Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

Quyền Năng Của Đức Chúa Trời Trong Sự Yếu Đuối Của Bạn

"Chúng tôi... dầu là yếu đuối trong Ngài, nhưng nhờ quyền phép Đức Chúa Trời thì cũng sẽ sống với Ngài, đặng làm việc giữa anh em."

II Cô-rinh-tô 13:4

"Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối."

II Cô-rinh-tô 12:9a

Đức Chúa Trời thích dùng những người yếu đuối.

Mọi người đều có những yếu đuối riêng. Trên thực tế, bạn có rất nhiều thiếu sót và bất toàn về thuộc thể, tình cảm, trí óc và thuộc linh. Có thể bạn gặp phải những hoàn cảnh khiến mình ra yếu đuối, chẳng hạn như những giới hạn về tài chánh hay các mối quan hệ. Vấn đề quan trọng hơn là bạn làm gì với những điều này. Thường thì chúng ta phủ nhận những yếu đuối của mình, che chở chúng, bào chữa cho chúng, che đậy chúng, và đau buồn vì chúng. Điều này ngăn trở Đức Chúa Trời sử dụng chúng theo cách Ngài muốn.

Đức Chúa Trời có một cái nhìn khác về những yếu đuối của bạn. Ngài phán, "Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu" (Ê-sai 55:9), cho nên Ngài thường hành động theo cách hoàn toàn trái ngược với điều chúng ta mong đợi. Chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời chỉ muốn dùng những điểm mạnh của mình, nhưng Ngài cũng muốn dùng những yếu đuối trong chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài nữa.

Kinh Thánh chép, "Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh" (I Cô-rinh-tô 1:27). Những yếu đuối của bạn không phải là tình cờ. Chúa có chủ đích khi đặt để chúng trong cuộc đời bạn nhằm bày tỏ quyền năng của Ngài qua bạn.

Đức Chúa Trời không hề ấn tượng bởi sức mạnh hay sự độc lập. Trên thực tế, Ngài yêu thích những người nào yếu đuối và thừa nhận điều đó. Chúa Giê-su đề cập đến việc này khi Ngài nhắc đến "lòng khó khăn." Đó là thái độ hàng đầu để Ngài ban phước.[i]

Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về việc Đức Chúa Trời thích dùng những con người bất toàn, bình thường để làm những điều phi thường, bất chấp những yếu đuối của họ. Nếu Chúa chỉ dùng những người hoàn hảo, thì không một công việc nào được làm trọn cả, vì không có ai trong số chúng ta là trọn vẹn. Đây là điều thật khích lệ cho mỗi chúng ta.

Sự yếu đuối, hay "giằm xóc" theo như Phao-lô gọi,[ii] không phải là một tội lỗi, một điều xấu xa hoặc sự thiếu sót của nhân cách mà bạn có thể thay đổi được, chẳng hạn như ăn quá nhiều hoặc thiếu kiên nhẫn. Sự yếu đuối là một giới hạn mà bạn thừa hưởng hoặc không có khả năng thay đổi. Đó có thể là một giới hạn về thể chất, chẳng hạn như tật nguyền, một căn bệnh kinh niên, kém sức, tê liệt. Nó cũng có thể là một giới hạn tình cảm, chẳng hạn một vết sẹo gây mặc cảm, một chuyện đau buồn, một tật xấu của cá tính, hoặc bất ổn do di truyền. Hay nó cũng có thể là một giới hạn về tài năng hay tâm trí. Tất cả chúng ta không có ai thuộc loại siêu hạng cả.

Khi nghĩ đến giới hạn trong cuộc đời mình, bạn có thể bị cám dỗ để kết luận rằng, "Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ dùng tôi." Nhưng Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi những giới hạn của chúng ta. Trên thực tế, Ngài thích tuôn đổ quyền năng của Ngài vào trong những bình chứa thông thường. Kinh Thánh chép, "Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi" (II Cô-rinh-tô 4:7). Giống như cái bình đất thông thường, chúng ta rất mong manh, không hoàn thiện và dễ vỡ. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng nếu chúng ta để cho Ngài vận hành thông qua những yếu đuối của chúng ta. Để được như vậy, chúng ta phải noi theo gương Phao-lô.

