Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Bị Bão

Mác 6: 45-56

"Ngài

nói chuyện với môn đệ và phán rằng: Hãy yên lòng, ta đây, đừng sợ chi" (câu 50).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu cho dân chúng về và giục các môn đệ xuống thuyền? Chúa làm gì sau đó? Khi thấy các môn đệ gặp khó khăn Chúa làm gì? Tại sao họ sợ và không nhận ra Chúa? Lúc nào bạn không cảm nhận được Chúa đang ở với bạn? Bạn nên làm gì?

Chúa Giê-xu giục môn đệ vào thuyền và cho dân chúng về vì họ có ý tôn Chúa làm vua (Giăng 6:15). Vì thế Chúa tránh họ và lên núi cầu nguyện (câu 46). Có thể nói đây là một cám dỗ khác của Chúa và Chúa đã dành thì giờ thưa chuyện với Cha trên trời.

Sau giờ cầu nguyện, Chúa thấy các môn đệ đang gặp khó khăn vì phải chèo thuyền ngược gió, và Chúa đã đến với họ bằng một phương cách đặc biệt: đi trên mặt nước. ("Canh tư" là khoảng 3 đến 6 giờ sáng theo cách tính của người La Mã). Các môn đệ thấy có người đi trên mặt nước thì sợ vì nghĩ đó là ma, nhưng Chúa lên tiếng bảo họ đừng sợ và khi Ngài vào thuyền thì gió cũng lặng. Tác giả Phúc Âm Mác cho biết các môn đệ đều ngơ ngẩn trước những điều họ thấy bởi vì ngay cả phép lạ hóa bánh ra nhiều trước đó họ cũng đã không hiểu được và lý do họ không hiểu là vì lòng họ cứng cỏi.

Như vậy chúng ta thấy hai phép lạ xảy ra liên tiếp: phép lạ thứ nhất liên quan đến thực phẩm, phép lạ thứ hai liên quan đến quyền của Chúa trên thiên nhiên. Vì các môn đệ không hiểu quyền của Chúa trong phép lạ thứ nhất nên cũng không hiểu được Chúa qua phép lạ thứ hai. Nói khác đi, đến lúc đó, họ vẫn chưa nhận ra Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, là Đấng có quyền trên muôn vật. Nếu biết và tin Chúa là ai, chắc họ đã không ngạc nhiên như vậy. Ngày nay có nhiều người cũng ngạc nhiên hoặc đưa ra những giả thuyết khác nhau để giải thích các hiện tượng siêu nhiên. Cố gắng tìm cách giải thích thần tính của Chúa Giê-xu là "lòng cứng cỏi" được nhắc trong câu 52. Xin Chúa giúp chúng ta có lòng tin thật nơi Chúa thay vì lòng cứng cỏi.

Khi ra khỏi thuyền, vừa bước lên bờ, Chúa Giê-xu lại gặp một đoàn người khác đang chờ được Ngài cứu giúp. Chúa đã chữa lành bệnh cho họ. Việc rờ gấu áo Chúa có hai ý nghĩa: (1) Người Do Thái tuân theo luật Chúa thường kết những tua nơi gấu áo để nhắc về luật của Chúa (Dân-số Ký 15:37-41; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:12). (2) Áo Chúa không có phép mầu và đây cũng không phải là việc mê tín nhưng nhờ đức tin của chính người rờ vào áo Chúa mà họ được chữa lành, tương tự như câu chuyện thiếu phụ bị bệnh băng huyết chúng ta đã học.

Trong lòng tôi còn điểm cứng cỏi nào?

Xin giúp con thấy rõ Chúa là Đức Chúa Trời để con không nghi ngờ mà đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Xin thêm đức tin cho con để con sống bình an kinh nghiệm được quyền năng của Chúa trong mọi việc

(c) 2024 svtk.net