Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Ngủ và Thức

1 Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em;

2 vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.

3 Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu.

4 Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm.

5 Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối.

6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và giè giữ.

7 Vì kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, kẻ say thì say ban đêm.

8 Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy giè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ.

Phao-lô đã trả lời câu hỏi về người tin Chúa đã chết và hiện đang chờ được kêu gọi sống lại. Trong phần này của lá thư gửi cho HT Tê-sa-lô-ni-ca ông đề cập đến vấn đề "Khi nào thì các việc đó xảy ra." Đây là câu hỏi thường được đặt ra, đó là khi nào Chúa trở lại và ngày ấy sẽ ra thế nào. Các môn đệ đầu tiên từng hỏi: "Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?" (Công 1:6). Lúc ấy Chúa đã trả lời rằng ngày giờ chỉ có Chúa Cha biết được và bổn phận của mỗi người là chuẩn bị cho sẵn mà thôi. Chúa sẽ lo việc thời điểm và các chi tiết khác của sự kiện tái lâm.

Các câu hỏi người Tê-sa-lô-ni-ca đặt ra có lẽ cũng của người thời nay. Đó là có các dấu hiệu nào báo trước Chúa tái lâm hay không? Đã gần đến ngày đó chưa? Phao-lô nói rằng người Tê-sa-lô-ni-ca đã biết tất cả những gì họ cần biết, họ chỉ chưa áp dụng đó thôi.

Trước tiên Phao-lô nói về thời gian. Trong bản Kinh Thánh Việt ngữ nói là "thời và kỳ", nguyên văn là "thời gian" và "mùa" tức là lúc nào và vào mùa nào. Phao-lô khẳng định là vấn đề thời gian không đặt ra nữa, vì họ đã biết những điều họ cần biết rồi. Đây cũng là điều con dân Chúa nên nắm vững để không bao giờ tin bất cứ dư luận nào hay nguồn tin nào nói về một ngày giờ nào đó Chúa sẽ tái lâm, vì không một người nào biết chuyện này, Chúa Giê-xu đã khẳng định như thế. Dù ta không biết khi nào Chúa tái lâm, nhưng ta có đầy đủ những huấn thị về việc chuẩn bị đón rước Chúa, đây mới là điều ta đáng quan tâm.

Nhận huấn thị, nhưng có áp dụng và thực hành hay không mới là quan tâm của Phao-lô.

Phao-lô bảo: "2 vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.

3 Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu."

Một từ quen thuộc được dùng trong Kinh Thánh là Ngày của Chúa. Tiên tri A-mốt đã nói đến Ngày của Chúa nhiều thế kỷ trước thời Tân Ước. Theo tinh thần của Kinh Thánh Cựu Ước, thì Ngày của Chúa là ngày phán xét, ngày làm ngay lành lại những gì sai trái, ngày mà kẻ có tội lo sợ và người tin Chúa vui mừng chào đón.

Trong thời Tân Ước, ý nghĩa phán xét của ngày đó cũng được tuyên bố. Phi-e-rơ nói về ngày phán xét (2 Phi-e-rơ 2:9). Phao-lô nói về ngày thịnh nộ và mặc khải phán xét của Chúa (Rô-ma 2:5). Ngày ấy còn gọi là Ngày Cứu Chuộc, tức là ngày con dân Chúa được cứu khỏi thế gian này (Ê-phê-sô 4:30). Chỗ khác gọi là Ngày của Chúa, Ngày của Chúa Giê-xu (Phi-líp 1:6 và 1 Cô-rinh-tô 1:8). Trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca đặc biệt chỉ nói về Ngày đó. Trong Giăng 6:39 gọi là "Ngày sau cùng" Trong khi đó Giu-đe gọi là "Ngày lớn".

Dù teên gọi có khác, ngày củ Chúa là ngày phán xét, một ngày Chúa dùng công lý bào chữa cho dân Ngài và trừng phạt những kẻ phạm tội.

Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm vào ban đêm, nghĩa là không ai ngờ trước được.

Ngày của Chúa sẽ đến khi người vô tín nói về hòa bình và yên ổn. Có lẽ lúc ấy kinh tế phồn thịnh nhất, các nước không còn chiến tranh nữa, và mọi việc sáng tỏ hơn trước nhiều. Nhưng vào lúc như vậy, con dân Chúa là những người gần với lời Chúa và nhìn vào các dấu hiệu, hiểu rằng Chúa gần tới. Khi nào mọi việc được tuyên bố là thành công và thế giới gần lại với nhau hơn cả, là lúc Chúa Giê-xu trở lại.

