Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Đức Thánh Linh Đem Đến Thời Đại Mới

" Chúng tôi há lại bắt đầu tự phô mình, hay là như người khác cần có thơ gởi gắm cho anh em, hoặc nhờ thơ gởi gắm của anh em sao? Aáy chính anh em là thơ gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc. Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em. Nầy là sự tin chắc của chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có trong Đức Chúa Trời: không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời; và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống. Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm, phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao! Vậy, nếu chức vụ về sự định tội còn được vinh hiển, thì chức vụ về sự công bình được vinh hiển hơn bội phần. Vả lại, cái điều được vinh hiển trong chức vụ thứ nhất biến đi bởi sự vinh hiển rất cao hơn của chức vụ thứ nhì; vì nếu sự phải qua đi còn có lúc vinh hiển thay, phương chi sự bền ở sẽ có vinh hiển dường nào nữa! Vậy, chúng ta có sự trông cậy dường ấy, nên được rất tự do, chúng ta chẳng làm như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự sáng láng phải qua. Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi. Aáy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ. Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi. Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó. Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh". (2 Cô-rinh-tô 3:1-18).

Trong Hội-thánh đầu tiên thường có những giáo sư giả theo chân các sứ đồ để cố lợi dụng đức tin đơn sơ của các tính hữu mới tin. Những kẻ giả mạo này thường nói rằng họ được các sứ đồ ủy nhiệm và trưng bày cả thư giới thiệu nữa (2 Cô-rinh-tô 3:1). Nhưng tai hại là các kẻ giả mạo thường thêm bớt vào lời dạy của các sứ đồ, thí dụ như họ bảo phải tuân giữ cho sát luật lệ thời Cựu Ước về ăn uống, ăn mặc, lễ nghi, lễ hội và lễ cắt bì. Những lệ luật hình thức này nhiều khi các tân tín hữu bị lôi cuốn. Nghĩ rằng làm vậy là Chúa vui lòng – như tự kiềm chế, điều hòa đời sống, dâng tế lễ đều đặn v.v. Làm như thế là không quý trọng Phúc Âm hay Tin Mừng mà chỉ quan trọng hóa những gì đưa đến Phúc Âm. Cũng như khi một đứa trẻ nhận quà, mới đầu còn thích, về sau đồ chơi đem cất đi mà chỉ chơi cái hộp đựng quà hay giấy gói quà. Lời khuyên của sứ đồ là: "Đừng đổi quà lấy giấy gói quà! Đừng lầm vật bên trong với cái hộp đựng nó!" Luật lệ mà Chúa ban với mọi chi tiết cho mọi mặt của cuộc sống là để chuẩn bị cho Phúc Âm, cho Tin Mừng. Khi Chúa Cứu-thế xuất hiện, Ngài đưa mọi người vào thế hệ mới. Luật lệ chỉ thay đổi bề ngoài, nhưng Thánh-linh biến cải bên trong. – và đó là phương cách mới của Chúa.

Các giáo sư giả mạo chính họ đã bị lừa dối và lại đi lừa dối kẻ khác. Sứ đồ Phao-lô và các sứ đồ chân chính khác là: " và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống." (2 Cô-rinh-tô 3:6).

Sứ đồ Phao-lô còn cho thấy tương phản của những gì các giáo sư giả mạo dạy và phương cách mới mà ông áp dụng:" Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm, phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao! (2 Cô-rinh-tô 3:7,8).

Ta cũng nên nhớ rằng thời Cựu ước cũng là thời rất huy hoàng. Chúa hành động trong suố thời ấy. Chính Chúa đã ban luật pháp, hiện ra cho Môi-se gặp, hướng dẫn lịch sử của Do-thái. Cảnh tượng núi Si-nai lúc ấy thật huy hoàng. Sau khi Chúa gặp Môi-se, ông quay xuống mặt sáng ngời phản chiếu vinh quang của Chúa.

Nhưng trong kế hoạch mới của Chúa cũng huy hoàng không kém. Đó là sự ban phát Thánh-linh. Khác với luật pháp của giao ước cũ mà sứ đồ Phao-lô gọi là sự ban phát sự chết. Luật lệ không có gì là hư xấu, nhưng luật đệ đem đến phán xét vì con người không tuân giữ nổi. Mà phán xét tội là đưa đến cái chết.

Điểm hấp dẫn của luật Cựu Ước là biểu lộ ý chỉ của Chúa. Nhưng phương pháp mới là Thánh-linh ban cho quyền năng để thực hành ý chỉ của Chúa. Phương pháp đó là phương pháp đưa đến sự sống.

Thời Đại Tha Tội

Sứ đồ Phao-lô vạch ra một số điểm khi ông so sánh phương cách cũ và phương cách mới. Thí dụ như sự lên án kết tội của Cựu Ước tương phản với sự công chính thánh thiện của Tân Ước: " Vậy, nếu chức vụ về sự định tội còn được vinh hiển, thì chức vụ về sự công bình được vinh hiển hơn bội phần. (2 Cô-rinh-tô 3:9).

