Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Cơ Đốc Nhân và Mối Thông Công trong Chúa

Ê-phê-sô 2:19-22

"Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời" (câu 19).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu 19, Sứ đồ Phao-lô xác định với các tín hữu mối liên hệ nào họ có với nhau? Mối quan hệ giữa Cơ Đốc nhân và mối thông công trong Chúa quan trọng như thế nào? Theo Kinh Thánh, ý nghĩa đích thực của sự thông công là gì? Bạn gây dựng, gìn giữ mối thông công đó cách nào?

Loài cây gỗ đỏ khổng lồ ở California, Hoa Kỳ, được xem là loài cây cao và lớn nhất trên thế giới. Chúng thường mọc quần tụ với nhau. Có những cây cao đến 90 mét và già trên 2500 tuổi. Dáng vẻ đồ sộ của chúng dễ làm người ta nghĩ chúng chắc phải có một hệ thống rễ vĩ đại và xuyên sâu xuống lòng đất hàng trăm mét. Thật ra, chúng có một hệ thống rễ rất cạn. Nhưng điều đặc biệt là những sợi rễ cạn chằng chịt này lại đan kết với nhau một cách chặt chẽ. Có thể nói là những cây gỗ đỏ này được "khóa chặt" với nhau nhờ sự đan kết của những hệ thống rễ của chúng. Chính nhờ sự "khóa chặt" này mà những cây gỗ đỏ không phải đương đầu với giông bão một mình nhưng lại nương dựa vào nhau để đứng vững.

Bà Maria Harris, một nhà giáo dục Cơ Đốc, đã viết một câu ngắn gọn nhưng thật đầy ý nghĩa về mối liên hệ giữa cá nhân tín hữu và Hội Thánh: "Một Cơ Đốc nhân cô độc thì không thực sự là một Cơ Đốc nhân." Thật vậy, Cơ Đốc nhân được Chúa kêu gọi chẳng những để tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình mà còn để thuộc về thân thể của Chúa trên đất: Hội Thánh. Khi nói đến Cơ Đốc nhân, Kinh Thánh luôn luôn nói về họ trong bối cảnh của Hội Thánh - một cộng đồng đức tin. Cơ Đốc nhân được kêu gọi không phải để đứng một mình nhưng được kêu gọi để liên kết với các tín hữu khác trong một mối thông công mật thiết trong thân thể của Chúa. Trong Đại Mạng Lệnh mà Chúa Giê-xu trao cho các môn đồ, Ngài dặn dò rằng: "hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ" (Ma-thi-ơ 28:19). Một trong những ý nghĩa quan trọng của lễ báp-tem là sự thể hiện công khai của sự kết hiệp một Cơ Đốc nhân vào thân thể Đấng Cơ Đốc - Hội Thánh. Khi các tân tín hữu nhận lễ báp-tem, Hội Thánh tiếp đón họ vào trong mối thông công đại gia đình của Đức Chúa Trời. Họ không còn là những con người cô đơn trên hành trình cuộc sống của mình nhưng ở trong một mối quan hệ khắng khít với các tín hữu khác mà trong đó tất cả Cơ Đốc nhân nương dựa và nâng đỡ lẫn nhau trong tình yêu bao la của Chúa.

Ngày nay, từ "thông công" trong Hội Thánh thường được hiểu là những cuộc trò chuyện, tiếp xúc, ăn uống, hay những cuộc vui chơi chung. Câu "mời quí vị ở lại để thông công" thường có nghĩa là "xin ở lại để uống cà phê" hay "ở lại để dự tiệc liên hoan." Thực ra, "thông công" theo Kinh Thánh có nghĩa là "hưởng cuộc sống với nhau" của những tín hữu trong Hội Thánh. Một từ ngữ quan trọng trong Kinh Thánh được dùng để chỉ về sự thông công trong Hội Thánh của Chúa là koinonia. Từ ngữ này có nhiều hàm ý: hiệp một, chia sẻ chung, tham dự (vào cuộc sống của nhau). Hình ảnh của một mối thông công thật trong Hội Thánh được trình bày ở Công-vụ các Sứ-đồ 2:42–47. Qua đó, chúng ta thấy được một mối liên hệ mật thiết giữa các tín hữu, hay nói một cách khác hơn là một mối liên hệ khắng khít giữa các chi thể trong thân thể Đấng Cơ Đốc. Trong mối thông công đó, các tín hữu yêu thương nhau với tình yêu vô điều kiện của Chúa. Họ nương dựa, nâng đỡ, chăm sóc cho nhau chẳng những về phần thuộc linh nhưng còn cả về phần thuộc thể nữa. Là những Cơ Đốc nhân thật, chúng ta "chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là những kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 2: 19). Vì vậy, chúng ta đang ở trong một mối thông công mật thiết trong Hội Thánh; những vui buồn, thành đạt, hoạn nạn của một anh chị em tín hữu nào đó cũng là của từng cá nhân chúng ta. Hội Thánh hiện hữu để tạo mối thông công giữa các Cơ Đốc nhân và ngược lại Hội Thánh sẽ mạnh mẽ, đầy ơn Chúa khi sự thông công trong Hội Thánh là chân thật và mật thiết.

Bạn có cảm nhận đang ở trong mối thông công mật thiết trong thân thể của Chúa tức Hội Thánh không? Bạn có thật sự quan tâm đến anh chị em trong Hội Thánh, xem những vui buồn, thành đạt, hoạn nạn của họ như là của chính mình không? Bạn có nâng đỡ anh chị em khác cả trong đời sống thuộc linh và thuộc thể của họ cũng như nhận sự nâng đỡ từ anh chị em khác không?

Lạy Chúa, xin nhắc nhở con mỗi ngày ý thức rằng con không còn là của riêng mình nữa nhưng là một phần chi thể của Ngài, có một mối liên hệ mật thiết với tất cả anh chị em cùng chung một đức tin. Xin Chúa sử dụng con để con có thể góp phần tích cực vào việc xây dựng mối thông công trong Hội Thánh càng ngày càng khắng khít hơn.

(c) 2024 svtk.net