Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Nhu Cầu

Mác 6: 30-44

"Ngài phán cùng sứ đồ rằng: hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút. Vì có kẻ đi người lại đông lắm đến nỗi Ngài và sứ đồ không có thì giờ mà ăn... Đức Chúa Giê-xu lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đệ đặng phát cho đoàn dân, lại cũng chia hai con cá cho họ nữa (câu 31, 41).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi các môn đệ ở với Chúa, Chúa sai họ đi thực hiện điều Chúa dạy, giờ đây Chúa bảo họ nghỉ ngơi, Bạn rút ra được nguyên tắc nào cho đời sống? Chúa nhìn thấy điều gì nơi đoàn dân đến với Ngài? Khi đoàn dân đói, các môn đệ có giải pháp nào? Chúa có giải pháp nào cho họ? Bạn làm gì với nhu cầu thể chất và tâm linh của đồng bào mình?

Các câu chúng ta vừa đọc đi liền với câu 13, nói về việc Chúa sai các sứ đồ đi giảng đạo, đuổi quỷ và chữa bệnh. Sau khi ra đi, họ trở về tường trình với Chúa những việc họ đã làm. Sau đó, Chúa bảo họ đi tìm chỗ để nghỉ, vì Ngài và các môn đệ quá bận rộn, đến nỗi không có thì giờ ăn uống. Điều này nêu lên một nguyên tắc quan trọng trong việc phục vụ Chúa. Trước hết, các môn đệ của Chúa cần có thì giờ Ở VỚI Chúa (3:14). Sau đó họ ra đi LÀM VIỆC (6:12, 13). Cuối cùng, họ lại trở về với Chúa để tường trình và NGHỈ NGƠI. Có thể nói đây là chu kỳ cần thiết của một đời sống phục vụ. Chúng ta không thể phục vụ hữu hiệu nếu trước hết không dành thì giờ với Chúa. Chúng ta cũng không thể nói rằng mình cần dành thì giờ với Chúa và rồi cứ ở với Chúa mãi, không chịu đi ra nói về Chúa cho người khác. Chúng ta cần có thì giờ với Chúa nhưng cũng cần thì giờ với người: đem đạo vào đời. Và sau khi đã làm việc, chúng ta lại cần thì giờ yên lặng, nghỉ ngơi, học hỏi thêm với Chúa rồi mới có thể ra đi để tiếp tục phục vụ. Chúa Giê-xu cho thấy chúng ta cần làm việc, và cũng cần dành thì giờ nghỉ ngơi vì nếu không được nghỉ ngơi, chúng ta sẽ không phục vụ hữu hiệu được. Chúng ta cần theo khuôn mẫu này trong việc phục vụ Chúa.

Vì cần nghỉ ngơi, Chúa và các môn đệ đã "xuống thuyền đặng đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ" (câu 32). Tuy nhiên, một số người đã trông thấy và chạy bộ đến trước. Chúa Giê-xu có đủ lý do để bực mình vì đi tìm nơi nghỉ ngơi mà vừa ra khỏi thuyền đã thấy cả một đoàn người chờ đợi (câu 34). Khi thấy đoàn dân Chúa đã "động lòng thương xót" vì họ giống như "chiên không có người chăn." Vì thương yêu họ, Chúa đã bỏ thì giờ nghỉ ngơi để dạy dỗ họ. Ngài chăm sóc nhu cầu tâm linh cho đoàn dân. Khi trời đã chiều, nơi ấy lại vắng vẻ, các môn đệ xin Chúa cho dân chúng về để họ đi tìm mua thức ăn. Lời đề nghị môn đệ rất hợp lý nhưng Chúa Giê-xu không giải quyết vấn đề như vậy, Chúa bảo chính các môn đệ phải lo cho họ ăn. Chúa nói để thử họ chứ Chúa biết Ngài sẽ làm gì (Giăng 6:6). Khi đối diện với khó khăn, chúng ta thường nghĩ ra những phương cách thông thường để giải quyết vấn đề, nhưng đừng quên Chúa có những phương cách tuyệt diệu mà chúng ta chưa biết. Dưới cái nhìn của các môn đệ, phải mất 200 đơ-ni-ê, là tiền công suốt nửa năm mới đủ mua thức ăn cho cả đoàn người này. Nhưng Chúa hỏi xem có bao nhiêu thức ăn sẵn có và Chúa dùng thức ăn đó để cung cấp cho cả đoàn dân.

Chúa đã thực hiện phép lạ trong thứ tự và có hệ thống: bảo dân chúng ngồi thành từng nhóm theo hàng lối trên bãi cỏ. Nhờ đó mà người ta có thể ước lượng số người có mặt hôm đó. Dù Chúa hóa bánh ra nhiều, Ngài vẫn dặn các môn đệ không được phí phạm (Giăng 6:12) và người ta đã lượm được 12 giỏ đầy những miếng bánh và cá còn thừa lại. Câu chuyện Chúa hóa bánh ra nhiều cho thấy:

(1) Chúa quan tâm đến nhu cầu tâm linh cũng như nhu cầu vật chất của con người. (2) Chúa đặt các môn đệ trước một hoàn cảnh khó để thử họ và để họ thấy quyền năng của Ngài. (3) Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa, chính Ngài ban thức ăn mỗi ngày cho tâm linh và thể xác của chúng ta.

Tôi rút được nguyên tắc nào để áp dụng vào đời sống hằng ngày qua bài học này?

Cảm ơn Chúa, vì Chúa quan tâm đến mỗi nhu cầu của đời sống con. Xin giúp con cũng biết quan tâm đến nhu cầu của người khác và làm tất cả những điều con có thể làm được để giúp người khác.

(c) 2024 svtk.net