Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Tiếng Kêu Kinh Hoàng

Giê-rê-mi 30:1-24

"Đức Giê-hô-va phán: Hỡi Gia-cốp, ngươi là tôi tớ ta, chớ sợ chi. Hỡi Ít-ra-ên, đừng kinh hãi! vì này, ta sẽ cứu ngươi từ phương xa, và dòng dõi ngươi từ đất bị đày. Gia-cốp sẽ trở về được yên lặng an ổn, chẳng có ai làm cho nó sợ hãi" (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Đức Chúa Trời đối xử Ít-ra-ên "như kẻ thù"? Ngài cho họ "hy vọng" nào? Với bạn, hy vọng nào rạng rỡ trong đức tin, trong đời sống bạn?

Trong chương 27 chúng ta suy gẫm về các thì và các mùa (Truyền-đạo 3:1-11).

Những lúc bị tổn thương, tự nhiên là phải kêu la. Và kèm theo tiếng kêu đớn đau là thắc mắc - "Tại sao?" "Tại sao?" vốn là câu hỏi thở than điển hình, tối thiểu cũng cho thấy tiếng thở dài vì bị áp lực. "Ôi, lạy Chúa, tại sao chuyện này lại xảy ra cho con?" Lối suy nghĩ cùng thần học của Do Thái giải quyết những thắc mắc nặng nề mang tính hiện sinh, có ý hướng báo thù. Lúc nào cũng có kẻ được ưa thích với kẻ bị đoán phạt, người "tuyển chọn" với người "ngoại giáo."

Thậm chí giữa vòng người tuyển chọn cũng có những đối thủ. Anh em bị lưu đày, dưới mắt những người còn ở lại Giê-ru-sa-lem, rõ ràng không phải là con cưng của Đức Chúa Trời. Những người còn ở lại Giê-ru-sa-lem tự cho mình gần với Đức Chúa Trời hơn. Phụ cận đền thờ hàm ý sự gần gũi với Đức Chúa Trời.

Cựu và Tân Ước cho thấy lời giải thích về sự báo thù ảnh hưởng và phổ biến rộng tới mức nào trong cuộc sống hằng ngày. Khi thấy người mù bên lề đường, môn đồ Chúa Giê-xu không ngần ngại hỏi, "Ai đã phạm tội, người hay cha mẹ người, mà người sinh ra lại mù như vậy?" (Giăng 9:2). Chúng ta biết câu trả lời của Chúa Giê-xu. Tuy ngày nay chúng ta xem thường lối lý luận như vậy, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên lưu ý rằng con người thời Thánh Kinh ít ra cũng có khái niệm và cảm biết mạnh mẽ về tội lỗi. Điều này ít thấy trong thế giới ngày nay của chúng ta.

Đáp lại tiếng kêu kinh hoàng, nay tới lượt Yahweh hỏi, hầu như chỉ để hỏi mà thôi, "Sao các ngươi kêu la?" (câu 15). Giống như thể Ngài nói, mà sau này được làm sáng tỏ, "Vết thương của các ngươi là do tự mình gây ra." Loại thương tích này thực sự là không chữa được (câu 12, 15), ngoại trừ chính Yahweh ban thuốc chữa trị cho (câu 11, 17, 18)ï.

Có nhiều sự việc và lúc gian nan vượt quá trí hiểu của chúng ta, những lúc đầy đau thương, khốn khổ, buồn thảm và chết chóc.

Liệu tôi có "vết thương lòng" nào đến mức không thể chữa lành được và khiến tôi "kêu la" không? Tôi có thể tin cậy Đức Chúa Trời vừa chăm sóc lẫn sử dụng tôi để chăm sóc người khác bằng cách nào hôm nay?

Lạy Chúa, đối với Ngài thì chẳng có gì là bất khả thi. Con xin mang đến cho Ngài "vết đau" của con cùng những thắc mắc chưa được giải đáp. Xin nhen lại đức tin trong con và đổ đầy sự bình an Ngài trong con.

(c) 2024 svtk.net