Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Đồng Tâm Tình Như Đấng Cơ Đốc

Phi-líp 2:1-11

"Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Cơ Đốc" (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu chứng tỏ bản tính Đức Chúa Cha ở trong Ngài như thế nào? Chúa Giê-xu được Đức Chúa Cha tôn cao thế nào? Tại sao? Sứ đồ Phao-lô kêu gọi các tín hữu Phi-líp sống như thế nào? Đồng một tâm tình như Đấng Cơ Đốc có nghĩa gì? Làm thế nào để có được sự hiệp một bền vững trong Hội Thánh của bạn?

Có thể trong Hội Thánh Phi-líp có sự chia rẽ nên Sứ đồ Phao-lô kêu gọi các tín hữu ở đây hiệp một với nhau và luôn đặt người khác trước mình. Nhưng động cơ nào giúp cho các tín hữu hiệp một với nhau? Đấng Cơ Đốc là động cơ mạnh mẽ hơn hết. Nếu chúng ta ở trong Đấng Cơ Đốc chúng ta có thể sống và cùng làm việc với nhau trong tình yêu của Ngài. Những động cơ khác là sự thông công trong Chúa Thánh Linh, sự vui mừng trong Đấng Cơ Đốc cùng những ước muốn tốt lành đã đem chúng ta lại gần nhau và liên kết chúng ta lại trong thân thể của Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phao-lô nêu lên mục tiêu để tín hữu Phi-líp và cả chúng ta nhắm tới: Một tình yêu, một tâm tư, nghĩ đến người khác, chăm sóc lẫn nhau. Khi đau khổ ta tìm đến Chúa và đến nhau để làm nhẹ nỗi buồn khổ, đừng chăm về lợi riêng mà phải chăm về lợi của người khác. Chúng ta chỉ làm được những điều đó khi học và sống với tâm tình của Đấng Cơ Đốc.

Tâm tình của Đấng Cơ Đốc mà Sứ đồ Phao-lô muốn chúng ta biết và sống trong phân đọan này: Chúa Giê-xu luôn luôn hạ mình, dù Ngài là Chúa, Ngài vẫn hạ mình làm người trần tục. Không phải là người bình thường mà là đầy tớ. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động. Vua trên muôn vua lại chịu làm một người hết sức bình thường. Ngài bằng lòng chịu đau thương, chịu chết nhục nhã, đau đớn trên cây thập tự (câu 6-8). Ngài bỏ hết mọi sự để nhận lấy mọi đau khổ cuœa bạn và tôi. Ngài là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mình, chịu lấy thập tự, khinh điều sỉ nhục,... (Hê-bơ-rơ 12:2) Ngài chịu khổ nhục như thế là vì vinh quang của Đức Chúa Cha và để cứu chuộc chúng ta. Lễ Giáng Sinh đánh dấu cho khởi đầu của đời sống một tôi tớ phục vụ con người, rồi cuối cùng chết trên cây thập tự. Mỗi lần kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, chúng ta thích nhắc đến máng cỏ, ngôi sao đông phương, các anh chăn chiên, ba nhà thông thái... nhưng ý nghĩa đích thực sự giáng trần của Con Trời là tại thập tự giá. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa qua mọi thời đại mang tinh thần Giáng Sinh mỗi ngày, tinh thần phục vụ như Đấng Cơ Đốc (câu 5).

Những đầy tớ trung tín rồi sẽ được Chúa ban phước và được tôn cao. Chúa Giê-xu được đặt ngồi trên ngai bên hữu Chúa Cha (câu 9-11). Danh Ngài được tôn cao trên hết mọi danh và một ngày kia, mọi người sẽ quỳ xuống khi nghe danh Ngài được xướng lên (câu 10). Những Cơ Đốc nhân đắc thắng cũng được hứa ban cho những vinh dự như thế và được ngồi cùng Đấng Cơ Đốc trị vì đời đời (Khải-huyền 3:21; 22:5).

Hôm nay khi suy ngẫm về sự hạ mình, giáng trần của Con Trời, hãy nghĩ đến lời kêu gọi sống cho Chúa, cho tha nhân của Sứ đồ Phao-lô: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Cơ Đốc đã có,... Ngài tự bỏ mình đi,... vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự..." Bạn có tâm tình từ bỏ, hạ mình như Đấng Cơ Đốc không? Bạn có cam kết ra đi chia sẻ tâm tình của Đấng Cơ Đốc cho người khác để họ cũng có sự vui mừng và bình an không? Đó là niềm vui thật của lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.

Lạy Chúa, xin tiếp tục biến đổi tấm lòng con. Xin giúp con biết tập tành đức khiêm nhường để phục vụ tha nhân tích cực hơn bắt đầu từ mùa Giáng Sinh này.

(c) 2024 svtk.net