Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Bà Mẹ Không Tên (3)

Ma-thi-ơ 15:25-28

"Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng" (Hê-bơ-rơ 4:16).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà mẹ không tên đã làm gì sau khi nghe lời phát biểu đầu tiên của Chúa? Xin thuật lại cuộc đàm thoại giữa Chúa và người mẹ trong các câu 26-28, và cho biết ý nghĩa mỗi câu đối đáp. Tại sao Chúa "làm khó" bà mẹ không tên như chúng ta thấy trong câu chuyện? Chúng ta học được điều gì từ gương người mẹ này?

Sau khi nghe Chúa nói rằng Ngài chịu sai đến chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Ít-ra-ên, người mẹ này không bỏ cuộc. Bà tiến lại gần Chúa và kêu cầu: "Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng." Đến đây chúng ta hy vọng Chúa nói lời khích lệ. Nhưng không. Chúa nói tiếp: "Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con ăn." Ngài hàm ý rằng: không nên lấy đặc ân Chúa dành cho tuyển dân của Ngài mà ban phát cho người ngoại quốc, là những người không được dự phần trong giao ước của Ngài.

Nếu ở trong trường hợp người mẹ không tên này, bạn sẽ phản ứng ra sao, sau khi nghe Chúa Giê-xu nói như vậy? Có lẽ nhiều người bỏ về, vì thất vọng, hay vì tự ái, bất mãn. Nhưng người mẹ này không làm như vậy. Bà thưa tiếp: "Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống." Nói cách khác, bà thừa nhận rằng bà không xứng đáng gì, không có quyền gì để đòi hỏi ân huệ của Chúa. Nhưng bà xin Ngài chút ân huệ thừa, chút lòng thương xót dư của Chúa. Ngần ấy cũng đủ cho bà rồi. Chúa đáp thế nào? Ngài nói: "Này, con có đức tin lớn thật! Sự việc phải xảy ra như ý con muốn" (Ma-thi-ơ 15:28 BDM). Kinh Thánh ghi tiếp: "Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành."

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Từ đầu Chúa có thương xót người mẹ không tên này không? Ngài có sẵn lòng giúp bà không? Nếu thương xót thì tại sao Chúa không giúp bà ngay từ đầu mà lại làm khó khăn, để cho bà phải "năn nỉ" như vậy? Chúa thương xót bà, nhưng Chúa không giúp ngay vì lẽ: Chúa muốn cho bà có cơ hội bày tỏ tấm lòng khiêm cung, hạ mình, và tấm lòng tin cậy kiên trì trong sự cầu nguyện.

Đây là hai yếu tố quan trọng để lời cầu xin của chúng ta được Chúa nhậm. Khi đến với Chúa, chúng ta cần ý thức sự xấu xa, nhỏ bé của mình trước mặt Chúa chí cao, vĩ đại, vinh hiển, uy nghi, thánh thiện. Chúng ta chẳng xứng đáng để ra mắt Chúa, chứ đừng nói gì đến việc đòi hỏi Chúa làm điều này, điều nọ. Dù vậy, bởi ơn thương xót của Chúa, Ngài đã ban Chúa Giê-xu đến cứu vớt chúng ta và mở cho chúng ta một con đường mới bởi sự hy sinh của Ngài. Để rồi, khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ gửi lên Ngài những lời thỉnh cầu của mình, mà chính chúng ta được đến trước ngôi vinh hiển của Chúa mà thưa chuyện với Ngài (Hê-bơ-rơ 10:19-22). Điều thật lạ lùng, kỳ diệu là Đấng Chúa Tể của hoàn vũ vui lòng tiếp chúng ta, lắng nghe chúng ta và đáp lời chúng ta. Ngài mời gọi: "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng" (Hê-bơ-rơ 4:16).

Bà mẹ không tên đã được toại nguyện. Đứa con điên loạn của bà đã được chữa lành. Từ nay, bà không còn phải khổ sở, đau đớn, xấu hổ vì con. Bà đã hưởng được ân huệ mà bà nghĩ là "dư thừa" của Chúa. Ngày nay, con dân Chúa không phải hưởng ân huệ "dư thừa" mà là ân sủng "giàu có vô hạn" của Ngài (Ê-phê-sô 2:7). Cho nên, hãy dạn dĩ, thường xuyên, kiên trì đến với Chúa mà kêu cầu Ngài, chúng ta không bao giờ thất vọng.

Bạn học được điều gì nơi người mẹ này để áp dụng vào đời sống hằng ngày? Nhân ngày lễ "Hiền Mẫu" là lúc chúng ta – những người làm cha mẹ – xét lại lòng, cách sống của mình cho con cháu mình, có như người mẹ này không? Chúng ta có biết thực trạng đời sống con mình thế nào không? Chúng ta cần làm gì? Là con cháu, chúng ta học được điều gì nơi cha mẹ để sống, để cảm tạ Chúa về cha mẹ mình.

Cảm tạ Chúa cho con có người mẹ hiền, xin Chúa giúp con biết sống như mẹ con để làm gương cho người chung quanh.

(c) 2024 svtk.net