Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Thánh-linh Ban Ân Tứ Trang Bị Hội-thánh.

"Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ. Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Và ban các ơn cho loài người. Vả, những chữ "Ngài đã lên" có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự. Aáy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc," (Ê-phê-sô 4:1-14).

Chính Đức Thánh Linh khai sinh ra hoạt động của Hội-thánh. Ngài cung cấp sức mạnh cho việc hoạt động, làm cho chúng ta hết hổ thẹn và giúp chúng ta dạn dĩ phục vụ Chúa, Ngài mở lòng những người mà chúng ta truyền rao sứ điệp để họ có thể chấp nhận. Người nào đã tin Chúa đều nhận Thánh-linh cả, và được Thánh-linh đổi mới. Mỗi người tin Chúa nhận được Thánh-linh như một đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành công việc tái tạo và biến đổi cho họ. Mỗi người tin Chúa là đã được Thánh-linh báp-tem nên là người của Chúa Cứu-thế và thuộc về nhau trong tập thể người tin Chúa. Mỗi người tin Chúa lại được kêu gọi làm người phục vụ Chúa cứu đồng bào trong quyền năng mà Thánh-linh ban cho họ.

Người tin Chúa không có cùng một trách vụ Chúa giao. Chúng ta đã ví sánh tập thể người tin Chúa như các nhạc sĩ trong một giàn nhạc khổng lồ, trong đó mỗi người chơi một nhạc cụ dưới sự điều khiển của nhạc trưởng là Chúa Giê-xu, Đấng chọn bài nhạc và định ra nhịp của bài nhạc trình bầy. Hội thánh cũng như một chân thể, mỗi chi thể có phận sự riêng, tuy nhiên cùng làm việc để đem lợi ích chung.

Sự Hợp Nhất của Công việc Thánh-linh

Hợp nhất và dị biệt là hai chủ đề đi sat nhau khi nào ta nghe nói về ân tứ của Thánh-linh. Li tâm là một trong những định luật mạnh nhất của đời sống. Một nhà thờ, một gia đình, một cơ quan, đều luôn luôn có nguy cơ là xa lìa nhau. Giống như những vòng đĩa quay trong một trò chơi của gánh xiếc. Với vận tốc quay của mỗi đĩa, với độ trơn của mặt đĩa và độ cong của nó, rất dễ làm cho người ngồi trên đó bị trơn tuột ra ngoài.

Ở lại kết hợp với nhau đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng khi các thế lực tự nhiên của đời sống hoạt động mạnh để chia rời chúng ta. Không ai làm sao kết hợp được những phe phái trong một hội thánh; không ai ngăn chặn nổi các nỗ lực chia rẽ trong hội thánh, tạo ganh đua, chia rẽ người này với người khác hay bàn kế hoạch chống lại mục sư. Các điều tai hại này dễ xẩy ra. Vì hợp nhất đòi hỏi làm việc và nỗ lực, không những nơi chúng ta mà chính là nơi Thánh-linh.

Sứ đồ Phao-lô đã phân tích rõ cho các tín hữu tại Ê-phê-sô ngày xưa trong lời kêu gọi hợp một như sau:

Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Hợp nhất đòi hỏi phải làm việc, phải cố gắng. Các tính như hạ mình, nhu mì, kiên nhẫn đều không bẩm sinh, mà phải tập tành, vun xới. Không có các đức tính này thì không sao thành hình hợp nhất được. Trong hội thánh nếu một người có bản lĩnh, có thể lấn át người khác, khiến cho người ấy không sao phát triển khả năng được. Những cá nhân hay nhóm người có thể dùng ý chí mà đàn áp phe chống đối. Kết quả có thể là chấm dứt xung khắc, đình chiến. Nhưng như thế không phải là hợp nhất mà cũng chẳng tạo được hòa khí nào.

Thánh-linh sống trong mỗi người tin Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta phải hợp nhất, và cho chúng ta khả năng để đáp ứng tiếng gọi này. Thánh-linh giúp chúng ta dẹp bỏ đi tính sợ seat, ích kỷ, hiếu thắng, để chúng ta có thể kết hợp với nhau "trong sợi giây hòa bình".

Sứ đồ Phao-lô không những kêu gọi hợp nhất, nhưng ông còn vạch ra căn bản của sự hợp nhất nữa. Ông dạy:

Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người.