Hãy thừa nhận những yếu đuối của bạn. Hãy thừa nhận những bất toàn của mình. Đừng giả đò như bạn có đủ mọi sự, và hãy chân thật về chính bạn. Thay vì sống trong sự chối bỏ hoặc bào chữa, hãy dành thời gian xác định những yếu đuối của cá nhân bạn. Bạn có thể liệt kê ra thành một danh sách.

Có hai lời xưng nhận trong Tân Ước minh họa điều chúng ta cần để có đời sống khỏe mạnh. Lời xưng nhận đầu tiên là của Phi-e-rơ, người nói với Chúa Giê-su rằng, "Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống" (Ma-thi-ơ 16:16). Lời xưng nhận thứ hai là của Phao-lô, người nói với đám đông đang thờ hình tượng là, "Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi" (Công Vụ 14:15). Nếu bạn muốn Đức Chúa Trời sử dụng mình, bạn phải biết Ngài là ai và bạn là ai. Nhiều Cơ-đốc nhân, đặc biệt là những người lãnh đạo, quên đi lẽ thật thứ hai: Chúng ta chỉ là con người! Nếu cần phải có cả một cuộc khủng hoảng để giúp bạn thừa nhận việc này, thì Đức Chúa Trời không ngần ngại đâu, vì Ngài yêu thương bạn.

Hãy thỏa lòng với những yếu đuối của bạn. Phao-lô nói, "Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ" (II Cô-rinh-tô 12:9-10). Thoạt tiên điều này chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta muốn được thoát khỏi những yếu đuối của mình, chứ không phải thỏa lòng với chúng! Nhưng sự thỏa lòng là một biểu hiện của đức tin nơi sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Sự thỏa lòng nói rằng, "Chúa ôi, con tin rằng Ngài yêu thương con và biết điều gì tốt nhất cho con."

Phao-lô nêu cho chúng ta vài lý do để thỏa lòng với những yếu đuối bẩm sinh của mình. Trước tiên, chúng khiến chúng ta lệ thuộc vào Đức Chúa Trời. Nhắc đến sự yếu đuối của riêng mình, điều mà Chúa không chịu cất đi, Phao-lô nói, "Tôi khá vui mừng vì ‘cái giằm xóc' của mình... vì khi tôi yếu đuối, đó là lúc tôi mạnh mẽ-càng yếu đuối bao nhiêu, tôi càng lệ thuộc nơi Ngài bấy nhiêu" (II Cô-rinh-tô 12:10 bản LB-ND). Bất cứ khi nào bạn thấy yếu đuối, Đức Chúa Trời đang nhắc nhở bạn hãy lệ thuộc nơi Ngài.

Những yếu đuối của chúng ta cũng ngăn ngừa sự kiêu ngạo. Chúng khiến chúng ta phải khiêm nhường. Phao-lô nói, "Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỷ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo" (II Cô-rinh-tô 12:7). Đức Chúa Trời thường gắn sự yếu đuối lớn với sức mạnh lớn để kiểm soát bản ngã của chúng ta. Giới hạn có tác dụng như cái thắng, ngăn không cho chúng ta chạy quá nhanh và chạy trước Đức Chúa Trời.

Khi Ghi-đê-ôn tuyển 32,000 quân để đánh lại dân Ma-đi-an, Đức Chúa Trời cắt xuống chỉ còn 300 mà thôi, tức là 1 người sẽ chống lại 450 người trong số 135,000 quân thù. Có vẻ như đó là con đường dẫn đến thảm họa, nhưng Đức Chúa Trời đã làm như vậy để dân Y-sơ-ra-ên biết rằng chính quyền năng của Ngài, chứ không phải sức mạnh của họ, đã giải cứ họ.

Những yếu đuối của chúng ta cũng khích lệ mối thông công giữa các tín nhân. Trong khi sức mạnh làm sản sinh tinh thần độc lập ("Tôi không cần ai cả"), thì những giới hạn chứng thực chúng ta cần lẫn nhau biết bao. Khi chúng ta dệt những sợi tơ yếu đuối của cuộc đời mình lại thì sẽ được một sợi dây thừng chắc chắn biết bao. Vance Havner nói vui, "Các Cơ-đốc nhân, giống như bông tuyết, rất mong manh, nhưng nếu họ kết dính lại với nhau thì có thể làm kẹt xe."

