Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 22

Sự Phán Xét Công Chính của Đức Chúa Trời

2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-10

5 Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, và vì nước đó mà anh em chịu khổ.

6 Vả, theo sự công bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em,

7 và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng,

8 báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.

9 Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài,

10 tức là khi Ngài sẽ đến trong ngày đó, để + vì anh em đã tin lời chúng tôi làm chứng trước mặt anh em.

Khúc Kinh Thánh này đem đến khích lệ lớn cho tâm hồn chúng ta, vì chịu khổ là điều làm cho tất cả chúng ta đều đau đớn. Những bất mãn, tuyệt vọng, chán nản và ngã lòng thường đến với mỗi một chúng ta. Trong nhiều trường hợp, đức tin ta bị đánh ngã vì thế những lời của Phao-lô cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca cũng hữu ích cho chúng ta ngày nay.

Ngay câu 5 Phao-lô đã cho chúng ta thấy khác biệt giữa quan điểm của chúng ta và quan điểm của Chúa về sự chịu khổ. Đối với chúng ta thì mỗi khi gặp bất mãn hoặc bách hại hay khó khăn, chúng ta tức khắc coi đó là xấu và tìm đủ cách tránh xa. Nhưng lời Chúa dạy rằng khó khăn không nhất thiết là xấu cả đâu.. Không phải những lúc ấy là Sa-tan thắng đâu. Phao-lô tuyên bố rằng đau khổ ấy là cách Chúa chuẩn bị chúng ta để vào vương quốc của Ngài.

"Chứng cớ" trong câu năm mục đích bảo rằng Chúa rất công bằng và công chính. Ngay giữa những khó khăn của cuộc đời chúng ta, nếu nương cậy nơi Chúa, chúng ta sẽ thấy có sức mạnh để đắc thắng bất mãn, khó chịu và tuyệt vọng, đó chính là bằng chứng là Chúa hành động trong đời sống ta. Chúa cho phép những áp lực đến trong đời ta để Ngài có thể hành động trong tâm hồn ta.

"Xét đoán công chính của Đức Chúa Trời" trong câu năm có nghĩa là Chúa luôn luôn hành động rất đúng. Chúng ta không bao giờ cần lo rằng Chúa có bất công hay là thiên vị. Phán xét của Chúa bao giờ cũng công chính. Phán xét của Chúa có hai diện: một là bênh vực cho kẻ thánh thiện và báo trả kẻ tội ác.

Phán xét của Chúa có mục đích là cho "anh em nên xứng đáng cho nước Chúa" Khi chúng ta chịu khổ sở, chúng ta có thể nghĩ rằng không ai thấu hiểu được những điều tan vỡ trong lòng mình. Chúng ta cô đơn trong nỗi đau thương. Nhưng Chúa không bao giờ quên chúng ta và Ngài nhìn thấy cũng như hiểu rất rõ hoàn cảnh chúng ta. Đau khổ nhiều khi không phải là trừng phạt của Chúa vì ta phạm tội, nhưng là phương pháp của Chúa chuẩn bị cho ta xứng đáng vào nước của Ngài.

Đức tin của chúng ta không mong manh và chỉ chống lại được vài cuộc va chạm, hay quá nhậy cảm đến nỗi không chịu nổi những bất mãn. Đức tin chân chính trong Chúa phải đương đầu được với những trận tấn công ghê gớm của nghi ngờ và cám dỗ.

Chúng ta không có lựa chọn là sẽ có hay không có những nan đề, khó khăn và khó chịu. Đây là những điều không thể tránh được. Nhưng chúng ta được Chúa ban cho đức tin để đối địch với thế gian và mọi hoàn cảnh. Chúng ta phải sống vì danh nghĩa của Chúa trong môi trường đối nghịch, vì thế nan đề xảy ra là dĩ nhiên. Nhưng thay vì bị các vấn đề đánh ngã, Chúa có thể dùng chúng trang bị chúng ta cho được thắng bây giờ và xứng đáng sống với Ngài mãi mãi về sau.

Câu 5 nói về phán xét của Chúa trong việc bênh vực những người chịu khổ. Câu sáu nói về phán xét của Chúa trong việc báo trả đối với những tác nhân gây ra đau khổ cho người của Chúa: "Ngài lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em". Chúa rất công minh, Ngài sẽ phán xét những kẻ gây khổ sở cho con dân Chúa, những kẻ mà Sa-tan đã dùng để khủng bố và tác hại đối với chúng ta. Chúng ta không cần phải tức giận và tìm cách trả thù. Chúa đã dạy rõ: "Trả thù là việc của ta; ta sẽ báo trả" (Rô-ma 12:19). Chúa là đấng công chính, Ngài phán xét để cứu người công nghĩa và trừng phạt kẻ gây tội ác.

Mạc khải về Phán Xét của Chúa

"và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng," Câu 7. Câu này có thể diễn ý là: "Đối với anh em là những người đang chịu khổ, Chúa sẽ cho anh em được nghỉ ngơi cùng với chúng tôi khi Chúa Giê-xu hiện đến uy nghi với các thiên sứ." Người tin Chúa đang chịu khổ có thể an nghỉ trong Chúa ngay bây giờ, vì biết rằng khi Chúa hiện ra, mọi sự đều sẽ được giải quyết. Đây là việc Chúa làm, ta không thể làm được.

