Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Người Tù Bị Bỏ Quên

Sáng-thế Ký 40:1-23

"Đoạn quan tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa, quên người đi” (câu 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Ai là những người vừa bị giam vào ngục nơi Giô-sép đang bị cầm tù? Có phải ngẫu nhiên những người này bị giam chung với Giô-sép không? Giô-sép đã chăm sóc, đối xử với họ thế nào? Trong giấc mơ họ thấy gì? Nếu cùng ở trong cảnh tù đày, khốn khó bạn đối xử với người lân cận thế nào? Giô-sép thỉnh cầu quan tửu chánh điều gì? Vì sao viên quan này quên lời thỉnh cầu của ông? Có khi nào bạn quên bẵng lời yêu cầu xin giúp đỡ của một người đang sống trong sự khốn khổ và tuyệt vọng không? Vì sao?

Hai người vừa bị tống giam vào ngục nơi giam giữ Giô-sép có những điểm chung với nhau. Họ là những viên quan cùng phục vụ nơi bàn ăn của Pha-ra-ôn. Họ đã làm cho Pha-ra-ôn phật lòng và bị tống giam. Họ nằm mơ trong cùng một đêm và buồn rầu lo lắng về giấc mơ khó hiểu. Cả hai cùng được tha khỏi ngục, nhưng số phận sau đó của hai người hoàn toàn khác biệt (câu 21, 22).

Khi thấy hai viên quan bị thất sủng này buồn rầu, Giô-sép đã sử dụng ân tứ thuộc linh Đức Chúa Trời phú cho ông để giải thích giấc mơ của họ. Lời giải thích thật chính xác, thẳng thắn của Giô-sép - ứng nghiệm chỉ ba ngày sau đó - đã làm cho một trong hai người này mất hết tinh thần, còn thì người kia vui mừng và hy vọng.

Có nên chăng khi nói thẳng với một người nào đó rằng người ấy sẽ phải bị phạt hay chết, để rồi người ấy mất ăn mất ngủ như Giô-sép đã nói với quan thượng thiện? Khi công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời hay giãi bày Lời Ngài, sứ giả của Đức Chúa Trời phải trung tín và chân thật, không được bẻ cong hay làm giảm nhẹ sứ điệp, cũng không làm cho người nghe hiểu sai hay hiểu mập mờ về sứ điệp. Nói về sự chết hay sự đoán phạt gần kề của một ai đó, cho dù là bạn bè, người láng giềng hay là những người đồng cảnh thật không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả những người có ân tứ thuộc linh phải có trách nhiệm công bố một cách trung thực lẽ thật của Đức Chúa Trời "bất luận gặp thời hay không gặp thời” (II Ti-mô-thê 4:2). Phao-lô nói rằng, "chúng tôi là... mùi của sự chết” đối với những người bị hư mất, nhưng là "mùi thơm của sự sống” cho những người được cứu rỗi (II Cô-rinh-rô 2:15, 16).

Sau mười ba năm làm nô lệ và bị tù oan, ít nhiều Giô-sép cũng tỏ ra nản lòng và bắt đầu nhờ cậy nơi loài người. Lời thỉnh cầu của ông với quan tửu chánh là hãy nhớ đến ông khi hưởng được bổng lộc (câu 14). Nhưng khi được tha, được phục chức, viên quan có trí nhớ kém cỏi và có phần bạc bẽo này đã quên bẵng Giô-sép. Đây là một bài học cho ông khi nhờ cậy loài người. Tuy nhiên, dù viên quan này đã quên ông, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ quên ông. Những năm tháng gian khổ và bị con người lãng quên lại là những năm tháng Đức Chúa Trời chuẩn bị cho Giô-sép một chức vụ lâu dài để trở thành người lãnh đạo hàng đầu của Ai Cập.

Dù loài người có thể quên tôi, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ quên tôi. Tôi có tin rằng những năm tháng gian khổ và đầy thử thách mà tôi đã, đang và sẽ phải trải qua là thời gian Đức Chúa Trời rèn luyện tôi để chuẩn bị cho những công việc trọng đại của Ngài không?

Lạy Chúa, con tin rằng Ngài không bao giờ quên con. Xin giúp con nhẫn nại đang khi Ngài rèn luyện con, để con trở nên hữu dụng hơn cho Ngài trong tương lai.

(c) 2024 svtk.net