Hội thánh giống như một tấm lưới đánh cá, kết chặt với nhau bằng những mối nối. Thánh-linh sống trong người tin Chúa nối kết mọi người lại trong một thân thể. Vì vậy hội-thánh chỉ một Chúa, một đức tin, nghĩa là chỉ có một nền thần học căn bản. Những người tin Chúa đều là con của một Cha, chịu báp-tem bởi một Thánh-linh, chờ đợi một hi vọng – tức là hi vọng được ở với và giống như Chúa Cứu-thế.

Với căn bản hợp nhất nhu thế, tất cả những gì có thể chia rẽ người tin Chúa phải gait sang một bên như những điều vụn vặt không đáng bàn. Khác biệt về bề ngoài hay quan điểm, trong ước muốn hay thái độ, trong văn hóa hay phong tục, trong tài năng hay khả năng, trong chủng tộc hay phái tính, đều phải gạt ra trong danh Chúa Giê-xu và sự hợp nhất. Hợp nhất là việc làm của Đức Thánh Linh.

Sự dị biệt của ân tứ Thánh-linh

Sự hợp nhất tâm linh không phải là đồng dạng, nghĩa là mọi người đều suy nghĩ, làm việc như nhau cả. Thánh-linh không biến đổi chúng ta thành những rô-bô đâu. Thánh-linh cho chúng ta những tài năng hay ân tứ mà Chúa Giê-xu muốn chúng ta có, do từ sự chiến thắng của Ngài đối với tội ác và sự chết đem lại. Phao-lô dạy: "Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ." (Ê-phê-sô 4:7). Nghĩa là qua Thánh-linh, Chúa Giê-xu trang bị cho mỗi chúng ta đầy đủ để đóng một vai trò trong chương trình phục vụ nhân loại của Ngài. Vì Ngài đã trở về ngôi chủ tể vũ trụ vạn vật, Ngài có quyền ban bất cứ ân tứ nào cho người nào mà Ngài muốn. Chúa Giê-xu theo Phao-lô khác nào như một vị vua chiến thắng, chia của cướp được cho bề tôi lúc trở về nước. Hơn nữa, vì Con Đức Chúa Trời đã từng vào cuộc đời nhân loại, nên biết chúng ta có những nhu cầu nào. Chúa không xa lạ gì đối với những việc thù ghét và kỳ thị của người đời mà người phục vụ Chúa phải gặp. Ngài đã từng bị đối xử như vậy và Ngài biết chúng ta cần gì để ứng phó. Qua kinh nghiệm do từ việc hạ mình làm người của Chúa và quyền năng do từ việc Ngài được tôn vinh, Chúa Giê-xu đã biết ân tứ nào cần cho người của Ngài trên đất.

Có bốn ân tứ được nêu lên trong phân đoạn Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:11: "Aáy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ,…"Hội thánh, thân thể của Chúa là một, nhưng người phục vụ Chúarất đa dạng:

Sứ đồ là những người sáng lập ra hội-thánh, những người mà chính Chúa Giê-xu lựa chọn để làm sứ giả đặc biệt của Ngài. Họ là những người chứng kiến việc Chúa hi sinh và phục sinh (1 Cô-rinh-tô 9:1). Họ cũng là người được Chúa kêu gọi đặc biệt để ghi nhớ các công việc Chúa đã thực hiện và thấu hiểu lời dạy của Ngài.

Họ là những người trung gian giữa Chúa Giê-xu và các thế hệ theo Chúa sau này. Việc Chúa kêu gọi họ không căn cứ trên khả năng của họ mà hoàn toàn do ân tứ của Ngài. Thành công của họ không do tài năng đảm bảo, mà do quyền năng của Thánh-linh. Họ là những người vạch ra đường hướng cho hội thánh. Họ bảo vệ và công bố đức tin chân chính. Trong quyền năng của Thánh-linh, họ đã nhớ lại, ghi lại và minh giải lời nói và việc làm của vị Thầy kính yêu.

Họ là những người duy nhất. Họ đã có mặt lúc khởi đầu để thành lập giáo hội và họ đã thành công. Họ là ân tứ của Chúa ban cho hội-thánh để hướng dẫn hội-thánh cho đúng hướng. Được Thánh-linh ban khôn ngoan và quyền năng, họ đã nhân danh Chúa Giê-xu viết, nói và hành động.

