Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Hoài Nghi

Ma-thi-ơ 14:22-33

"Người nghi ngờ giống như sóng biển bị gió đưa đẩy, dập dồi. Người như thế đừng mong nhận lãnh điều gì từ nơi Chúa; đó là người hai lòng, không kiên định trong mọi đường lối của mình” (Gia-cơ 1:6b-8).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì khiến Sứ đồ Phi-e-rơ có thể đi bộ trên mặt nước đến với Chúa? Tại sao ông sụp xuống nước? Những lý do nào khiến chúng ta hoài nghi? Chúng ta phải làm gì để thắng hơn cảm xúc hoài nghi?

Hoài nghi là gì và gây tác hại thế nào? Những lý do nào đưa đến ý nghĩ hoài nghi? Chúng ta phải làm gì khi thấy mình hoài nghi?

Theo định nghĩa "Hoài nghi là một cảm xúc không chắc về chân lý, về thực tại, hay bản chất của điều gì đó.” Lòng hoài nghi thường dẫn đến sự lo lắng; tuyệt vọng và sợ hãi. Tất cả những điều có thể làm suy yếu đức tin. Gia-cơ nói người hoài nghi là người bất nhất, dễ thay lòng đổi dạ nên có thể đánh mất phước hạnh Chúa muốn ban cho mình.

Theo bài đọc Kinh Thánh hôm nay, nhờ đức tin nơi Chúa và vâng theo lời Chúa khiến Phi-e-rơ có thể làm được việc không ai có thể làm: đi bộ trên mặt nước. Tuy nhiên khi ông hoài nghi thì ông đánh mất quyền năng Chúa ban cho mình để làm việc phi thường đó. Hoài nghi làm cho mất đức tin. Đó là lý do Chúa trách Phi-e-rơ khi Ngài cứu ông khỏi chết chìm: "Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi như vậy?” (câu 31).

Sự hoài nghi có thể đến từ những lý do khác nhau.

- Lòng hoài nghi có thể phát triển từ sự thiếu hiểu biết về bản chất của Đức Chúa Trời, mơ hồ về lời hứa của Ngài, hay hiểu sai về chương trình của Ngài.

- Tội lỗi trong đời sống chúng ta có thể làm nẩy sinh câu hỏi về chân lý của Kinh Thánh để biện minh cho chúng ta.

- Lòng hoài nghi có thể đến từ việc chúng ta nhìn vào những hoàn cảnh khó khăn của mình thay vì nhìn vào sự đầy đủ Chúa ban cho trong hoàn cảnh đó, làm khô cạn hy vọng và niềm vui của chúng ta trong Chúa.

- Những thất bại trước đây có thể khiến chúng ta có cái nhìn bi quan về tình trạng hiện tại và tương lai.

- Sự chỉ trích của người khác cũng có thể làm chúng ta hoài nghi.

Dù là lý do nào, sự hoài nghi cũng làm tê liệt hành động của chúng ta, khiến chúng ta không còn hữu ích nhiều cho công việc Chúa. Nghi ngờ là một công cụ của ma quỷ, nó sẽ thêm vào những lời bình luận làm gia tăng sự suy nghĩ tiêu cực của chúng ta. Nó nhắc chúng ta những lầm lỗi quá khứ, những lời cầu nguyện không được nhậm, và đưa ra câu hỏi muôn đời, "Đức Chúa Trời há có phán...?” khiến chúng ta tự hỏi không biết mình có thật biết ý Chúa hay không. Là "cha của sự lừa dối,” Sa-tan bẻ cong sự thật để phục vụ cho mục đích của nó. Khi bạn nghi ngờ, hãy xưng tội này ra với Chúa. Hãy nhớ lại mình đã tin cậy Ngài và lòng thành tín của Ngài trước kia như thế nào, và suy gẫm những lời hứa của Ngài. Thánh Linh sẽ hướng dẫn bạn vào sự thật để bạn có thể thắng được lòng nghi ngờ.

Hoài nghi không thích hợp với bản tính con cái Đức Chúa Trời, những người thừa tự và đồng thừa tự với Con Ngài. Người thuộc về Chúa phải bước đi bởi đức tin.

Tôi có tính nghi ngờ không? Tính nghi ngờ ảnh hưởng thế nào đến đức tin?ï

Xin Chúa cho con có đức tin mạnh mẽ để thắng hơn mọi hoàn cảnh xảy đến gây nên sự hoài nghi trong con.

(c) 2024 svtk.net