Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

Tiên Đoán về Những Ngày cuối cùng

2 Ti-mô-thê 3:1-9

1 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.

2 Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính,

3 vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành,

4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời,

5 bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.

6 Trong bọn họ có kẻ lẻn vào các nhà, quyến dụ lòng những người đờn bà mang tội lỗi, bị bao nhiêu tình dục xui khiến,

7 vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được.

8 Xưa kia Gian-nét với Giam-be chống trả Môi-se thể nào, thì những kẻ nầy cũng chống trả lẽ thật thể ấy: lòng họ hoại bại, đức tin họ không thể chịu thử thách được.

9 Nhưng họ không làm thêm được nữa, vì sự điên dại của họ sẽ bày tỏ ra cho thiên hạ, cũng như của hai người kia.

Trong phần này của lá thư gởi cho mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê, Thánh Phao-lô quay sang nói về một thời đại đạo đức suy đồi. Dĩ nhiên là cũng có quan hệ đến phần giãi bầy ở trên về những thành phần đi xa chính đạo, như là do ảnh hưởng của xã hội luân lý đồi trụy mà phát sinh.

Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu từng câu một trong khúc Kinh Thánh này:

1 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.

Ngày sau cùng hay ngày sau rốt là cụm từ thường dùng trong Kinh Thánh Tân Ước để nói về giai đoạn đi trước thời kỳ mạt thế, tức là ngày tận cùng của thế giới. Tuy nhiên đây không phải nói về một thời kỳ xa xôi nào trong tương lai mà là ngay hiện tại, lúc viết thư, thành ra ‘những thời kỳ khó khăn’ hay ‘những thời kỳ nguy hiểm’ rất thực tế chứ không phải là điều trông mong sợ hãi nữa.

2. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính,

Câu 2 bắt đầu một danh sách những điều gọi là những thói xấu của thời đại mới. Người ta bảo rằng danh sách này tương tự như danh sách của triết gia Philo đương thời đưa ra và cũng tương đương với danh sách trong thư La-mã 1:29-31. Nhưng trong thư La-mã Phao-lô cho biết đó là các tội ác của thế giới vô đạo.

Hai tính xấu đầu tiên là: tư kỷ và tham tiền. (philautoi và philarguroi) Nguyên văn là yêu mình và yêu tiền. Đây cũng là căn rễ của mọi thối nát trong luân lý đạo đức ngày xưa cũng như hiện tại. Khi nào con người ích kỷ và tham tiền thì tham nhũng xẩy ra và kéo theo hằng loạt các thói xấu khác. Khi nào tiền bạc trở thành mục tiêu của đời sống thì con người không ngần ngại phạm tất cả những tội ác khác.

Tiếp theo là khoe khoang và xấc xược hay khoác lác và kiêu ngạo. Khi nào có tiền của, giàu sang, con người hay khoe và coi thường tất cả các giá trị khác. Kiêu ngạo hay xấc xược là nói về xúc phạm đến người khác, những người không bằng mình.

Hay nói xấu hay lộng ngôn là những lời nói xúc phạm đến người khác và đến Chúa.

Không vâng lời cha mẹ thì cũng dễ đi đến chỗ bội bạc và không có lòng tôn kính Chúa. Cha mẹ là các bậc sinh thành hướng dẫn ta từ tấm bé, khi nào con người tham lam vị kỷ đến nỗi khinh thường cha mẹ thì cũng không thể nào kính yêu Chúa được.

3. vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành,

Những thói xấu này rất thông thường và có thể nhận ra ngay chung quanh ta, có khi trong chính con người cũ của ta nữa. Vô tình nghĩa là không biết thương xót. Khó hòa thuận còn có nghĩa là không tha thứ. Đã vô tình thì cũng dễ cố chấp không tha thứ. Đã không tha thứ lại thường hay rêu rao nói xấu và phao vu. Người có những tính khí như vậy chắc chắn là n1ong nẩy, không kiềm chế lời nói và việc làm, vì thế rất hung tợn, dễ làm hại người và không thích những việc hay những người hiền lành đạo đức. Tính thù người lành còn có nghĩa là không thích những điều thiện lành. Một trong những đặc tính của kẻ mang nhiều tội là không thích việc thiện lành. Dĩ nhiên đã vậy thì phải tham gia vào những việc giả trá, gian dối, tàn ác.