Họ có thẩm quyền rất cao, nhưng không có quyền trao thẩm quyền đó cho ai cả. Phao-lô là sứ đồ, nhưng Ti-mô-thê và Tít lại không phải. Sứ đồ là những người đã đưa con thuyền ra khơi. Kể từ khi ấy không có ai làm công việc như họ, vì họ đóng vai trò không thể thay thế được.

Tiên tri cũng là những người hoạt động từ ban đầu. Trước khi Kinh Thánh hoàn tất, các nhà tiên tri đã được Thánh-linh hướng dẫn để diễn giải ý nghĩa của đức tin nơi Chúa và kêu gọi mọi người vâng phục Chúa và đặt lòng tin nơi Ngài. Cũng như các vị tiên tri thời Cựu Ước, các nhà tiên tri của Giáo hội được Chúa ban cho những sứ điệp đặc biệt – những sứ điệp báo trươc về việc tươnglai, nhưng thường là công bố sứ điệp về Chúa với tất cả thẩm quyền và sức mạnh. Khi bộ Kinh Thánh Tân ước hoàn tất thì các lời tiên tri coi như không cần mấy nữa. Việc của các tiên tri nay chuyển sang cho các nhà truyền giảng Tin Lành hay các giáo sư.

Các nhà truyền giảng Tin lành là các người truyền đaọ di động. Công việc chính của các vị này là công bố về tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Họ có thể là các giáo sĩ đi truyền giáo, hay những người truyền đạo đi từ làng này sang làng khác nói về Chúa cho đồng bào.

Mục sư và giáo sư là những người giúp cho tín hữu không đi lạc đàn, nuôi chiên cho sống vững mạnh. Hai nhiệm vụ giảng dạy và chăm sóc đi đôi với nhau. Dạy là một trong những phương pháp chăn chiên. Việc dạy thực tế khi người dạy tiếp xúc với mọi người và tìm ra nhu cầu của họ.

Thánh-linh được sai đến để bảo đảm là Giáo-hội của Chúa thực hiện đúng công việc mà Thầy hoạch định ra. Giáo-hội vẫn tồn tại và phát triển khắp hoàn vũ, nhưng không phải ngẫu nhiên và hoàn toàn do quyền năng của Thánh-linh. Đây là điều mà người không tin Chúa không thể nào lý giải được, vì họ không bao giờ biết đến năng quyền của Thánh-linh.

Mục đích của các ân tứ Thánh-linh

Xin giải thích chữ ân tứ vì có thể các bạn không rõ lắm. Aân tứ là tài năng hay khả năng Thánh-linh ban cho một người để phục vụ nhân loại nhân danh Chúa Giê-xu.

Ân tứ được ban cho ai đều có mục đích cả. Ê-phê-sô 4: 12 nêu rõ: "…để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ,…". Người tin Chúa cần được trang bị để sống, tăng trưởng và phục vụ. Người lãnh đạo phải đặt thành mục tiêu như thế trong công tác trang bị tín hữu. Công tác mục vụ – tức là đủ loại phục vụ tâm linh, tù việc truyền giảng Tin lành cho đến công tác xã hội – cứ tiếp tục. Người lãnh đạo có ân tứ do ân sủng Chúa ban, phải giúp con dân Chúa trong hội thánh tiến lên trong nhiệm vụ. Thân thể Đấng Christ phải lớn mạnh về số cũng như về tầm cỡ tâm linh. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là khuyến khích mức tăng trưởng này.

Nhưng tín hữu trong một hội thánh không phải là khán giả. Họ phải là người tham gia hoạt động. Họ đã được Chúa kêu gọi để tham gia và tăng cường đức tin cho người khác. Họ phải được huấn luyện và tham gia như trong các môn thể thao. Không ai ngồi xem, mà tất cả đều là đấu thủ, cầu thủ. Tất cả đều ra sân, tham gia vào cuộc đấu, và tranh đấu để giành chiến thắng.

Ê-phê-sô 4:13,14 dạy: "cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc," Đây là mục đích của chúng ta. Cảm ơn Thánh-linh đã ban ân tứ cho mỗi chúng ta. Nhưng mỗi chúng ta phải làm nhiệm vụ của mình, như thế mới xứng đáng là người tin và biết Chúa.