Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Phẩm Chất Thật

Mác 9:30-51

"Muối là vật tốt, nhưng nếu mất mặn thì lấy chi làm cho mặn lại được? Các ngươi phải có muối trong lòng mình, lại phải hòa thuận cùng nhau" (câu 50-51).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu muốn các môn đệ biết gì về Ngài? Tại sao họ không hiểu mà không dám hỏi lại? Chúa dạy gì về sự phục vụ, sự làm gương sáng và sự gây vấp phạm? Bạn cần có phẩm chất nào để người ta biết bạn là con của Chúa?

Sau khi ở trên núi hóa hình xuống và chữa lành người bị quỷ ám, Chúa Giê-xu đi ngang qua vùng Ga-li-lê nhưng không muốn người nào biết. Điều này cho thấy chức vụ của Chúa trong vùng Ga-li-lê đã tới lúc chấm dứt và Chúa muốn dành thì giờ để dạy các môn đệ. Những điều Chúa nhấn mạnh với họ là: Chúa sẽ bị bắt, bị giết, sau đó sẽ sống lại (câu 31). Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, các môn đệ cũng vẫn không hiểu được ý Chúa muốn nói. Không hiểu nhưng họ lại sợ không dám hỏi. Có lẽ vì họ sợ biết sự thật phũ phàng, hoặc sợ bị Chúa quở trách như Phi-e-rơ trước đó.

Không dám hỏi Chúa, nhưng các môn đệ lại để thì giờ cãi nhau xem ai là người quan trọng nhất trong đám. Chúa biết điều đó nên Ngài đã dạy họ một điều quan trọng. Chúa nói: "Ai muốn làm lớn phải chịu phận nhỏ, làm đầy tớ cho người khác" (câu 35, TKHĐ). Lời dạy của Chúa hàm ý rằng người lớn nhất là người sẵn sàng lo cho những người nhỏ và không giá trị gì, như trường hợp những em bé. Chính khi lo cho những người có vẻ không quan trọng là chúng ta đã phục vụ Chúa.

Sau khi Chúa Giê-xu dạy tiếp một em bé là tiếp Chúa, ông Giăng đưa ra câu hỏi về những người không phải là môn đệ của Chúa nhưng lại nhân danh Chúa để trừ quỷ. Chúa cho biết những người nhân danh Chúa để trừ quỷ là người của Chúa vì họ không thể vừa tôn phục Chúa vừa nói xấu Chúa. Điều này hàm ý có những giai đoạn, chưa biết rõ về Chúa, người ta có thể chỉ theo Chúa theo điều họ hiểu biết, đó là điều nên khuyến khích. Ngược lại, khi đã biết rõ về Chúa mà vẫn không theo Ngài, Chúa cho biết: "Ai không hợp tác với ta là chống lại ta" (Ma-thi-ơ 12:30, TKHĐ).

Tuy nhiên, không chống Chúa là thái độ tiêu cực. Trên phương diện tích cực, người ta cần có những hành động thiết thực đóng góp vào công việc Chúa. Không nhất thiết phải làm những việc to lớn, vĩ đại mới là phục vụ Chúa, chỉ cần làm những việc nhỏ nhưng cần thiết, như cho người phục vụ Chúa một chén nước. Chúa cho biết, những người làm việc nhỏ như vậy sẽ không mất phần thưởng. Ngược lại, nếu nghĩ rằng một em bé không có giá trị gì là "phá hoại đức tin của một em bé" đã theo Chúa, chúng ta sẽ bị hình phạt nặng nề. Chúa cho biết, thà bị chết chìm còn hơn là sống mà làm cho người khác phạm tội. Đây là một lời cảnh cáo nghiêm trọng, cho thấy Chúa quan tâm đến những việc mà người ta thường cho là nhỏ bé và không quan trọng.

Tiếp theo Chúa Giê-xu cho biết có những điều ta phải chịu thiệt thòi về thân xác để linh hồn được cứu còn hơn được lành lặn hoặc được cứu thân xác mà linh hồn phải hư mất. Chúa dạy rằng thà chặt tay, chặt chân và móc mắt bỏ đi nếu tay, chân hoặc mắt gây cho chúng ta phạm tội. Những câu này không có ý dạy ta phải chặt tay, chặt chân hoặc móc mắt thật sự, nhưng có nghĩa là chúng ta phải đối xử nghiêm khắc với những bộ phận gây cho chúng ta phạm tội. Nghĩa là chúng ta phải đặt kỷ luật cho chính mình và sẵn sàng hy sinh một số điều về vật chất để được hưởng những giá trị tâm linh cao quý.

Tiếp theo câu: "Mỗi người sẽ bị muối bằng lửa" (câu 49), Chúa Giê-xu dạy thêm hai điều liên quan đến muối:

1. Đặc tính của muối là mặn, khi chất mặn không còn, muối ấy không lợi ích gì và cũng không có cách nào làm cho muối đó có vị mặn trở lại. Người tin Chúa phải mang đặc tính của Chúa. Làm con cái của Chúa mà không có những đặc tính của Ngài thì chẳng khác hạt muối không còn vị mặn, chẳng ích lợi cho ai.

2. Chúa dạy các môn đệ phải có muối trong lòng. Muối có hai công dụng: (a) Giữ cho thức ăn khỏi hư. (b) Gia tăng hương vị.

Con của Chúa phải sống thế nào để chống lại những băng hoại của trần gian và làm cho đời sống của người khác thêm hương vị. Một trong những cách chúng ta có thể làm cho đời bớt băng hoại và có ý nghĩa là sống hòa thuận. "Hòa thuận" là ngược với tranh chấp, cãi cọ, gây gổ. Người theo Chúa chẳng những là người sống hòa thuận với mọi người mà còn là "tác nhân" tạo hòa thuận cho mọi người.

Kỷ luật nào tôi cần tuân thủ để giữ phẩm chất con cái thật của Chúa?

Xin Chúa giúp con biết đặt kỷ luật cho chính mình để không phạm tội với Chúa. Xin giúp con thật sự là muối để đem hương vị cho đời và chống lại những ảnh hưởng tội lỗi ở đời.

(c) 2024 svtk.net