Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

Chiếc Áo Ngoài và Dặm Đường Thứ Hai

Chúng ta đã nói tổng quát về Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:38-42, và đã đề cập đến một số nguyên tắc để xét vấn đề trước khi hi vọng hiểu được ý nghĩa của đoạn văn nhiều thách thức này.

Muốn hiểu một đoạn văn Kinh-thánh như thế, trước tiên ta phải chuẩn bị tâm linh. Ta không thể nào chỉ đến với Kinh-thánh với một trí óc mà thôi, dù trí óc ấy có minh mẫn, đầy năng lực hay trí thức tới đâu. Vì vậy nếu vội vàng giải thích hay hiểu đoạn văn như thế này với thái độ biện luận hay tranh cãi là nguy hiểm. Phần chuẩn bị cho tâm linh rất là quan trọng. Chúng ta phải khiêm nhường hạ mình trước lời Chúa và xin Thánh Linh hướng dẫn chúng ta.

Tại đây Chúa không đưa ra một danh sách đầy đủ những gì chúng ta phải hành động trong mỗi trường hợp bị thách thức trong đời sống. Nhưng Chúa dạy chúng ta một điều ưu tiên, đó là chết về chính mình. Chết chính mình nghĩa là gì? Phân đoạn Kinh-thánh này cho biết ta phải hành động theo hướng đó như thế nào. Đây là những trắc nghiệm để ta xem thử mình có thật sự đang chết về chính mình, chết về bản ngã hay không? Chúa chỉ đưa ra ba dẫn chứng, cũng không theo một thứ tự nào đặc biệt cả.

Chúa dạy: Ta bảo cho các ngươi, đừng chống cự kẻ ác: nhưng nếu ai đánh ngươi má bên phải, hãy đưa má bên kia cho họ luôn. Lời dạy này có nghĩa là: chúng ta phải bỏ hẳn tinh thần trả thù hay ước muốn đề phòng và trả thù khi bị người nào gây thương tích hay làm hại ta. Chúa bắt đầu với mức độ phương hại của thân xác. Chúa đưa ra trường hợp tưởng tượng có một người tự nhiên đến trước ta, vô cớ đánh ta vào má bên phải. Bản năng tự nhiên là phải đánh lại và trừng trị hắn, trả thù. Khi tôi bị đánh, tôi muốn đánh trả. Đó chính là điều Chúa quan tâm, Chúa dạy giản dị là không nên trả thù. Trả thù là phần việc của ta, ta sẽ báo ứng Chúa phán dạy như vậy.

Thật ra khi bị đánh vào mặt là bị làm nhục. Việc làm nhục như thế cũng thường thực hiện qua lời nói hay chỉ là một cái nhìn. Chúa muốn chúng ta không trả thù bằng bất cứ hình thức nào. Chúa muốn chúng ta quên chính con người của mình đi.

Đây chính là nguyên tắc tổng quát Chúa đưa ra. Nhưng chúng ta cẩn thận để khỏi vi phạm vào quy luật giải thích mà trước đây chúng ta đã bàn đến. Lời Chúa dạy ở đây không có nghĩa là chúng ta không nên quan tâm đến việc bảo vệ luật lệ và trật tự. Chúa chỉ dạy là: ta đừng quá chú trọng về chính mình, về vinh dự hay hổ nhục của mình, nhưng như thế không có nghĩa là không quan tâm về việc duy trì luật pháp và trật tự, hay bênh vực kẻ yếu không được ai che chở.

Dẫn chứng thứ hai Chúa đưa ra liên quan đến chiếc áo ngoài và chiếc áo trong. Chúa dạy: Nếu ai muốn kiện ngươi để lột chiếc áo ngắn, hãy để cho họ lấy luôn cái áo dài nữa. Lời dạy này có nghĩa gì?

Tại đây Chúa quan tâm về khuynh hướng chú trọng về quyền lợi của chúng ta, quyền lợi trước pháp luật. Theo luật Do-thái không ai có quyền kiện một người nào để lấy cái áo khoác ngoài, nhưng có thể kiện lột áo trong. Chúa bảo: nếu ai kiện đòi áo trong, đừng chống cự, cứ để họ kiện lấy cả áo ngoài nữa.

