Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Hãy Vững Tin!

Mác 5:21-43

"Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bệnh" (câu 34). "Đừng sợ, chỉ tin mà thôi" (câu 36).

Câu hỏi suy ngẫm: Tình cảnh của người đàn bà thế nào? Tại sao Chúa muốn bà xác nhận vừa nhận được phép lạ từ Chúa? Chúa khích lệ đức tin của Giai-ru thế nào? Điều đó cho bạn biết thế nào về Giai-ru? Về Chúa Giê-xu? Bạn học và áp dụng bài học này thế nào vào đời sống?

Phân đoạn chúng ta vừa đọc gồm hai câu chuyện:

1. Chúa chữa bệnh cho người bị băng huyết (câu 25-34). Đây là hình ảnh của một người hoàn toàn tuyệt vọng vì đã hết phương cứu chữa: "Bị bịnh mất huyết đã mười hai năm, bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của mà không thấy đỡ gì, bịnh lại càng nặng thêm" (câu 25, 26). Bạn đã ở trong hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng và đau khổ, không còn mong tìm thấy sự cứu giúp nào nơi con người? Trong hoàn cảnh đó, thiếu phụ này được nghe về Chúa và bà tin rằng Chúa có thể chữa bệnh cho mình. Tuy nhiên, vì nhút nhát, bà không dám công khai xin Chúa chữa bệnh. Bà "lẩn vào đằng sau giữa đám đông mà rờ áo Ngài" (câu 27). Hành động này nói lên đức tin của thiếu phụ và chính Chúa Giê-xu cũng xác nhận điều đó (câu 34). Chúa Giê-xu biết rõ ai đã đụng đến Chúa vì "có sức mạnh đã ra từ Ngài," nhưng Ngài vẫn hỏi để thiếu phụ này có dịp xưng nhận đức tin của mình. Thánh Kinh dạy: "Do lòng tin, anh em được kể là người công chính và do miệng xưng nhận Ngài, anh em được cứu rỗi" (Rô-ma 10:10, TKHĐ). Thiếu phụ này đã có đức tin nơi Chúa, nhưng bà cần công khai xưng nhận đức tin đó cho mọi người đều biết. Chúng ta không thể tin Chúa cách kín giấu, bí mật, không cho người khác biết.

2. Chúa gọi con gái của người cai nhà hội sống lại (câu 21-24; 35-43). "Người cai nhà hội" là người coi về việc hành chánh và sắp xếp các chương trình thờ phượng trong hội trường của người Do Thái. Ngược lại với thiếu phụ vô danh mắc bệnh băng huyết, ông Giai-ru là người có tiếng tăm. Tuy nhiên, cả ông Giai-ru và thiếu phụ kia đều ở trong cùng một hoàn cảnh: cả hai đều phải bó tay trước bệnh tật. Con người dù giàu có, hay danh tiếng đến đâu cũng đều có những giới hạn không vượt qua được và vì thế phải cần đến Chúa.

Những người chung quanh ông Giai-ru cho ông thấy hoàn cảnh của ông hoàn toàn tuyệt vọng, vô phương cứu chữa: "Con gái ông đã chết rồi, còn phiền thầy làm chi?" (câu 35). Trước mắt con người, hoàn cảnh bi đát thật, nhưng Lời Chúa khuyên ông Giai-ru cũng là lời khuyên cho mỗi chúng ta: "Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!" (câu 36). Người trong nhà thấy hoàn cảnh thật bi đát, họ khóc lóc vì đứa bé đã chết nhưng Chúa thấy đó chỉ là một giấc ngủ. Ba môn đệ thân tín, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng được Chúa cho phép đi theo để chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra và ghi lại cho chúng ta biết (Phúc Âm Mác được viết theo lời của Sứ đồ Phi-e-rơ). Chữ Ta-li-tha Cu-mi là tiếng Aramaic, ngôn ngữ của người Do Thái thời đó. Tác giả ghi lại đúng câu nói của Chúa Giê-xu lúc đó cho thấy tính cách xác thực của câu chuyện. Chúa cũng quan tâm đến đứa bé Chúa vừa gọi sống lại vì Chúa bảo lo cho nó ăn. Riêng phần Chúa, Ngài không muốn ai biết chuyện này vì Chúa không muốn người ta đến với Chúa chỉ vì phép lạ.

Cả hai câu chuyện đều cho thấy tình trạng tuyệt vọng của con người và quyền năng cao cả của Chúa. Cả hai trường hợp, vấn đề đều được giải quyết bằng đức tin. Mỗi khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn sức người không thể vượt qua được, chúng ta cần nhớ hai câu chuyện này để thêm lòng tin nơi Chúa vì biết rằng Chúa có thể giải quyết khó khăn cho chúng ta.

Tôi có khó khăn nào mà Chúa không thể giải quyết?

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con để con có cái nhìn vượt lên trên những khó khăn trong đời sống. Xin đừng để những hoàn cảnh chung quanh làm con giao động, nhưng nhắc con nhớ rằng Chúa có quyền trên tất cả và những điều con người bó tay, Chúa sẽ giải quyết cho con.

(c) 2024 svtk.net