Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Từ Chỗ Thấp Đến Nơi Cao

Thi-thiên 139:7-8

"Nếu tôi lên trời, Ngài đang ở đó; nếu tôi nằm dưới âm phủ, kìa, Ngài cũng có ở đó" (câu 8, BDM)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao ông Đa-vít lại nói Đức Chúa Trời thấy ông trong âm phủ? Chốn trời cao hay chốn âm phủ có ý nghĩa gì khác không? Chúng ta có đang ở chốn cao hay nơi thấp nào hiện giờ không? Những lúc đó Đức Chúa Trời đang ở đâu?

Trong quan điểm hiểu biết của người xưa, đất là một mặt phẳng và trời chẳng khác nào như một cái lồng bàn thật lớn phủ lên trên. Trời là chỗ cao nhất con người có thể đến và âm phủ là nơi thấp nhất con người có thể đi vào. Ông Đa-vít nhận thức rằng quyền tể trị của Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, dù là trên trời cao, hay trong sâu thẳm tận chốn âm phủ.

Sau thế chiến thứ nhì, nước Anh nắm quyền thống lĩnh hầu như cả thế giới, nên người ta nói rằng ‘mặt trời không hề lặn trên vương quốc Anh.’ Câu nói đó mô tả sự hiện diện của người Anh từ đông sang tây. Cho nên khi ông Đa-vít nói, dù lên trời hay ở trong âm phủ ‘Ngài cũng có ở đó’, ông không nhắm đến nơi cư trú của Chúa, nhưng nói về quyền tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài cầm quyền trên tất cả mọi nơi chốn, vì vậy không ai có thể trốn thoát Ngài được.

Ông Đa-vít luôn nhận biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên mình cho dù cuộc đời ông đang ở trên đỉnh cao của danh vọng quyền thế, hay vùi sâu trong sỉ nhục khinh hèn. Đâu là đỉnh cao của ông Đa-vít? Đỉnh cao đó là khi tuổi còn niên thiếu với một cái trành ném đá trong tay, ông Đa-vít hạ được kẻ thù khổng lồ Gô-li-át đang làm tê liệt cả đạo binh của Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 17:50); đỉnh cao đó là "Hễ khi nào Vua Sau-lơ sai Đa-vít ra trận, Đa-vít đều thắng, cho nên Vua Sau-lơ đặt chàng chỉ huy quân đội chinh chiến" (1 Sa-mu-ên 18:5); đỉnh cao đó là nhiều lần có cơ hội giết Vua Sau-lơ nhưng ông Đa-vít vẫn kính sợ Đức Chúa Trời mà tha thứ (1 Sa-mu-ên 24; 26); đỉnh cao đó là khi Đức Chúa Trời loại bỏ Vua Sau-lơ và đặt lời hứa lập ông trên ngôi, làm tướng chăn dân Ngài (2 Sa-mu-ên 7:18-29)... Trong những lúc ngồi trên đỉnh cao đó, ông Đa-vít nhận biết Đức Chúa Trời nắm quyền tể trị mà ban ơn cho mình.

Nơi thấp của ông Đa-vít là đâu: đó là khi chạy lưu lạc cách khốn khổ vì Vua Sau-lơ săn đuổi (1 Sa-mu-ên 22; 23; 24); đó là khi con trai ông là Am-nôn làm nhục nàng Ta-ma, em cùng cha khác mẹ (2 Sa-mu-ên 13); đó là khi ông bị Áp-sa-lôm làm phản và rượt đuổi phải trốn vào nơi đồng vắng (2 Sa-mu-ên 15); đó là khi người đầy tớ hèn hạ Si-mê-ôn dám cất tiếng sỉ nhục vua và hất cả bụi đất lên đầu (2 Sa-mu-ên 16:5-10)... Ngay trong những sa cơ cùng cực, ông Đa-vít vẫn nhận rõ quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên đời mình.

Lúc nào là lúc chúng ta gặp thời? Phải chăng khi chúng ta được tập thể tin cậy và giao cho một công tác, ủy thác một trách nhiệm, đắc cử vào một chức vụ quan trọng nào đó trong Hội Thánh hoặc cộng đồng... Lúc nào là lúc chúng ta thất thế? Phải chăng là lúc mình bị khước từ, bị bỏ rơi, bị bắt bớ, bị sỉ nhục, bị mất tin cậy. Vinh quang của chúng ta phải chăng là lúc mình giàu có, khỏe mạnh, quyền thế... Thất bại của chúng ta phải chăng là lúc mình nghèo hèn, tật bệnh, tứ cố vô thân... Điều quan trọng là chúng ta có thấy được quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh cuộc đời mình không? Chúng ta có dám tin tưởng rằng "mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời" như Lời Chúa dạy (Rô-ma 8:28) không?

Bạn có thái độ kiêu hãnh khi được người khác tôn trọng, ỷ lại khi mình giàu có hoặc bất mãn khi bị khinh thường, càm ràm lúc mình thiếu thốn không? Bạn có tin vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi lúc, mọi khía cạnh trên cuộc đời bạn không?

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì lòng ngu dốt không nhận thấy quyền tể trị của Ngài, nên đã có những lúc phản ứng và cách xử sự của con thật sai lầm. Xin giúp con nhớ rằng Ngài vẫn tể trị trong mọi lúc thịnh hay suy của cuộc đời con.

(c) 2024 svtk.net