Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

1:21-28

21 Kế đó, đi đến thành Ca-bê-na-um; nhằm ngày Sa-bát, tức thì Đức Chúa Jêsus vào nhà hội, khởi dạy dỗ tại đó. 22 Chúng đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu. 23 Vả, cũng một lúc ấy, trong nhà hội có người bị tà ma ám, 24 kêu lên rằng: Hỡi Jêsus, người Na-xa-rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời. 25 Nhưng Đức Chúa Jêsus nghiêm trách nó rằng: Hãy nín đi, ra khỏi người nầy. 26 Tà ma bèn vật mạnh người ấy, cất tiếng kêu lớn, và ra khỏi người. 27 Ai nấy đều lấy làm lạ, đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Sự dạy mới sao! Người nầy lấy quyền phép sai khiến đến tà ma, mà nó cũng phải vâng lời! 28 Danh tiếng Đức Chúa Jêsus tức thì đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê.

 

1. Xin cho biết không gian và thời gian của câu chuyện. Xin kể ra những điều Bạn biết về hai điều nầy:

2. Dân chúng đã có phản ứng như thế nào trước sự dạy dỗ của Chúa? Tại sao?

3. Một người “bị tà ma ám” là một người như thế nào?

4. Xin giải thích câu nói của người bị quỷ ám trong câu chuyện nầy (c. 24).

5. Yếu tố nào khiến cho tà ma ra khỏi người bị ám?

6. Điểm giống nhau trong phần nói về sự dạy dỗ của Chúa (c. 21-22) và phần nói về việc Chúa đuổi quỷ (23-27) là gì? Cho chúng ta thấy điều gì?

7. Bạn ghi nhận bài học gì qua câu chuyện nầy?

 

Câu chuyện chúng ta vừa đọc xảy ra vào một ngày Sa-bát, trong một nhà hội ở thành Ca-bê-na-um. Nhà hội hay hội trường là một chỗ công cộng người Do-thái thường tụ họp để thờ phượng, dạy học và giải quyết những vấn đề hành chánh. Mỗi nhà hội có ít nhất ba viên chức: (1) Người chủ hay người cai nhà hội (Mác 5:22; Công vụ 18:8), đây là người lo việc hành chánh và sắp xếp các chương trình thờ phượng. (2) Người giúp việc (Lu-ca 4:20), là người lo việc lấy các cuộn sách thánh ra để đọc và cất lại; dọn dẹp hội trường; thổi kèn báo hiệu ngày Sa-bát bắt đầu và dạy chữ cho trẻ em trong vùng. (3) Người thâu nhận tiền hoặc đồ vật để phân phát cho người nghèo. Nhà hội không có một diễn giả thường xuyên, nhưng tùy người chủ nhà hội mời những người có kinh nghiệm đến giảng dạy. Chính vì vậy, Chúa Giê-xu có dịp giảng tại hội trường ngày hôm đó.

Đặc điểm lời giảng dạy của Chúa là “đầy uy quyền” (c. 22). Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, Ngài không giảng dạy theo truyền thống Do-thái giáo nhưng giảng dạy với uy quyền. Các thầy dạy luật mỗi khi giảng dạy phải trích Thánh Kinh hoặc trích lời người xưa, còn Chúa chính là Đức Chúa Trời , Ngài có thẩm quyền tối hậu và người ta thấy rõ điều đó. Ngày nay, khi dùng Lời Chúa nói cho người khác, chúng ta cũng có thẩm quyền đó, vì Lời Chúa là chân lý, là giải đáp cho mọi vấn đề.

Chúa Giê-xu chẳng những giảng dạy với uy quyền nhưng uy quyền đó cũng được thể hiện trong hành động. Hành động đó là đuổi quỷ ra khỏi người bị tà ma ám, là người bị ma quỷ kiềm chế và điều khiển, khác với người mắc bệnh tâm thần. Trong thời Chúa Giê-xu, số người bị tà ma ám rất nhiều vì ma quỷ hoạt động mạnh mẽ để chống lại việc Con Đức Chúa Trời  đến trần gian. Ma quỷ biết rõ Chúa và gọi Ngài là “Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (c. 24b). Tuy nhiên, Chúa nghiêm trách và bảo nó phải ra khỏi người nó đang ám. Ma quỷ vâng lời và mọi người đều ngạc nhiên trước uy quyền của Chúa. Câu chuyện này dạy chúng ta những điều sau:

1. Ma quỷ có thật, chúng ta không nên đùa giỡn hay coi thường.

2. Chúa Giê-xu có quyền trên ma quỷ nên tin Chúa Giê-xu, nhờ sức của Chúa, chúng ta có thể chiến thắng ma quỷ.

3. Ma quỷ tin có Chúa và sợ Chúa nhưng vẫn là kẻ thù của Chúa và vẫn ở ngoài Chúa. Chúng ta cũng phải cẩn thận giữ mình để không trở thành những người tin có Chúa mà vẫn không được cứu vì chỉ tin bằng lý trí chứ không thật sự trao phó đời sống cho Chúa làm Chủ, và thiếu hành động thiết thực đi kèm với đức tin (Gia-cơ 2:19).

 

Cảm ơn Chúa là Đấng có uy quyền trong cả lời nói lẫn hành động. Xin giúp con vâng giữ Lời Chúa để có được uy quyền của Chúa và chiến thắng ma quỷ.