Trong hầu hết các trường hợp, những yếu đuối làm tăng khả năng cảm thông và phục vụ của chúng ta. Chúng ta dễ dàng cảm thông và nghĩ đến những yếu đuối của người khác hơn. Đức Chúa Trời muốn bạn có một chức vụ giống Đấng Christ trên trần gian. Điều đó có nghĩa là những người khác sẽ tìm được sự chữa lành trong các vết thương của bạn. Sứ điệp lớn nhất của đời sống và chức vụ hiệu quả nhất của bạn sẽ ra từ những nỗi đau sâu sắc nhất. Điều mà bạn lo buồn, xấu hổ và ngại chia sẻ nhất chính là những công cụ Đức Chúa Trời có thể dùng một cách kỳ diệu nhất để chữa lành cho những người khác.

Giáo sĩ Hudson Taylor đã nói, "Tất cả những người khổng lồ của Đức Chúa Trời đều là những người yếu đuối." Yếu đuối của Môi-se chính là sự nóng nảy của ông. Nó khiến ông giết chết một người Ai Cập, đập hòn đá thay vì nói với nó, và đập vỡ Bảng Luật Pháp. Nhưng Đức Chúa Trời đã biến Môi-se thành "người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian" (Dân-số ký 12:3).

Yếu đuối của Ghi-đê-ôn là sự thiếu tự tin và những bất an sâu sắc, nhưng Đức Chúa Trời đã biến ông thành "người dõng sĩ" (Các quan xét 12:3). Yếu đuối của Áp-ra-ham là sự sợ hãi. Không phải một lần, mà tới hai lần ông đã bảo vợ mình là em gái để tự bảo vệ. Nhưng Đức Chúa Trời biến đổi ông thành "cha hết thảy những kẻ tin" (Rô-ma 4:11). Một người nóng nảy, kém ý chí như Phi-e-rơ lại trở thành "đá" (Ma-thi-ơ 16:18), tội nhân Đa-vít lại trở thành "người vừa lòng Chúa" (Công Vụ 13:22), và Giăng, một trong những người "Con Trai Của Sấm Chớp" đầy kiêu ngạo, đã trở thành "Sứ Đồ Của Tình Yêu."

Danh sách cứ tiếp tục dài mãi. "Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, thì không đủ thì giờ. Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn" (Hê-bơ-rơ 11:32-34). Đức Chúa Trời chuyên biến những yếu đuối thành sức mạnh. Ngài muốn biến đổi yếu đuối lớn nhất của bạn.

Hãy chân thật chia sẻ những yếu đuối của bạn. Chức vụ mới thường dễ bị tấn công. Bạn càng giảm thế phòng thủ, gỡ bỏ mặt nạ và chia sẻ về những tranh chiến của mình nhiều chừng nào, thì Đức Chúa Trời mới có thể dùng bạn để phục vụ những người khác nhiều chừng nấy.

Phao-lô nói đến việc này trong tất cả các thư tín của mình. Ông cởi mở chia sẻ về

Những thất bại của ông: "Tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn" (Rô-ma 7:19).

Những cảm xúc của ông: "Hỡi người Cô-rinh-tô, miệng chúng tôi hả ra vì anh em, lòng chúng tôi mở rộng" (II Cô-rinh-tô 6:11).

Những thất vọng của ông: "Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống" (II Cô-rinh-tô 1:8).

Những sợ hãi của ông: "Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm" (I Cô-rinh-tô 2:3).

Dĩ nhiên bày tỏ như vậy cũng khá mạo hiểm. Khi hạ thấp hàng phòng thủ xuống và để lộ cuộc đời mình cho người khác thấy, bạn thường lo sợ lắm. Khi bạn bày tỏ những thất bại, cảm nhận, thất vọng, và sợ hãi của mình, thì bạn có nguy cơ bị loại bỏ. Nhưng những lợi ích của nó xứng đáng để bạn mạo hiểm. Sự tự bày tỏ lại giải phóng bạn về phương diện tình cảm. Sự cởi mở giải tỏa căng thẳng, xoa dịu nỗi sợ, và là bước đầu tiên dẫn đến tự do.

