Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Cầu Thay

1 Ti-mô-thê 2:1-8

1 Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người,

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn.

3 Aáy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta,

4 Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

5 Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người;

6 Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Aáy là lời chứng đã làm đúng kỳ

7 (ta nói thật, không nói dối), vì lời chứng ấy, ta đã được cử làm thầy giảng, là sứ đồ và giáo sư cho dân ngoại, để dạy họ về đức tin và về lẽ thật.

8 Vậy, ta muốn những người đờn ông đều giơ tay tinh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận dữ và cãi cọ.

Đây là phần mở đầu cho những giáo huấn về tổ chức thờ phượng trong Hội-thánh. Quan trọng hơn cả là Cầu Nguyện.

Phao-lô mở đầu bằng hai cụm từ quan trọng: trước hết và ta căn dặn hay khuyến giục. Cả hai cụm từ này đều mang tính chất khẩn cấp và hệ trọng. Như thế chứng tỏ cầu nguyện cần thiết cho thờ phượng như thế nào.

Trong câu một có bốn hình thức cầu nguyện được nêu lên ngắn ngủi mà không cần giải thích, vì có lẽ người thời đó đã hiểu các hình thức cầu nguyện này.

Trước tiên là khẩn nguyện. Nghĩa là yêu cầu, là xin. Chúa dạy ta là phải xin Chúa. Nhiều người bảo rằng Chúa đã biết tất cả rồi hà tất ta phải xin làm gì nữa ? Nhưng tại đây Phao-lô căn dặn là phải xin Chúa. Dĩ nhiên là khi xin như thế ta trình bầy chi tiết rõ ràng nhu cầu của mình, ta cũng cần học biết về Chúa để hiểu rằng có những điều Chúa không thể cho, vì không có lợi cho ta, hoặc không theo ý định của Chúa. Nhưng dù sao, ta vẫn tôn thờ Chúa đúng cách, khi ta khẩn nguyện về các khó khăn mà mình gặp.

Thứ hai là cầu xin. Đây là từ nói chung về việc cầu nguyện, tức là dâng lên Chúa những lời ca ngợi, chúc tụng, khẩn xin và cảm tạ.

Từ thứ ba được nêu lên ở đây là kêu van. Kêu van là lời xin của một bậc thấp hèn lên Đấng Cao cả. Đây là kêu xin với một Đấng bậc rõ ràng chứ không phải một thần linh mơ hồ. Kêu van là đối thoại với Chúa và xin Chúa. Từ này còn có nghĩa là cầu thay cho ai, hay van xin cho ai khác.

Cầu nguyện cần có lòng tin, dạn dĩ đến với Chúa, vào mối tương giao đối diện với Ngài trong thái độ thưa chuyện và đối thoại. Làm như thế ta mới thấy đời sống cầu nguyện phong phú và sâu nhiệm.

Cuối cùng, Phao-lô khuyên là phải tạ ơn Chúa. Đây là cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho mình hay hoàn cảnh của mình những gì.

Ta cũng nên nhớ rằng tất cả bốn hình thức cầu nguyện vừa kể là dùng để cầu thay cho người khác. Nhận xét như thế ta mới thấy việc cầu nguyện này khá lạ. Người khác đây là mọi người, nghĩa là không phân biệt, không kỳ thị. Bạn hay thù đều phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van và tạ ơn Chúa cho họ và vì họ.

Dĩ nhiên là khi vào thực tế ta mới thấy khó. Thí dụ như làm sao ta tạ ơn về kẻ thù của mình cho được? Ta có thể tạ ơn Chúa vì Chúa ngăn cản kẻ thù làm hại ta thôi chăng?

Câu hai cho biết là ta phải ưu tiên cầu nguyện cho những ai. Đó là các vua và các chính quyền. Trước đó lời khuyên là cầu nguyện cho tất cả mọi người. Câu 2 có thể dịch là, trên tất cả, nên nhớ phải cầu nguyện cho các vua và hết thảy các bậc cầm quyền. Việc cầu nguyện cho các vua trong thời đó rất là khó hiểu, vì vị hoàng đế đương thời của đế quốc La-mã lúc đó chính là bạo vương Néron, người về sau đã ra lệnh sát hại Phao-lô, Phi-e-rơ và nhiều người truyền giáo khác cũng như các tín đồ của Chúa Giê-xu. Mục đích của việc cầu nguyện này là để con dân Chúa có thể được tự do thờ phượng Chúa mà không bị làm khó dễ. Trong lịch sử đã có nhiều vụ bách hại người tin Chúa, nhưng con dân Chúa vẫn hết lòng cầu nguyện cho cả kẻ thù của họ.

