Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Những Người Cô Đơn

Lu-ca 17:11-19

“Khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa” (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao khi những người phung đến đón rước Chúa, họ lại đứng xa xa? Họ cầu xin Chúa điều gì? Chúa Giê-xu bảo họ đi đâu và làm gì? Kết quả ra sao? Bạn nghĩ gì khi chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa?

Thật khó cho chúng ta hiểu hết được những nỗi khổ mà mười người phung phải chịu. Bị xã hội thời bấy giờ ruồng bỏ, những con người khốn khổ và cô đơn này đã tìm đến để sống với nhau. Những kinh nghiệm cay đắng từ khi bịnh phung phát ra trên thân thể đã dạy họ rằng: họ là những người bị xã hội cô lập và chỗ của họ là bên lề của cuộc đời. Vì thế, họ chỉ dám đứng xa xa, và cầu xin sự thương xót của Chúa Giê-xu. Chắc chắn họ đã nghe nói về Chúa Giê-xu là Đấng chữa lành những người bịnh và tật nguyền, nhưng với họ, những người bị người đời ruồng bỏ chỉ trông chờ vào sự thương xót của Chúa mà thôi. Chúa Giê-xu đã đáp lại lời cầu xin của họ và họ được lành bịnh.

Lu-ca nhấn mạnh rằng sau khi được chữa lành, chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Điều này cho thấy rằng bản chất của con người là vô ơn và bội bạc. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa đây là người Sa-ma-ri. Thật khó tưởng tượng được là một người Sa-ma-ri mà đi tạ ơn người Giu-đa, nhưng người này đã làm như thế. Lòng biết ơn của người này đã dẫn ông đến một kinh nghiệm lớn hơn sự chữa lành: người này được Chúa tha thứ mọi tội lỗi (câu 19).

Nhân học bài này, chúng ta thử suy nghĩ xem quanh ta ai là những người bị xã hội lẩn tránh và họ phải sống trong sự cô đơn và đau khổ thế nào? Hay nói cách khác ai thật sự là những người “phung” phải đứng xa xa, kêu cầu sự thương xót của mọi người. Chúa Giê-xu yêu thương những con người này và chúng ta cũng phải như thế.

Thành kiến và sợ hãi là đặc điểm của mọi xã hội. Những điều này có thể thâm nhập vào và làm cho Hội Thánh bị biến chất. Lúc đó, chúng ta không còn là muối mặn, là sự sáng nữa. Cơ Đốc nhân đang đối điện với những thách thức lớn lao trong thời đại mà căn bịnh HIV/AIDS đang hoành hành khắp chốn. Chúng ta phải vượt qua mọi thành kiến, mọi sợ hãi để đến với những nạn nhân bịnh dịch này cũng như những căn bịnh khác. Ở nhiều nơi, các Hội Thánh địa phuơng đã đi đầu trong việc chăm sóc những nạn nhân của căn bịnh tai ác này. Họ săn sóc, tắm rửa, chăm lo miếng ăn cho những người bịnh sắp qua đời. Họ chăm sóc trẻ em. Họ dạy cho các cộng đồng biết nguyên nhân gây bịnh và cách ngăn ngừa. Bằng cách này hay cách khác, họ thật sự bày tỏ được tình yêu của Đấng Christ một cách thật ý nghĩa.

Nếu Chúa muốn tôi tiếp đón chăm sóc một người bị xã hội ruồng bỏ, tôi phản ứng thế nào?

Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy thế giới này qua cặp mắt của Ngài. Xin biến con thành một công cụ hữu dụng để bày tỏ tình yêu của Ngài cho xã hội mà con đang sống.

(c) 2024 svtk.net