung, Chúa căn dặn người ấy không được nói với ai cả nhưng phải đi gặp thầy tế lễ để giữ cho đúng luật Môi-se. Chúa dặn như vậy vì Ngài không muốn người ta chỉ đến với Ngài để được chữa bệnh. Mục đích của Chúa là để "giảng đạo" (câu 38). Nhiệt tình "đồn ra" của người phung là điều tốt nhưng vì không vâng lời Chúa, người ấy đã làm "hại" hơn là làm lợi cho Chúa. Làm công việc Chúa chưa chắc đã là điều tốt nếu chúng ta không làm đúng theo ý Chúa.

Điều gì quan trọng nhất trên đường theo Chúa của tôi?

Cảm ơn Chúa đã yêu thương con, đến trần gian chịu chết để cứu con. Xin giúp con biết làm theo ý Chúa mỗi ngày để đền đáp phần nào công ơn của Chúa cho con.

(c) 2024 svtk.net