Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

Những Hình Ảnh So Sánh

2 Ti-mô-thê 2:3-6

3 Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ. 4 Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình. 5 Cùng một lẽ đó, người đấu sức trong diễn trường chỉ đấu nhau theo lệ luật thì mới được mão triều thiên. 6 Người cày ruộng đã khó nhọc thì phải trước nhứt được thâu hoa lợi.

Thông thường người ta hay kể những câu chuyện về những người chọc trời khuấy nước trong xã hội một thời gian, nhưng sau đã nhập vào một tôn giáo nào đó và trở thành người hiền lành tử tế, không còn gây chú ý nữa. Vì những câu chuyện như thế nên người ta vẫn nghĩ rằng hễ tin Chúa là tất cả sẽ êm lặng, không còn bon chen hay đấu tranh nữa.

Tuy nhiên người tin Chúa biết rõ rằng Tin là bước đi, là sống, là tranh đấu để giành chiến thắng chứ không phải chỉ sống thụ động chờ ân huệ của Chúa mà thôi.

Trong lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê Phao-lô nói đến ba hình ảnh để so sánh. Ta sẽ lần lượt điểm qua ba hình ảnh này:

1. Hình ảnh người lính chiến. Sứ đồ Phao-lô rất hay dùng hình ảnh này trong nhữn thư tín của ông gửi cho các Hội Thánh:

1 Cô-rinh-tô 9:7 “7 Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình?

2 Cô-rinh-tô 6:7 “7 bởi lời chơn thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả;”

Ê-phê-sô 6:11-18 “11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. 12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. 13 Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng. 14 Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, 15 dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép. 16 Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. 17 Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời. 18 Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.

Đời sống của người lính đi liền với huấn luyện, trở lực, bảo vệ, chống trả và tiến công quân thù. Đó không phải là một đời sống dễ dãi. Phao-lô nhưng người lính Phao-lô nói đến ở đây không phải lính của đời này, mà là “Lính giỏi của Chúa Giê-xu” Lính giỏi là lính tuân hành kỷ luật, thiện chiến, can đảm, hi sinh vì chính nghĩa. Lính giỏi của Chúa Giê-xu là người theo gương Chúa Giê-xu trong mọi khía cạnh của đời sống, nhất là gương chịu khổ của Chúa. Phao-lô nói rằng “Hãy cùng ta chịu khổ..” nghĩa là ông cũng là lính chiến đang sống trong những trận chiến cam go.

Chúa Giê-xu kêu gọi mọi người đến với Chúa, theo gương Chúa, cùng chịu khổ và sẽ cùng hưởng vinh quang với Ngài.

Câu 4 ghi thêm: “4 Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình.” Người lính khi lâm trận, không còn vấn vương với những chuyện riêng của mình, không lo lắng những chuyện của bản thân hay gia đình, mà chỉ lo làm trọn bổn phận cấp chỉ huy giao phó. Người tin Chúa được dạy là phải sống vì Chúa, hết lòng làm vừa lòng Chúa, chứ không phải cố thỏa mãn những gì mình ưa thích. Thật sự khi ta sống đẹp lòng Chúa, tránh xa tội ác, ta sẽ hưởng được chiến thắng vinh quang, vì trận chiến mà ta đang lâm vào, là trận chiến chống trả ma quỷ và đệ tử của nó.

2. Hình ảnh so sánh thứ hai là Người Lực sĩ. Bây giờ phải gọi là vận động viên điền kinh. Điều nhấn mạnh trong hình ảnh này là phải theo đúng luật lệ. Nghĩa là theo đúng các điều cấm kỵ và không được phạm lỗi. Mão triều thiên ngày xưa có thể tương đương với huy chương vàng trong Thế Vận Hội ngày nay. Vận động viên điền kinh có mục đíhc là chiếm huy chương vàng, và vì thế phải tuân thủ kỷ luật. Đây là điều mà người tin Chúa phải ghi nhớ. Mão triều thiên hay phần thưởng của mỗi người được đánh giá không những bằng thành đạt cuối cùng, nhưng còn trong suốt thời gian đấu hay đua nữa. Mỗi ngày phải là một đắc thắng, đó là phương châm của người tin Chúa.

3. Hình ảnh so sánh thứ ba là người cày ruộng. Tại đây không nói đến kỷ luật hay người mà mình phục dịch, nhưng nói về khó nhọc trong canh tác, thức khuya, dậy sớm, chân lấm tay bùn, mồ hôi nước mắt. Tất cả những cam go trên luống cày, ruộng lúa là để gánh về những bó lúa to và chắc. Chính vì thế mà nhà nông không than phiền, cứ chịu khó chịu khổ. Người tin Chúa cũng vậy. Thời gian chịu khổ có thể lâu, nhưng vụ gặt tâm linh sẽ đến. Những ai chịu bỏ công sức trên đồng ruộng, sẽ ngồi nhìn cót thóc đầy trong mừng vui sau mùa gặt. Người chịu khổ khi rao truyền lời Chúa cũng vậy. Sẽ có nhiều nụ cười trên gương mặt những người được Chúa cứu hướng về ta trong một ngày nào đó và niềm vui sẽ xóa tan những đau thương ta cùng cắn răng chịu.

Tóm lại, Phao-lô muốn Ti-mô-thê là một người lính thiện chiến, một lực sĩ đoạt huy chương vàng và một nhà nông gánh những bó lúa nặng trĩu. Người tin Chúa và phục vụ Ngài phải sống trong những hình ảnh này để nhắc mình về nhiệm vụ trong đời, giữa đồng bào dân tộc.

Ước mong chúng ta nhớ mãi những hình ảnh này và quyết tâm sống cho đúng là một người của Chúa.