Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Ngày Sa-bát

Mác 2:23-3:6

"Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chứ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người" (câu 27).

Câu hỏi suy ngẫm: Các môn đệ và Chúa Giê-xu làm gì trong ngày Sa-bát? Chúa cho người Pha-ri-si biết môn đồ Ngài có phạm luật không? Ai phạm luật? Điều Chúa muốn họ làm, sống là gì? Bạn áp dụng điều Chúa dạy tại đây vào đời sống hằng ngày thế nào?

Chúa Giê-xu đã đáp lại lời than phiền của người Pha-ri-si bằng cách trích một trường hợp trong Thánh Kinh Cựu Ước, nói về vua Đa-vít và các bạn trong lúc đói đã ăn bánh thánh là bánh dành riêng cho các thầy tế lễ (I Sa-mu-ên 21:1-6). Chúa Giê-xu nhắc lại chuyện này để cho những người Pha-ri-si thấy hai điều sau:

1. Trường hợp của vua Đa-vít nghiêm trọng hơn nhưng Thánh Kinh đã không lên án. Trong khi đó các môn đệ của Chúa không vi phạm luật của Môi-se, chỉ không làm theo lối giải thích của những người dạy luật thời đó mà thôi.

2. Nhu cầu của con người quan trọng hơn luật lệ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ luật lệ, nhưng Chúa cho thấy chúng ta không nên giữ luật một cách khắt khe, cứng ngắc mà quên đi nhu cầu của con người.

Lúc đó người Do Thái đặt ra nhiều luật lệ khắt khe về ngày Sa-bát, và đối với họ chữa bệnh hay cứu người trong ngày Sa-bát cũng là làm việc trong ngày nghỉ, vì vậy đều bị cấm. Theo họ, khi một người bị thương hay bị bệnh trong ngày Sa-bát, nếu ta cố gắng làm sao cho bệnh đừng nặng hơn thì không sao, nhưng nếu ta làm thế nào mà bệnh tình người ấy thuyên giảm thì ta đã phạm luật ngày Sa-bát. Do đó, trường hợp người bị teo bàn tay ở đây là một thách thức lớn cho Chúa. Người Pha-ri-si sẽ bắt bẻ Chúa rằng bàn tay bị teo không nguy hiểm đến tính mạng nên có thể đợi đến hôm sau chữa cũng được. Tuy nhiên, Chúa đã biết rõ thâm ý của họ là muốn tố cáo Ngài nên Ngài gọi người bị teo tay ra đứng trước mặt mọi người và hỏi: "Trong ngày Sa-bát nên làm việc lành hay việc dữ? Cứu người hay giết người?" Chúa muốn cho họ biết trong ngày Sa-bát, Chúa chữa bệnh còn họ mưu tính hại Ngài, việc nào nên làm, việc nào không nên làm? Chúa nói đúng tâm can của họ nên họ không thể trả lời gì cả. Hơn nữa Chúa thấy rõ lòng cứng cỏi của họ (câu 5) nên Ngài vừa giận vừa buồn. "Cứng cỏi" hàm ý chống lại ý Chúa, khác với người có lòng khiêm tốn, sẵn sàng chịu dạy dỗ.

Câu chuyện vừa đọc cho chúng ta thấy giữ đúng luật lệ và lễ nghi tôn giáo chưa hẳn là theo Chúa thật lòng. Nhiều người có thể đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, giữ đúng mọi lễ nghi mà vẫn sống thiếu tình thương và không để ý đến nhu cầu của người khác. Sống như vậy thì giữ mọi nghi lễ ngày Chúa Nhật không có giá trị gì cả. Thật ra, vâng giữ những luật lệ và nghi lễ tôn giáo còn dễ hơn là sống đời sống ngay lành, yêu thương.

Hơn nữa, chính Chúa đã dựng nên tất cả, nên ngày Sa-bát cũng ở dưới quyền của Ngài. Chúa có thể sử dụng và cho phép người khác sử dụng ngày ấy như thế nào là tùy ý Ngài. Đức Chúa Trời đã đặt ra luật ngày Sa-bát không phải để con người làm nô lệ cho ngày ấy, nhưng để giúp con người có thì giờ nghỉ ngơi.

Người Pha-ri-si coi những người cấu kết với Ngoại Bang là ô uế, bất chính, nhưng vì cần thế lực của họ ở Giê-ru-sa-lem để hại Chúa Giê-xu (về sau sự việc xảy ra đúng như vậy), nên người Pha-ri-si đã sẵn sàng hợp tác với phe Hê-rốt để giết Chúa.

Tôi nhìn người, sự việc trên cái nhìn của luật pháp hay luật yêu thương? Làm sao để tôi không lạm dụng luật yêu thương?

Chúa ơi, xin đừng để con như người Pha-ri-si, chỉ để ý lễ nghi bên ngoài mà bên trong đầy mưu mô thâm độc, hại người. Xin cho con có được tâm tình của chính Chúa, thương người và sẵn sàng làm mọi việc để cứu người.

(c) 2024 svtk.net