4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời

Danh sách tiếp tục trong câu bốn: lường thầy phản bạn tức là không giữ lời cam kết, phản trắc. Hay nóng giận còn có nghĩa là nông nổi, hành động không suy nghĩ. Lên mình kiêu ngạo là dương dương tự đắc, coi mọi người là thua kém. Cuối cùng là ưa lạc thú xác thịt hơn là đời sống đạo đức thánh thiện. Hay yêu lạc thú hơn yêu Chúa.

Câu 5 cho thấy tất cả những tính tình hư xấu này không phải của kẻ vô thần, nhưng lại là kẻ giả mạo tin Chúa nhưng vẫn phạm tội: 5 bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.

Tại đây cho ta thấy một hình ảnh đạo đức giả. Nghĩa là vẫn xưng là người có đạo, giữ các lễ nghi của giáo hội, nhưng thật ra chỉ là vỏ ngoài. Hành vi của những người ấy phản lại những gì họ tin tưởng. Quyền phép của nhân đức hay của đạo là con người phải được biến đổi, phải sinh trái thiện lành. Nếu còn mang trong đời sống trên hai mươi tính xấu, vô đạo như thế thì không thể nào gọi là tin Chúa được.

Giả hình là điều Chúa Giê-xu lên án. Trong đời có những người không biết đến Chúa nên phạm tội, điều đó đã hẳn, nhưng tệ hại hơn cả là những người đã từng tin nhận Chúa, nhưng chẳng bao giờ để Chúa làm chủ và Thánh Linh tái tạo, mà chỉ có hình thức.

Ti-mô-thê và tất cả chúng ta đều được dặn là: Hãy lánh xa những người như thế. Hãy lánh xa những kẻ giả hình, nhưng chính ta cũng đừng sống hai mặt như vậy. Hãy để cho quyền năng Chúa tái tạo và tiếp tục mời Thánh Linh vào làm chủ đời sống mình, chừa bỏ những thói hư tật xấu, có như thế cuộc đời theo Chúa mới đạt. Nếu không, công lao theo đạo trở thành vô ích.

Nhiều người nghĩ rằng khi nào đến nhà thờ hay gặp các người tin Chúa thì phải tỏ ra thánh thiện, nhưng khi ở riêng thì tự do. Thật ra người tin Chúa thật sẽ chứng tỏ cuộc sống được Chúa làm chủ khi ở một mình cũng như khi sống với người khác.

Bài học trong phân đoạn Kinh Thánh này là:

1. Các tính xấu được nêu lên không phải là những tội ác đáng bị tòa án làm tội, nhưng chỉ là những thái độ sống xấu xa đối với đồng loại. Người tin Chúa không phải chỉ tuân giữ 10 điều răn là chính, còn tự do sống theo tính khí của mình. Đạo Chúa không phải chỉ làm lành lánh dữ, nhưng còn là sống thánh thiện trong mọi hành vi cử chỉ với mục đích tôn vinh Chúa và hữu ích cho đồng loại.

2. Nhiều người tin Chúa nhưng không sống đạo mà chỉ nói đạo, như vậy là sai lầm. Nếu ta tin Chúa mà tính tình không thay đổi, vẫn sống như mọi người thì ta đã phủ nhận quyền năng của Chúa và sống không thực tế.

3. Mỗi ngày ta cần đến với lời Chúa như soi mặt trong gương để tránh xa những hành vi cử chỉ, thái độ mà người tin Chúa đã được dạy là phải từ bỏ. Có như thế thì việc tin Chúa của ta mới có ý nghĩa.