Người ta thường hay nghĩ đến quyền lợi của mình và đòi cho được quyền đó. Đời này lúc nào cũng có những người quyền lợi thì đòi cho được, nhưng bổn phận, trách nhiệm thì không chu toàn. Chúa Giê-xu muốn dạy các môn đệ của Chúa về việc thi hành bổn phận cho đầy đủ, đừng chú trọng nhiều quá về quyền lợi hay là đòi cho được quyền đó. Chúa muốn bảo ta rằng: Đừng chú trọng vào quyền lợi của mình mặc dù có khi bị đối xử bất công đi nữa.

Các lời dạy của Chúa thường đi chung với nhau. Chúa nói: Nếu ai muốn kiện các ngươi để lột chiếc áo ngắn, hãy để cho họ lấy luôn cái áo dài nữa. Nhưng trong chương 18:15-17 Chúa dạy: Nếu anh em ngươi phạm lỗi cùng ngươi, hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời thì ngươi được anh em lại. Nếu người ấy không nghe, hãy mời một hay hai người cùng đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được biết chính xác. Nếu người đó không chịu nghe những người ấy, thì hãy báo cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thu thuế vậy. Với lời dạy này ta thấy dường như Chúa không bảo hãy đưa má bên kia cho người ta vả hay là bỏ luôn cả áo ngoài ra khi bị kiện lấy mất áo trong.

Ngay khi Chúa bị đưa ra tòa xử cũng vậy. Phúc Âm Giăng 18:22-23 ghi: Chúa đương nói như vậy, một người trong bọn gia nhân có mặt tại đó tát lên mặt Chúa, bảo rằng: 'Anh đối đáp với Thầy Trưởng Tế như vậy sao?' Chúa Giê-xu đáp: 'Nếu ta có nói gì sai, anh thử chỉ ra xem, còn nếu ta nói đúng, sao anh đánh ta?' Chúng ta thấy Chúa không đưa má bên kia cho người ta vả đâu, nhưng Ngài chống lại kẻ đánh Ngài vô lý. Như thế Chúa có mâu thuẫn không?

Trước tiên ta thấy các trường hợp vừa kể không phải những trường hợp đòi hỏi quyền lợi. Chúa phản ứng không với thái độ trả thù, nhưng chỉ là sửa lại luật lệ đánh người cho đúng. Chúa cũng không nổi giận mà chỉ nói ôn tồn. Chúa chỉ nhắc cho họ biết phải tôn trọng luật lệ, không nên bừa bãi, lạm dụng.

Người tin Chúa không quan tâm nhiều đến sự tủi nhục hay sự tự bảo vệ. Nhưng khi nào có vấn đề danh dự và công bằng, thiện lành và ngay thẳng thì người ấy phải quan tâm và có thái độ. Khi nào luật lệ không được tôn trọng, khi việc bạo hành gây ra bất công, người tin Chúa có bổn phận lên tiếng, không phải để trả thù hay tự vệ, nhưng để chân lý và công chính được tôn trọng.

Nguyên tắc thứ hai liên quan đến vấn đề đi thêm một dặm đường nữa. Chúa dạy: Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Câu này có thể giải thích như sau:

Việc ép người khác đi một dặm đường là một tục lệ thời xưa, khi nhà nước có quyền ra lệnh cho một người làm việc chuyên chở hay là di chuyển. Khi có một số hàng cần chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác, nhà nước có quyền ra lệnh cho một người ở bất cứ nơi nào mang, gánh hay chở giúp. Khi đến một trạm, nhà nước lại bảo người khác làm công việc chuyên chở tiếp nối. Đây cũng là luật lệ trong những nước bị xâm chiếm, như Palestine ngày xưa bị La-mã thống trị. Lính La-mã có thể bắt một người đang làm việc riêng, khuân vác hay chuyên chở một số đồ vật nào đến một nơi khác. Như khi Chúa Giê-xu đang vác thập tự, bọn lính gặp Si-môn vừa từ ngoài đồng vào, bắt ông ta vác thập giá thay Chúa thì ông này phải tuân hành không dám chống cự. Đó chính là điều Chúa nói đến trong lời dạy này.