Nói cách khác, chúng ta nhiều khi mất thì giờ lo sợ và suy tính những điều không nằm trong phạm vi của mình giải quyết. Vì khi gặp nan đề, chúng ta chỉ biết có nan đề của mình. Chúng ta quay quắt khó chịu, rối trí và có thể sinh bệnh tật. Chúng ta có phản ứng như tất cả mọi người khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Chúa dạy chúng ta là đừng lo lắng quá độ, vì Chúa sẽ lo toan cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy tin vào sự phán xét công chính của Chúa và kiên nhẫn chịu khổ, Chúa sẽ ra tay giải cứu. Chúng ta an nghỉ trong Chúa là như thế.

An nghỉ đây là an nghỉ khỏi lo lắng và bị ràng buộc vào hoàn cảnh khó. An nghỉ khỏi những điều làm cho hạnh phúc ta mất đi mà hết lòng tin cậy Chúa. Ta nên nhớ rằng Chúa có bao nhiêu lời hứa cho ta, trong những lúc gặp khó khăn, thay vì lo sợ và bất an, ta hãy mở lời Chúa, đọc các lời hứa của Ngài và yên lặng chờ đợi trong niềm tin vững chắc. Khi làm như thế, Chúa sẽ thêm sức cho ta và ta được an nghỉ trong Chúa. Ngược lại, nếu ta cũng phản ứng như mọi người, chúng ta có thể cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và oán trách Chúa nữa.

"Trong khi Chúa Giê-xu từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng," Câu này ngụ ý là sau cùng quyền năng và đức thánh khiết của Chúa sẽ hiển lộ. Trong hiện tại, dù có người xúc phạm đến Chúa và làm những việc bách hại con dân Chúa với niềm kiêu hãnh, tưởng chừng như Chúa bất lực hoặc không có thật để mà trừng phạt họ. Nhưng nên nhớ rằng cuộc phán xét những kẻ như thế chắc chắn sẽ đến, và không ai có cách nào tránh thoát được.

Ta nên nhớ một điều là hễ phạm tội thì không trốn thoát đi đâu được. Ta có thể nghĩ rằng những gì mình đã làm kín giấu, sẽ mãi mãi là bi mật, nhưng Chúa biết rất rõ. Khúc Kinh Thánh này dạy ta rằng tội phạm và phán xét tội không bao giờ rời nhau. Ga-la-ti 6:7 dạy: "Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu vì hễ ai gieo giống chi lại gặt giống ấy."

Ai là những người Đức Chúa Trời báo trả? Đó là những người không muốn biết Chúa, những người khước từ chương trình cứu vớt dành cho họ nhờ Chúa Giê-xu. Mặt khác, không ai có quyền nói rằng mình không biết Chúa Giê-xu, vì việc Chúa vào đời đã quá hiển nhiên. Ngay niên lịch 2000 mà cả nhân loại đang dùng chứng minh Chúa Giê-xu đã ra đời, và đó là niên hiệu của Ngài chứ không của ai khác cả. Vì thế khi Chúa Giê-xu trở lại, Chúa sẽ phán xét rất công minh đối với những ai ngày nay khước từ Ngài.

Kết quả của cuộc phán xét

Có hai hình thức phán xét và đưa đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau:

Thứ nhất là: Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài,

Cái chết lúc nào cũng làm cho ta ghê rợn, nhưng tưởng tượng có một loại chết không bao giờ chấm dứt. Cuộc trừng phạt của Chúa đối với những kẻ từng chống lại Ngài và làm hại dân Chúa là cuộc trừng phạt không bao giờ chấm dứt. Nghĩa là những người ấy sẽ luôn luôn trong quá trình chết, nhưng không bị tiêu hủy. Đó gọi là hư mất hay chết đời đời. Tình trạng bị hủy diệt đời đời không ai có thể quan niệm được, vì không có trong kinh nghiệm nhân loại.

Chính vì vậy mà Hội Thánh đóng vai trò hải đăng kêu gọi mọi người đến với Chúa. Vì sa vào tay Đức Chúa Trời thật là đại họa, Chúa chúng ta là ngọn lửa hừng tiêu diệt vô cùng mãnh liệt.

Câu chín giải thích rõ về tình trạng của con người bị Chúa phán xét tội, đó là "xa cách mặt Chúa và vinh hiển của quyền năng Ngài" Có người sẽ cho rằng việc sống trước mặt Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài là không cần thiết. Nhưng nếu biết rõ Chúa là Tạo Hóa và Ngài là nguồn cội của sự sống, thì việc xa cách hiện diện của Chúa là một đại họa, còn tai hại hơn là sống trên mặt đất mà không có ánh sáng mặt trời nữa. Không ai có thể sống mãi trong bóng tối, cũng không ai có thể sống xa rời Thượng Đế mà có thể bình thường được.

Kết quả thứ hai là phán xét dành cho những người bị khổ nạn. Kết quả là: "được sáng danh trong các thánh đồ, được khen ngợi trong mọi kẻ tin;" Khi Chúa Giê-xu trở lại, phần thưởng cho những người chịu khổ nạn vì danh Chúa là được vinh danh trong hàng thánh đồ và tuyên dương trước mọi người. Đây không phải tuyên dương tầm thường mà ta vẫn nghe, nhưng tuyên dương của vua vũ trụ trước mọi thế hệ loài người.

Những người chịu khổ vì danh Chúa trong hiện tại, dù dưới hình thức nào cũng nên đọc lại các câu Kinh Thánh hôm nay và nhận ra chỗ đứng của mình và được an ủi vì cách Chúa đối xử với kẻ hãm hại mình và về vinh quang rạng ngời mà mình được hưởng.

Những ai chưa tin nhận Chúa cũng cần nhận định rõ, vì không tin Chúa tức là phản chống lại Ngài và chờ đợi án phạt vô cùng nghiêm khắc của Chúa.