Phần sau của câu 2 giải thích là tại sao phải cầu nguyện cho các vị trong chính quyền, câu này xin dịch lại theo nguyên văn là: Để chúng ta có thể sống đời bình tịnh, yên ổn trong thánh thiện và công nghĩa. Bản diễn ý dịch là: để chúng ta được sống thanh bình, yên tĩnh trong tinh thần đạo đức đoan chính. Bản phụng vụ các giờ kinh dịch: để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đọc các bản dịch này lên, ta cũng hiểu được ý nghĩa của câu này rồi. Cần cầu nguyện cho mọi cấp chính quyền để họ không làm xác trộn đời sống an cư lạc nghiệp và ước muốn sống thờ phượng Chúa trọn vẹn của chúng ta. Câu 4 nói rõ thêm mục đích của việc cầu nguyện cho các bậc cầm quyền, đó là để cho họ tin Chúa và được Chúa tha tội và cứu linh hồn họ. Câu bốn là một câu ta đáng ghi nhớ: Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Chúa không muốn trừng phạt hay tiêu diệt tất cả mọi người có tội, nhưng muốn cứu tất cả và muốn cho họ biết Chúa là chân lý, chân Thần. Chúng ta là con dân Chúa cầu nguyện cho mọi cấp lãnh đạo được sớm biết và tin Chúa để chính họ thi hành công lý và công bằng cho mọi người dân. Quý thính giả có thể cầu nguyện cho nhiều cấp chính quyền đang nghe Đài Nguồn Sống cũng tìm được Chúa Giê-xu và tôn thờ Ngài để đời sống họ được thay đổi, xa lánh những việc làm hư xấu và chăm phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Câu ba cho hay là Chúa rất ưa thích khi thấy con dân Ngài cầu nguyện cho các cấp chính quyền, vì đó là điều tốt lành. Nếu ta đang sống với những khó khăn do các cấp chính quyền gây ra, ta càng nên cầu nguyện cho họ. Vì khi biết Chúa và kính sợ Chúa họ sẽ quý trọng những ai cũng thờ kính Chúa như vậy.

Câu năm là một câu giải thích cho những ai chống đối Chúa hay chống những người tin Chúa vì nghĩ rằng đó là chuyện mê tín dị đoan. Câu này cũng dứt khoát nói với những ai chưa muốn tin Chúa vì nghĩ rằng phiền phức và bị người ta cho là lạc hậu. Đây là tuyên ngôn của đạo Chúa và mọi người cần nghe cho rõ:

Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.

Đây là căn bản cho vấn đề thần linh, và nan đề tội ác của con người.

Người ta có thể mê tín, thờ từ thánh nhân cho đến những con vật, cây đa, núi non, sông hồ v.v. Cũng có nhiều người cho là không có thần linh, không có Trời, và chủ trương vô thần. Có những người tin rằng chính mình, nếu tu thân đúng cách cũng trở thành thánh nhân. Tuy nhiên câu Kinh Thánh này xác định: Chỉ có một Đức Chúa Trời. Nói đúng ra là chỉ có một Thần duy nhất là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời. Làm thế nào con người phàm trần tiếp cận được với Chân Thần là Thượng Đế? Chúa Cứu Thế Giê-xu là câu giải đáp. Câu này cho ta biết đôi điều quan trọng về Chúa Giê-xu. Trước tiên, Chúa Giê-xu là Đấng Trung Bảo giữa Chân Thần và loài người. Đấng Trung Bảo là vị ở giữa để làm nhịp cầu nối Trời với Người.

Điều thứ hai về Chúa Giê-xu trong câu này là, Ngài là Người. Chúa Giê-xu là thần linh làm người, vì thế có thể làm gạch nối giữa thần linh và người.

Câu hỏi tiếp theo, làm sao Chúa Giê-xu thực hiện được việc đó?

Câu trả lời là: Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.

Chữ quan trọng trong câu sáu là giá chuộc, bản phụng vụ dịch câu này là: Ngài đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Con người đã bị làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ, không thể nào tự giải thoát và cũng không thể nào tiếp cận với Chân Thần. Chúa Giê-xu đã bằng lòng hi sinh, đổ máu, làm sinh tế trước Chân Thần chuộc tội cho tất cả mọi người. Chuộc tội cần phải trả giá, giá đó là giá máu, đó là cái chết. Chúa Giê-xu đã làm việc đó thay cho mọi người. Ai bằng lòng nhận việc chuộc tội đó thì sẽ được tha tội và đến được với Chân Thần là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời.

Tin Chúa không phải là vào nhà thờ, nhập vào đạo, nhưng là tin Chúa Giê-xu để được cứu. Ai không tin Chúa Giê-xu sẽ không bao giờ gặp được Chân Thần.

Phần sau của câu sáu, ghi: Aáy là lời chứng đã làm đúng kỳ. Bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch phần này là: Điều này đã được chứng thực vào đúng thời, đúng buổi. Nghĩa là việc Chúa Giê-xu ra đời làm sinh tế chuộc tội cho loài người không phải sáng kiến của một người nào, nhưng do chính Chúa, Chân Thần, Đức Chúa Trời đã hoạch định và thực hiện vào đúng lúc Ngài muốn. Chúa Giê-xu đã sinh ra, lớn lên, hi sinh chết trên thập giá làm sinh tế chuộc tội. Tất cả là trong kế hoạch của Chân Thần và đã thực hiện cách đây 2000 năm.

Câu 7 nói về nhiệm vụ của Phao-lô. Ông là sứ giả truyền rao cho mọi người tin mừng về Chúa Giê-xu. Ông làm thầy giảng, sứ đồ và giáo sư dạy người ta về đức tin và về chân lý.

Thưa quý vị và các bạn, Đài Nguồn Sống tiếp nối công việc vĩ đại của Phao-lô cũng đưa đến các bạn những giải thích về đức tin và chân lý, mong mời quý vị và các bạn có dịp nhận định và tin Chúa.

Kết thúc bài học hôm nay, tôi xin nhắc lại mấy điểm:

1. Trong việc thờ phượng, ta nên nhớ đến việc cầu nguyện là ưu tiên.

2. Cầu nguyện cho mọi người, kể cả các cấp chính quyền.

3. Nên nhớ rằng chỉ có một Chân Thần và Chúa Giê-xu là Đấng Trung Bảo. Muốn đến với Chân Thần, ta không có con đường nào khác để đến hơn là qua Chúa Giê-xu.

4. Mỗi ngày ta cần cầu xin Chúa mở lòng nhiều người để tin nhận Chúa qua Đài Nguồn Sống, vì nếu không, chương trình phát thanh này sẽ trở thành vô ích.