Luật pháp chỉ có một nhiệm vụ là kết tội, lên án kẻ phạm tội. Tiêu chuẩn của luật pháp hoàn toàn minh bạch. Con người hoặc yếu đuối hay cố tình đã vi phạm luật và kết quả là bị kết tội. Luật pháp làm cho tội gia tăng, nó vạch ra ai là kẻ phạm tội, nó trở thành cơ quan định tội.

Tương phản, Thánh-linh áp dụng sự công chính thánh thiện của Chúa Cứu-thế cho cuộc đời chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến chỗ nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời; nghĩa là sự tha thứ thiêng liêng cao cả. Thời đại hệ của Thánh-linh, phương pháp hoạt động của Ngài, là thời đại tha thứ.

Lựa chọn bên nào? Một đằng là nhà tù sang trọng nhất của trần gian, đằng kia là ân huệ tha thứ hoàn toàn. Dĩ nhiên là không ai dại gì vào nhà tù sang, mà chắc chắn ai cũng đến với Chúa Giê-xu để được tha thứ hoàn toàn. Sự công chính thánh thiện của Chúa Giê-xu đã làm ta được vô tội trước mắt Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta bằng lòng xưng nhận tội lỗi đã phạm, thì Chúa thành tín và công chính thánh thiện sẽ tha cho và làm sạch mọi gian ác còn lại trong đời ta.

Thời Đại Tồn Tại

Một trong những đặc điểm làm cho công việc Thánh-linh trở thành quan trọng hơn, là tính chất tồn tại. Sứ đồ Phao-lô viết: " Vả lại, cái điều được vinh hiển trong chức vụ thứ nhất biến đi bởi sự vinh hiển rất cao hơn của chức vụ thứ nhì; vì nếu sự phải qua đi còn có lúc vinh hiển thay, phương chi sự bền ở sẽ có vinh hiển dường nào nữa!" (2 Cô-rinh-tô 3: 10-11).

Thí dụ như ta đến núi Si-nai ngày nay, ta thấy ngọn núi vẫn hùng vĩ, nhưng vinh quang thời xưa chẳng còn. Tiếng phán của Chúa không phát ra và Môi-se cũng đã chết tự lâu đời.

Nhưng tương phản là Hội-thánh, một xã hội của thời đại mới, do Thánh-linh xây dựng nên. Vào trong Hội-thánh, ta sẽ thấy con dân Chúa thờ phượng và phụng vụ, cầu nguyện và hoạt động. Trong những con người này ta thấy vinh quang của Chúa vẫn rạng ngời như bao giờ. Chúa đã chia sẻ vinh quang của Ngài vẻ huy hoàng vĩnh hằng của Ngài cho Hội-thánh.

Thời Đại Tự Do

Sứ đồ Phao-lô còn nhiều điều khác để nói về thời đại mới mà Thánh-linh đem đến. Một trong những điều đó là tự do. Đây là tự do hưởng sự tương giao với Đức Chúa Trời, đây là một trong những ân tứ lớn nhất của thời đại này. Tại đây tác giả lại đưa ra điểm tương phản giữa thời đại cũ xưa và thời đại mới. Lĩnh tụ Môi-se ngày xưa đã phải lấy một tấm màn che mặt lại vì vinh quang của Chúa chiếu quá rạng ngời đến nỗi chính mặt ông sau đó cũng vẫn còn phản chiếu.( 2 Cô-rinh-tô 3:7). Tấm màn này cũng ngăn không cho người dân Ít-ra-ên lúc ấy thấy mặt ông mờ dần đi sau khi ông từ núi Si-nai xuống. Đối với sứ đồ Phao-lô thì tấm màn ấy là biểu tượng về việc người Ít-ra-ên không có khả năng hiểu được công việc của Chúa là như thế nào. " Aáy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ. Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi. Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó." (2 Cô-rinh-tô 3:15-17).

Vinh quang của Chúa quá rạng rỡ đối với con người, ngay cả khi được phản ánh trên gương mặt của Môi-se đi nữa, cũng là quá sáng chói, không ai có thể nhìn được. Tương tự như thế, hiểu được Chúa là ai và Ngài làm những việc gì là điều vô cùng khó nếu Thánh-linh của Đức Chúa Trời không giải phóng tâm trí chúng ta.

Khi Thánh-linh làm việc ấy, chúng ta mới có tự do hưởng tương giao với Đức Chúa Trời và hiểu được các mục đích của Ngài. Chúng ta khi tin nhận Chúa Giê-xu thì được tiếp cận với Đức Chúa Trời nhờ Thánh-linh là Đấng sống trong chúng ta.

Khi nào đến với một vị tổng thống một nước, người ta phải có lýdo, phải làm đơn xin, và phải được chấp thuận. Tuy nhiên một đứa con của ông tổng thống đó thì khác, đứa con ấy có thể tiếp cận với ông tổng thống bất cứ lúc nào, và vào gặp gỡ cha một cách tự nhiên.