Nguyên tắc ở đây quan hệ tới thái độ khó chịu của một người đối với những đòi hỏi của nhà cầm quyền. Thí dụ như việc đóng thuế chẳng hạn. Chúng ta ai cũng ghét đóng thuế, nhưng theo lời Chúa dạy, chúng ta không những nên đóng thuế mà còn tích cực nữa, y như bị bắt vác vật nặng đi một dặm, nhưng sẵn lòng đi hai dặm. Nghĩa là sẵn lòng thi hành luật lệ của nhà nước ấn định, mặc dù có khi ta không đồng ý và không muốn hành động.

Phi-e-rơ dạy, đầy tớ phải vâng phục chủ, không những đối với chủ tốt, mà cả chủ hà khắc nữa. Tất cả chúng ta đều là công dân trong một nước và dưới quyền của nhà nước. Chúng ta có những bổn phận phải làm và quyền lợi được hưởng. Chúng ta phải trung tín trong mọi nhiệm vụ như thế mới xứng đáng hưởng quyền lợi. Tất nhiên là trong các điều kiện công bằng, dân chủ và tôn trọng con người.

Chúng ta có thể bất mãn, và thái độ có thể đến chỗ tổn hại cho danh Chúa và niềm tin của mình nơi Chúa. Những người trung thành trong nhiệm vụ trước nhà nước, thường gây ngạc nhiên, vì thông thường không mấy ai trung tín chăm chỉ như những người tin Chúa hết lòng. Những người bằng lòng 'đi thêm một dặm đường nữa' dù không thích, nhưng vì Chúa và vì lòng tin của mình.

Lời dạy của Chúa còn tiếp nối với câu: Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng tránh. Câu này không thể giải thích quá máy móc, vì nếu vậy sẽ thành kỳ quặc. Lời dạy này nhấn mạnh lần nữa về lối sống tự chối mình. Chúa chống lại tinh thần: "Cái gì tôi có được là hoàn toàn thuộc về tôi; tôi không thể nào nghe những lời kêu cầu của người khác vì như thế thiệt hại cho tôi." Chúa quở trách tinh thần sai lầm của những người luôn luôn coi trọng chính mình, khi họ bị đánh vào mặt hay là bị lấy mất áo, bị ép buộc lao công thêm một dặm đường hay là phải chia sẻ những gì mình có cho kẻ khác.

Ở đây Chúa không bảo ta tiếp tay với những kẻ gian lận, hành khất chuyên nghiệp hay là rượu chè, nghiện ngập nên thiếu thốn. Chúa muốn chúng ta quan tâm đến những người thật sự thiếu thốn đang cần đến sự cứu giúp của ta. Tất nhiên việc phán đoán khôn ngoan là của ta. Ta không thể giúp những kẻ lợi dụng hay lừa đảo ta, nhưng luôn luôn tìm dịp làm điều thiện lành, vì lúc nào chung quanh ta cũng có những người thiếu hơn ta.

Sứ đồ Giăng dạy rằng: Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Chúa làm sao có trong người ấy được? (I Giăng 3:17).

Sau khi đã nghiên cứu các lời dạy này chi tiết, chúng ta phải nhận thấy rằng, đây là lối sống của con người mới trong Chúa. Đây không phải là các nguyên tắc áp dụng cho người đời và thế giới vô đạo. Không ai có thể theo được những lời dạy này, nếu người ấy chưa được tái sinh đổi mới, và nhận Thánh Linh vào tâm hồn mình.

Đây không phải những lời dạy dễ áp dụng. Nhưng đây là lời dạy của Chúa và điều Chúa trông mong mỗi chúng ta áp dụng, đem vào thực dụng. Đời sống thánh thiện không phải là điều gì ta nhận ngay được trong một buổi nghe lời Chúa và tin nhận, nhưng là cả một cuộc đời phải sống và kinh nghiệm. Chúng ta làm được mọi lời dạy này nhờ Chúa là đấng luôn luôn ban năng lực cho chúng ta.