Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Cảm Thông và Tha Thứ

Công-vụ các Sứ-đồ 15:36-39

"Hỡi anh chị em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh chị em là người có Chúa Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại" (Ga-la-ti 6:1a).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giăng Mác đã phạm sai lầm nào? Ông Ba-na-ba có thái độ thế nào đối với ông Mác? Bạn học được điều gì từ cách cư xử của ông Ba-na-ba?

Được sự kêu gọi của Chúa Thánh Linh, ông Phao-lô và ông Ba-na-ba trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên cho thế giới. Trong chuyến truyền giáo lần đầu, họ đem theo ông Giăng cũng gọi là Mác, có lẽ thấy con đường phục vụ Chúa trả giá quá khó khăn, không như mình nghĩ, "ông Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem" (Công-vụ các Sứ-đồ 13:13), còn ông Phao-lô và ông Ba-na-ba vẫn tiếp tục hành trình. Sau ít lâu, ông Phao-lô bàn với ông Ba-na-ba về chuyến truyền giáo lần thứ nhì, ông Ba-na-ba muốn đem theo ông Giăng Mác, nhưng ông Phao-lô không đồng ý vì ông Giăng Mác đã bỏ cuộc lần trước, nên họ đã tách ra thành hai nhóm truyền giáo khác nhau: ông Ba-na-ba đem ông Mác, còn ông Phao-lô chọn ông Si-la.

Chúng ta luôn luôn thấy ông Ba-na-ba là người tạo điều kiện cho những người khác có cơ hội trở nên người phục vụ. Trước đó, ông Ba-na-ba đã tạo điều kiện cho ông Phao-lô, giờ đây tạo điều kiện cho ông Mác. Có thể thấy ông Mác trẻ người, non dạ, ông Ba-na-ba không để lòng về sự lầm lỗi của chàng. Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời đầy dẫy trong ông Ba-na-ba dạy cho ông việc tha thứ, và không nghĩ đến lỗi lầm trong quá khứ của người khác. Tác giả Thi-thiên 130:3 ghi rằng: "Kính lạy Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì Chúa ôi! Ai sẽ còn sống?" Vua Đa-vít cũng từng phạm tội trọng trước mặt Đức Chúa Trời, và khi kinh nghiệm sự tha thứ của Chúa, người viết: "Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi" (Thi-thiên 103:9-10).

Chúa Giê-xu biết trước việc ông Phi-e-rơ sẽ chối bỏ mình, nhưng Ngài nói với ông rằng: "Nhưng Ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh chị em mình" (Lu-ca 22:32).

Sự sai phạm là điều thường xảy ra cho chúng ta; nhận biết, nhạy bén về tội lỗi là điều cần phải làm, nhưng cố chấp lầm lỗi của người khác là điều cần phải tránh. Chính Đức Chúa Trời cũng phán rằng "Thật như Ta hằng sống, Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống" (Ê-xê-chi-ên 33:11a). Người Pha-ri-si muốn Chúa đồng ý trong việc ném đá người đàn bà phạm tội tà dâm bị bắt quả tang, nhưng Chúa Giê-xu lại chú trọng đến sự tha thứ và phục hồi, "Ta cũng không định tội ngươi, hãy đi, đừng phạm tội nữa" (Giăng 8:11).

Với tinh thần thông cảm và tha thứ của ông Ba-na-ba mà về sau ông Mác trở thành đứa con trong đức tin và là cộng sự viên đắc lực cho Sứ đồ Phi-e-rơ (1 Phi-e-rơ 5:13). Đồng thời cũng từ con người đã thất bại đó mà sách Phúc Âm Mác được viết ra. Nào ai đo được giá trị của sự tha thứ cho một người hôm nay, đem lại kết quả lớn lao dường nào trong cuộc đời người ấy ngày sau?

Bạn có lên án ai đó trong Hội Thánh mình mà không thể tha thứ được chăng? Bạn đã từng tha thứ lầm lỗi cho ai và thấy giá trị của sự tha thứ đó chưa?

"Lạy Chúa, xin dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời" (Trích lời bài Kinh Hòa Bình).

(c) 2024 svtk.net