Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Hy Vọng giữa Sự Sửa Phạt

Thi-thiên 106:13-27

"Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng" (câu 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao người Ít-ra-ên bị bịnh tật làm tổn hại? Tham muốn và ganh tị đem lại hậu quả nào? Làm thế nào để diệt lòng tham muốn và ganh tỵ? Hiệu quả của sự cầu thay của Môi-se như thế nào? Điều đó đem cho bạn hy vọng nào? Bạn thường cầu thay cho ai? Bạn hy vọng gì khi cầu nguyện cho họ?

Phân đoạn này giúp chúng ta thấy được nguyên nhân vì sao một số người phải chết, vì sao người Ít-ra-ên phải chịu bịnh tật không đáng có và sự cầu thay của Môi-se đem đến niềm hy vọng mà suýt chút nữa họ bị Đức Chúa Trời trừng phạt một cách nặng nề.

Tính mau quên và thiếu nhẫn nại khiến cho đức tin của người Ít-ra-ên sa sút một cách nhanh chóng. Điều này dẫn họ đến chỗ sinh lòng ham muốn như dân ngoại: muốn ăn thịt và thèm dưa hành, củ kiệu ở Ai Cập. Họ cũng tỏ ra chán chê lương thực mà Đức Chúa Trời cung cấp (Dân Số Ký 11:4-6). Đức tin suy yếu dẫn đến chỗ cứng lòng và thử Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho họ điều lòng họ ao ước, nhưng Ngài giáng bịnh tật để trừng phạt họ. Bài học ở đây là những ai mau chóng quên ơn, tỏ ra chán chê và xem thường những gì Đức Chúa Trời chu cấp; những ai không trung tín theo Ngài, và để cho lòng ham muốn thắng hơn đức tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng thỏa đáp mọi nhu cầu của chúng ta, sẽ gặt lấy những hậu quả nghiêm trọng như người Ít-ra-ên.

Nhiều người giữa vòng người Ít-ra-ên chẳng những sinh lòng ham muốn mà còn tỏ ra ganh tỵ nữa. Vì ganh tỵ với Môi-se và A-rôn, Đa-than và A-bi-ram đã tỏ ra xấc láo, thách thức đầy tớ thánh của Đức Chúa Trời. Hậu quả là họ bị đất vùi lấp và hai trăm năm mươi người theo họ bị lửa thiêu đốt (câu 16-18). Sự tham dục và lòng ganh tỵ đã chôn vùi biết bao người giống như Đa-than và A-bi-ram.

Người Ít-ra-ên cũng đã đổi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và tôn thờ thần tượng. Vì lý do đó họ suýt bị Đức Chúa Trời diệt tại núi Hô-rếp (câu 20). Nếu không bởi sự cầu thay của Môi-se thì họ đã bị Ngài trừng phạt (câu 23). Ở đây chúng ta thấy vai trò cầu thay của người lãnh đạo thật quan trọng. Dĩ nhiên để lời cầu thay có hiệu quả, những nhà lãnh đạo này phải thực sự là những đầy tớ ngay lành, và trung tín của Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, dân Ít-ra-ên đã không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dẫn họ vào Đất Hứa (câu 24). Họ thẳng thừng bày tỏ rằng lời hứa của Đức Chúa Trời không có giá trị. Họ muốn nói rằng Đức Chúa Trời nói dối và Ngài chẳng có quyền năng để thực hiện điều Ngài nói. Thay vì tin cậy và ngợi khen Ngài, họ lằm bằm và không thèm nghe Ngài (câu 25). Hậu quả của việc không tin cậy và lằm bằm là họ sa ngã trong đồng vắng và con cháu họ bị tản lạc trong các nước (câu 26-27).

Trong Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, khi thắp cây nến hy vọng, chúng ta nhớ rằng hy vọng của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời, Ngài nhân từ, thành tín đối với chúng ta. Vì vậy, Thi-thiên này giúp chúng ta xét lòng, ăn năn về những tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ để được lòng trong sạch đón Chúa trở lại trần gian lần thứ hai. Đó là hy vọng của chúng ta trong ngày đầu Mùa Vọng năm nay.

Bạn hy vọng gì trong cuộc sống nhiều khó khăn này? Bạn cần làm gì để cuœng cố đức tin của mình để không bị trách phạt như người Ít-ra-ên?

Lạy Chúa, xin giúp con thỏa lòng với những gì Ngài ban và không bao giờ tỏ ra thiếu tin cậy Ngài hay bất kính với Ngài. Xin ban cho con niềm hy họng trọn vẹn trong sự nhân từ, thành tín của Ngài.

(c) 2024 svtk.net