Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Quản Trị Có Trách Nhiệm

Lu-ca 16:1-9; Lu-ca 16:13

"Ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều; còn ai được giao nhiều sẽ bị hỏi nhiều hơn" (Lu-ca 12:48).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua câu chuyện này, bạn thấy mình chịu trách nhiệm với ai về những điều gì? Chúa muốn dạy chúng ta bài học gì qua việc làm của người quản gia bất lương? Làm thế nào để chúng ta có thể bảo đảm một tương lai tốt đẹp đời đời?

Đây là một trong những câu chuyện Chúa kể làm người đọc thắc mắc nhiều nhất. Nếu chuyện này được coi như một ngụ ngôn và Chủ là người kêu gọi người quản gia của mình tính sổ chỉ về Đức Chúa Trời, thì chúng ta thấy khó giải thích tại sao Đức Chúa Trời lại khen một người gian dối và chấp nhận mánh lới lừa lọc quỷ quyệt của anh ta. Tuy nhiên chúng ta sẽ hết khó khăn khi chúng ta nhìn câu chuyện này không phải như một ngụ ngôn nhưng là một sự kiện xảy ra trong đời sống thật, vì nó cho thấy những người làm ăn trong mọi thời đại thường lanh lợi, khôn ngoan và xảo quyệt như thế nào. Giống như một con ong hút mật ngọt từ một cánh hoa độc, Chúa Giê-xu rút ra những bài học quan trọng từ hành vi tội lỗi của sự khôn ngoan thế gian để dạy chúng ta.

Câu chuyện nói về sự quản trị và tập trung vào một điểm chính trong sự quản trị, gọi là TRÁCH NHIỆM. Câu chuyện có bốn điểm nhấn mạnh để chúng ta áp dụng (1) chúng ta là người chịu trách nhiệm, (2) chúng ta đã hành động vô trách nhiệm, (3) chúng ta đối diện với ngày phải tính sổ với Đức Chúa Trời, (4) chúng ta phải khôn ngoan đủ để bảo đảm tương lai.

Thứ nhất, chúng ta là người chịu trách nhiệm. Như người quản gia bất lương, chúng ta không làm chủ vật gì cả. Tất cả những gì người quản gia có đều thuộc về chủ, anh chỉ là người được giao quản lý tài sản theo ý muốn của chủ. Những gì chúng ta có, tài sản vật chất, khả năng tài nghệ, thì giờ, sức lực, những cơ hội và tiềm năng, tất cả, được giao cho chúng ta như là một sự ủy thác mà chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời. Martin Luther viết, "Tất cả những gì của tôi, tôi có trách nhiệm phải tạ ơn, ngợi khen, phục vụ, và vâng lời Đức Chúa Trời là Đấng giao phó nó cho tôi."

Quản trị là nếp sống không chỉ trong hoạt động tín ngưỡng mà cho mọi sự trong đời sống. Mọi sự Đức Chúa Trời đã dựng nên đều có ý nghĩa và mục đích trong ý muốn của Ngài. Chúng ta được giao phó cho một cuộc đời được Đức Chúa Trời tạo dựng và được Cứu Chúa Giê-xu cứu chuộc. Chúng ta có thể sử dụng nó một cách ích kỷ và dại dột hay sử dụng nó như những người quản trị chân thật và trung tín. Dù làm thế nào chúng ta cũng đều chịu trách nhiệm.

Thứ hai, chúng ta đã hành động vô trách nhiệm. Người chủ nhận được báo cáo là người quản gia đã phung phí tài sản của ông. Anh ta lạm dụng tiền bạc của chủ tiêu xài vào việc riêng tư. Báo cáo này cũng đúng với mọi người. Chúng ta thảy đều có tội trong sự quản lý những tài nguyên của Đức Chúa Trời trên bình diện đất nước lẫn cá nhân. Chúng ta hoang phí tài sản của Đức Chúa Trời khi đặt thú vui vị kỷ và của cải vật chất lên trên những ưu tiên phải làm theo ý Đức Chúa Trời?

Thứ ba, sẽ có ngày chúng ta tính sổ với Đức Chúa Trời. Người quản gia bất lương nghĩ sự gian dối của anh có thể thoát khỏi đoán phạt. Anh quá khôn lanh để làm cho mình không thể bị bắt. Đối với anh nói về trách nhiệm chẳng khác gì kể chuyện ngụ ngôn cho trẻ con. Nhưng sẽ có ngày anh nghe lời phán cứng rắn, "Hãy khai trình sổ sách quản lý của ngươi, vì ngươi không còn được làm quản gia nữa!’

Chúng ta không chỉ đối diện với nguyên tắc thưởng phạt, nhưng với ngôi phán xét của Đức Chúa Trời, với chính Đức Chúa Trời. Trong một vũ trụ đặt trên nền tảng ý muốn công chính của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể lừa Ngài mà được tha bổng. "Đức Chúa Trời chẳng chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi, sẽ gặt giống ấy" (Ga-la-ti 6:7). Không thể trốn tránh sự phán xét vì Kinh Thánh đã nói trước rồi. Sớm hay muộn chúng ta phải đối diện với ngày tính sổ của Đức Chúa Trời.

Thứ tư, và cũng là điểm chính của câu chuyện, phải khôn ngoan đủ để bảo đảm tương lai của chúng ta. Đối diện với ngày khai trình, người quản gia bất lương ra tay thực hiện mưu chước của mình. Anh gọi hết những con nợ của chủ đến, từng người một, anh tự ý sửa lại giấy nợ của họ, giảm số nợ của họ xuống, anh khiến họ trở thành những người bạn đồng minh trong ý đồ gian ác của anh. Anh đã ràng buộc những người mắc nợ chủ với anh, để khiến anh có thể nương nhờ nơi họ khi anh bị mất việc. Anh là một người quản gia bất lương, nhưng, anh khôn ngoan trong kế hoạch hành động chuẩn bị cho tương lai đen tối của anh.

Chủ không khen sự bất lương của người quản gia nhưng khen anh là người khôn lanh. Anh đã hành động một cách khôn ngoan theo tiêu chuẩn thấp kém của anh. Chúa Giê-xu nói thêm, "con cái đời này xảo quyệt hơn con cái của sự sáng trong việc xử thế."

Ngài muốn chúng ta, con cái của sự sáng, công dân Nước Trời, khôn ngoan trong hành động của chúng ta theo những tiêu chuẩn cao cả của Nước Trời như người thế gian đã khôn ngoan khi họ hành động theo những tiêu chuẩn thấp hèn của họ.

Cái khôn của người quản gia bất lương là kết bạn với những người sẽ giúp đỡ anh ta trong lúc nghèo túng sau nầy. Anh làm một việc bất chánh để bảo đảm cho tương lai ở trần gian. Sự khôn ngoan thật, theo Chúa Giê-xu là mối liên hệ thân thiết với Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất có thể bảo đảm cho tương lai đời đời của chúng ta.

Xin Chúa giúp con luôn sống có trách nhiệm, biết quản trị mọi sự Chúa cho một cách khôn ngoan theo ý muốn và đường lối của Chúa.

(c) 2024 svtk.net