Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Chân Lý Phổ Quát

Rô-ma 3:9-20

"Thế nào! Chúng ta có điều gì hơn chăng? Chẳng có, vì chúng ta đã tỏ ra rằng người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều phục dưới quyền tội lỗi, như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không" (câu 9).

Câu hỏi suy ngẫm: Chân lý phổ quát mà Sứ đồ Phao-lô nói đến ở đây là gì? Vì sao con người và đặc biệt ở đây là người Do Thái không hoàn toàn vô vọng khi họ không thể đáp ứng mọi yêu cầu của luật pháp? Bạn có thể giúp gì cho những người không nhận biết họ là những tội nhân và tự cho mình là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời?

Sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta hiểu được tội lỗi của con người và đây chỉ là phần mở đầu của Phúc Âm mà ông rao truyền. Trước khi đi xa hơn, vị sứ đồ của chúng ta cẩn thận kết luận những gì mà ông trình bày về bản chất và tính phổ quát của tội lỗi. Ông kết luận rằng không chỉ người Do Thái mà cả Dân Ngoại đều là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời (câu 9). Từ "chẳng có" được lập đi lập lại cùng với những lời trích dẫn trong Thi-thiên nhấn mạnh cũng như hậu thuẫn cho lập luận của ông. Cụm từ "phục dưới quyền tội lỗi" mang ý nghĩa con người là nô lệ cho quyền lực của tội lỗi.

Việc mọi người ở dưới quyền lực của tội lỗi chứng minh cho lập luận của Sứ đồ Phao-lô trước đây là con người đã thất bại trong việc tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, không phải là hoàn toàn vô vọng khi con người không thể nào đáp ứng hết điều luật pháp đòi hỏi, bởi Đức Chúa Trời đã dự bị một phương cách cứu nhân loại ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Dù người Do Thái thất bại trong việc làm trọn luật pháp, chúng ta cũng cần nhận thức rằng luật pháp chẳng những giữ vai trò giúp chúng ta biết mình là tội nhân và mỗi người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình, chúng ta cũng nhận thức nhu cầu sâu xa của mình là cần đến sự tha thứ và được xưng công bình từ Đức Chúa Trời (câu 20).

Sứ đồ Phao-lô còn nói gì nữa? Ông nói rằng vì là tội nhân nên con người xa cách Đức Chúa Trời và không tìm kiếm Ngài (câu 11). Điều này không có nghĩa nơi sâu thẳm trong tấm lòng của tội nhân không hề có chút khao khát hay mong ước tìm cầu Đức Chúa Trời, nhưng có nghĩa khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là xoay khỏi Ngài hay chạy trốn Ngài như ông A-đam và bà Ê-va khi phạm tội đã chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời và ẩn trong bụi cây khi nghe tiếng Ngài (Sáng Thế Ký 3:8-10).

Vì sao khuynh hướng của tội nhân là xa lánh hay chạy trốn Đức Chúa Trời? Điều gì khiến bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời hơn là chạy trốn khỏi Ngài?

Lạy Chúa, con biết quyền lực của tội lỗi rất mạnh trên con, cảm tạ Chúa có kế hoạch cứu con thoát khỏi quyền lực tội lỗi, tha thứ tội lỗi, và xưng công chính để con ngày càng gần Chúa hơn.

(c) 2024 svtk.net