Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Tức Giận

Giăng 2:13-17

"Anh chị em (hãy) tức giận, nhưng đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Tức giận là tình cảm tiêu cực hay tích cực? Chúa Giê-xu tức giận trong trường hợp nào? Tức giận đối với tội lỗi và bất công có cần kiềm chế không?

Lời dạy chính trong Kinh Thánh về tức giận là lời dạy của Sứ đồ Phao-lô ghi trong thư Ê-phê-sô 4:26: "Anh chị em (hãy) tức giận, nhưng đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn.” Mệnh đề "tức giận” trong nguyên ngữ Tân Ước ở mệnh lệnh cách: "hãy tức giận.” Tức giận không phải là một tội vì Kinh Thánh cho phép chúng ta tức giận. Chúng ta thấy Chúa Giê-xu tức giận và Kinh Thánh bảo chúng ta hãy tức giận. Bạn có thể hỏi: Kinh Thánh không nói điều gì tiêu cực về sự tức giận hay sao? Mệnh đề tiếp theo sau mạng lịnh "Hãy tức giận” là "nhưng đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn.”

Chúng ta nên tức giận nhưng không được giữ lòng giận. Trong Ê-phê-sô 4:31, Phao-lô nói, "Hãy lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng, thịnh nộ, giận hờn, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi tính hiểm độc.” Hiểm độc là bất cứ điều gì xấu. Câu Kinh Thánh này dạy chúng ta phải lột bỏ những tính xấu trên và lột bỏ những điều không tốt nữa. Như vậy phân đoạn Kinh Thánh này cùng với những phân đoạn Kinh Thánh khác cho chúng ta thấy tức giận không phải là một tính tốt. Sự tức giận là một tình cảm được Kinh Thánh trình bày vừa tích tực vừa tiêu cực.

Điểm quan trọng là chúng ta cần phải phân biệt giữa tình cảm tức giận với phản ứng hay hành vi tức giận. Kinh Thánh không nói cảm giác tức giận là ác. Đó là điều Phao-lô muốn nói trong Ê-phê-sô 4:26: Hãy tức giận (cảm xúc tức giận) nhưng đừng để cho tình cảm này dẫn đến một hành vi hay phản ứng tội lỗi.

Bài đọc Kinh Thánh hôm nay ghi biến cố xảy ra tại Đền Thờ trước khi Chúa chịu chết. Vào sân đền thờ, Chúa thấy đầy người buôn bán bò, chiên, bồ câu và đổi tiền, thì Ngài nổi giận và phản ứng bằng cách: "bện dây roi, đánh đuổi tất cả ra khỏi đền thờ luôn với chiên bò. Ngài vứt tung tiền và lật đổ bàn ghế của người đổi bạc” (Giăng 2:13-15). Chúa hành động như vậy vì những người này đã "biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!” Họ lợi dụng tôn giáo để mưu lợi cá nhân (Giăng 2:16).

Mác 3:1-5 ghi lại biến cố Chúa Giê-xu đi vào hội đường, gặp một người bị teo tay. Những người Pha-ri-si ở đó theo dõi xem Ngài có vi phạm ngày Sa-bát, chữa lành cho người bị tật này không. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng quan tâm đến giáo luật hơn con người. Chúa Giê-xu tức giận vì sự nhẫn tâm của họ. Mác 10:13-14 kể sự kiện người ta đem trẻ con đến cùng Chúa để Ngài chúc phước cho chúng, nhưng bị các môn đệ của Ngài cản trở. Kinh Thánh nói Chúa "giận” về hành động của họ.

Tại sao Kinh Thánh dạy chúng ta hãy tức giận? Tôi tin Kinh Thánh bảo chúng ta hãy trở nên giống như Chúa Giê-xu. Nếu chúng ta nhìn một người đang gian lận, làm một việc giống như những người đổi tiền trong đền thờ; nếu chúng ta thấy những người lãnh đạo không quan tâm đến phúc lợi của người dân như những người Pha-ri-si; nếu chúng ta thấy những vị chức sắc trong Hội Thánh ngăn trở người khác đến với Chúa như các môn đồ; mà chúng ta không có cảm xúc gì cả, thì chúng ta không giống Chúa. Chúa tức giận khi người khác làm việc bất công. Đây là sự tức giận phát xuất từ lòng vị tha, là một tình cảm tích cực dẫn đến hành động can đảm binh vực người bị cô thế, bách hại, chống trả sự bất công, loại trừ những điều ác chúng ta nhìn thấy.

Chúng ta phải hiểu cảm xúc tức giận không phải là tội lỗi. Chúng ta không mang cảm giác tội lỗi khi chúng ta tức giận trước sự bất công, sự vô tâm, hay sự gian ác trong thế gian.

Tôi có thường tức giận không? Sự tức giận đó cho ai? Vì ai?

Xin Chúa giúp con trở nên giống Chúa khi đối diện với bất công và tội lỗi. Xin khiến sự tức giận đó thành những việc làm mang lại sự công chính, hoà bình và yêu thương.

(c) 2024 svtk.net