Thánh-linh của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là những người con của Chúa loại tự do này. Đó là tiếp cận với Chúa bất cứ lúc nào. Và đây chính là một trong các dấu hiệu của thời đại mới.

Thời Đại Đổi Mới

Một trong những ý niệm mà sứ đồ Phao-lô thích nhất, đó là Thánh-linh biến đổi chúng ta cho trở thành giống như Chúa Cứu thế Giê-xu. Một lần nữa sứ đồ Phao-lô đề cập đến Môi-se phủ tấm màn lên mặt mình vì vinh quang chói sáng của Đức Chúa Trời. Ông so sánh giữa người tin Chúa trong thời đại mới với người Ít-ra-ên ngày xưa tâm trí bị tấm màn che lại y như Môi-se che mặt. Ông viết: " Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh. (2 Cô-rinh-tô 3:1-18).

Chúa Thánh-linh đang hành động. Đây là thời đại của Ngài, thời đại đổi mới. Thánh-linh giải quyết tai hại của tội trên đời sống chúng ta; Chúa gạt sang một bên thái độ bướng bỉnh nổi loạn của chúng ta; thần tượng của chúng ta Chúa đập tan hết; tính kiêu căng tự mãn của chúng ta Chúa hạ xuống; những ý muốn ích kỷ Chúa hóa giải đi.

Chúa Thánh-linh đang hình thành chúng ta cho đúng theo hình ảnh mà Chúa Cứu-thế muốn cho chúng ta đạt đến. Từng bước một, từng giai đoạn một, từng năm một, Ngài đang làm việc. Việc đó là gì? Là biến đổi chúng ta cho giống như Chúa Giê-xu. Đây là cao điểm của mục đích đời người. Bên cạnh đó, tất cả phải lu mờ. So sánh với điều vinh quang này thì mọi của báu trên đời coi như cát bụi; những vinh dự trong đời chẳng có giá gì. Trở thành giống như Chúa Giê-xu – công chính thánh khiết là vinh quang của thời đại mới. Chỉ mình Thánh-linh thực hiện được việc này.

Đây không phải là một nhận xét về công việc của Thánh-linh, nhưng là hiểu biết về Thánh-linh và tham gia vào thời đại mới cho Thánh-linh thay đổi cuộc đời của mỗi chúng ta, vì nếu không, chúng ta sẽ không có hi vọng gì và cũng không thể đưa ai đến với Chúa được.

Kết Luận

Đức Chúa Trời đang hành động trên thế giới ngày nay – đó chính là tâm điểm của những gì Kinh Thánh dạy về Đức Thánh Linh. Cha cao cả không để cho việc hoàn tất kế hoạch của Ngài xẩy ra tùy theo may rủi đâu. Chính Ngài, với Đức Chúa Con đã sai Đức Thánh Linh đến như một đảm bảo rằng toàn bộ mục đích của Ngài sẽ phải thực hiện và hoàn thành.

Để làm như thế, Đức Chúa Trời đã sử dụng hội thánh – tức là bạn, là tôi và hằng triệu người như chúng ta, là những người tầm thường yếu đuối và dại dột. Nhưng Ngài không để mặc cho chúng ta làm việc và đi đến một kết quả nào đó. Ngài không dám liều lĩnh giao sự thành công vào sức mạnh hay sự vâng phục của chúng ta. Ngài đã hiện diện trong con người của Thánh-linh, sống với chúng ta, trang bị, khuyến khích và thuyết phục.

Đức Chúa Trời không những điều khiển dàn nhạc hòa tấu cứu rỗi; chính Ngài còn là nhạc công chơi trong dàn nhạc ấy nữa. Âm sắc, nhịp điệu, cách diễn tả phải đúng như ý muốn của người nhạc trưởng. Chúa không những huấn luyện các nhạc công, chính Ngài còn là người chơi tất cả các phần trong dàn nhạc nữa.

Tuy nhiên khi làm như thế Chúa không biến chúng ta thành những con người máy đâu. Hội thánh, dân Chúa với tất cả những khiếm khuyết, được chính Chúa tràn đầy nhờ Thánh-linh để có thể sống và phục vụ hữu hiệu.

Nhiệm vụ của chúng ta là áp dụng lời dạy của Chúa vào cuộc đời, tin vào lời Chúa hứa, vâng mẹänh lệnh Chúa truyền, kinh nghiệm sự tha thứ và quyền năng của Ngài, nhận ân tứ Chúa ban nhưng không kể công. Vinh quang hoàn toàn thuộc về Chúa.

Đời sống như thế thật sự là đời sống con người. Đời sống trong Thánh-linh của Đức Chúa Trời là đời sống đã được hoạch định cho chúng ta, đó là cái không khí mà chúng ta được tạo dựng nên để sống trong đó. Đời sống trong Thánh-linh là đời sống mà tâm hồn ta mong đợi.