Phao-lô bảo rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu. Có hai điểm ta lưu ý, đó là việc Chúa đến rất bất ngờ, và thứ hai, không ai tránh thoát được tai họa. Tai họa lớn nhất là cơ hội ăn năn hối lỗi đã hết, và ngày phán xét đã đến. Những ai từng phỉ báng chối bỏ Chúa, những ai gây tác hại cho dân Chúa sẽ chờ đợi ngày tai họa này và không bao giờ tránh thoát được. Ngày phán xét của Chúa chắc chắn sẽ đến và không thế lực nào ngăn cản được.

Thế giới băng hoại hư vong sẽ sống mãi trong đêm tối, không chuẩn bị gì cho Ngày Chúa đến, và không ai tránh thoát được, " Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và giè giữ. Vì kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, kẻ say thì say ban đêm. Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy giè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ."

Chúng ta không thuộc về ban đêm và sự mờ tối, chúng ta là con của ánh sáng và con của ban ngày. Con của ánh sáng tức là thuộc về ánh sáng. Ánh sáng là đặc tính của người tin Chúa, nghĩa là không u mê, không sống trong tội, nhưng sống trước vinh quang của Chúa, thánh khiết, tin kính và thương yêu. Chúa Giê-xu chính là ánh sáng. Khi ta tin Chúa, ta thuộc về ánh sáng, sống trong ánh sáng, khác hẳn với người trong thế gian vô đạo.

Nhưngkhông phải vì thế mà chúng ta không đề phòng:

6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và giè giữ.

7 Vì kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, kẻ say thì say ban đêm.

8 Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy giè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ.

Tới đây Phao-lô nói về giấc ngủ của trần gian. Giấc ngủ trong đêm tối đầy tội ác. Những người ngủ tượng trưng cho người đời không biết Chúa, không tin Chúa, và không sợ một ngày phán xét sẽ đến, cứ ngủ mãi trong những cơn mê tội lỗi, tham lam vật chất, tình dục xấu xa và cuộc đời giả dối với những giá trị thuộc về đêm tối.

Giấc ngủ cộng thêm với cơn say làm cho đời người vô đạo không thể nào biết được lúc phán xét đến. Cơn say này là say vật chất, thú vui và những điều trái đạo.

Nhưng người tin Chúa không thuộc về ban đêm nên không ngủ giấc ngủ tội ác đó, mà phải luôn tỉnh thức, vì chúng ta sống trong ban ngày, không thể ngủ được, phải cảnh giác.

Tỉnh thức là một từ Kinh Thánh dùng để khuyên bảo người tin Chúa phải canh chừng, nếu không bị sa vào cám dỗ và phạm tội như người trần gian.

Người tin Chúa cũng không say, say cả về rượu lẫn về chất men tội ác của cuộc đời. Và khi khuyên tỉnh thức, là tỉnh cả giấc ngủ lẫn cơn say, nếu có. Nhiều người sống trong ánh sáng ban ngày nhưng vẫn say. Chúng ta cần cẩn thận đừng để những cơn mê say cuốn hút vào con đường phạm tội, nhưng phải tỉnh thức, nghĩa là không ngủ quên, cũng như không say, vì cần tỉnh để đón chờ Chúa.

Phao-lô dạy trong câu 8: " Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy giè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ." Có hai thứ khí giới được nêu lên trong câu này. Đây là khí giới của chiến sĩ đời xưa: áo giáp và mũ sắt. Đây là khí giới phòng vệ chứ không phải tấn công. Người tin Chúa có ba điều quý nhất, đó là Đức tin, Hi vọng và tình thương. Đức tin và tình thương ta có được khi bằng lòng đến với Chúa mời ngài vào làm chủ cuộc đời. Đây là điều Chúa ban cho để phòng thủ đời sống ta.

Đức tin đi liền với tình thương. Tin Chúa thì phải yêu Chúa. Khi nào ta kính sợ Chúa và hết lòng tin Ngài thì đời sống ta biến đổi. Và khi tin Chúa như vậy, chắc chắn phải hi vọng ngày gặp Chúa và không kinh hãi ngày phán xét . Cứu rỗi đây là cứu rỗi toàn vẹn sau cùng, khi ta rời thân xác trần gian này để đi với Chúa mãi mãi.

Đó là hi vọng của chúng ta.

Đây là toàn bộ cuộc đời người tin Chúa.

Mời quý thính giả tin nhận Chúa để cùng với con dân Chúa đón mừng ngày Chúa trở lại, vì ta không biết ngày nào việc ấy sẽ xảy ra, nhưng ta biết rằng cơ hội tin Chúa là bây giờ. Ta không thể sống trong bóng tối và say sưa mãi trong đời. Ta cần tỉnh thức và đến gần Chúa ngay bây giờ.