Chúng ta đã biết rằng Đức Chúa Trời "làm ơn cho kẻ khiêm nhường," nhưng nhiều người lại hiểu sai sự khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là hạ thấp bạn xuống hay phủ nhận những điểm mạnh; mà nó có nghĩa là chân thật về những yếu đuối của bạn. Càng chân thật bao nhiêu, bạn càng nhận được nhiều ơn Chúa bấy nhiêu. Bạn cũng nhận được ơn từ những người khác nữa. Bày tỏ chỗ yếu là một phẩm chất khiến người khác yêu mến; chúng ta bị thu hút bởi những người khiêm nhường. Tính tự phụ đẩy đi xa nhưng lòng chân thật thì kéo lại gần, và sự bày tỏ chân thật là con đường dẫn đến gần gũi.

Đây là lý do tại sao Chúa muốn dùng những yếu đuối, chứ không phải những điểm mạnh của bạn. Nếu tất cả những gì người khác thấy là các điểm mạnh của bạn, họ sẽ chán nản và nghĩ, "Như thế thì tốt cho anh ta, nhưng mình thì chẳng bao giờ làm được chuyện đó." Nhưng khi họ thấy Chúa dùng bạn bất chấp những yếu đuối, thì điều đó khích lệ họ nghĩ rằng, "Có thể Chúa cũng sẽ dùng mình nữa!" Những điểm mạnh của chúng ta tạo ra sự cạnh tranh, nhưng những yếu đuối thì tạo ra một cộng đồng.

Đến thời điểm này của cuộc đời, bạn cần phải quyết định xem bạn muốn gây ấn tượng trên người khác hay ảnh hưởng họ. Bạn có thể gây ấn tượng cho người khác từ xa, nhưng bạn phải lại gần để ảnh hưởng họ, và khi bạn làm như vậy, họ sẽ có thể thấy được những khuyết điểm của bạn. Chuyện đó không sao cả. Phẩm chất quan trọng nhất để lãnh đạo không phải là sự toàn hảo bèn là sự tín nhiệm. Người khác cần phải tin bạn, nếu không thì họ không đi theo đâu. Bạn gây dựng sự tín nhiệm của mình bằng cách nào? Không phải bằng cách giả bộ hoàn hảo, bèn là bằng lòng chân thật.

Vinh hiển trong những yếu đuối của bạn. Phao-lô nói, "Về người đó, tôi sẽ khoe mình; nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi" (II Cô-rinh-tô 12:5). Thay vì làm ra vẻ như mình tự tin và vô địch, hãy xem bạn như một chiến lợi phẩm của ân điển. Khi Sa-tan chỉ vào những yếu đuối của bạn, hãy đồng ý với hắn và dâng lời ngợi khen Đức Chúa Giê-su, Đấng "hiểu mọi yếu đuối của chúng ta" (Hê-bơ-rơ 4:14 bản CEV-ND), và Đức Thánh Linh, Đấng "giúp cho sự yếu đuối chúng ta" (Rô-ma 8:26a).

Tuy nhiên, có đôi khi Chúa biến một điểm mạnh thành yếu đuối để sử dụng chúng ta nhiều hơn nữa. Gia-cốp là người có nhiều mánh khóe và mất cả đời để chạy trốn khỏi những hậu quả. Một đêm nọ, ông vật lộn với Chúa và nói, "Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi." Chúa đáp, "Được rồi," nhưng Ngài đã đánh vào xương hông Gia-cốp và làm ông bị trặt (Sáng-thế ký 32). Điều đó có ý nghĩa gì?

Đức Chúa Trời đụng vào chỗ mạnh của Gia-cốp (cơ hông là nơi mạnh nhất trong thân thể) và biến nó thành điểm yếu. Từ ngày đó trở đi, Gia-cốp phải đi khập khiễng để ông không còn chạy được nữa. Điều đó buộc ông phải nhờ cậy Đức Chúa Trời dù ông có muốn hay không. Nếu muốn Đức Chúa Trời ban phước và sử dụng, bạn phải sẵn sàng bước đi khập khiễng cả phần đời còn lại vì Đức Chúa Trời dùng những người yếu đuối.

Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi

Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời vận hành tốt nhất trong sự yếu đuối.

Câu Gốc: "Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối." II Cô-rinh-tô 12:9a

Câu Hỏi Suy Gẫm: Có phải tôi đang giới hạn quyền năng của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình bằng cách che đậy những yếu đuối của tôi không? Tôi cần phải chân thật về điều gì để giúp đỡ những người khác?