Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

3:20-35

20 Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ vào trong một cái nhà; đoàn dân lại nhóm họp tại đó, đến nỗi Ngài và môn đồ không ăn được. 21 Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn. 22 Có các thầy thông giáo ở thành Giê-ru-sa-lem xuống, nói rằng: Người bị quỉ Bê-ên-xê-bun ám, và nhờ chúa quỉ mà trừ quỉ. 23 Song Đức Chúa Jêsus kêu họ đến, dùng lời thí dụ mà phán rằng: Sao quỉ Sa-tan đuổi được quỉ Sa-tan? 24 Nếu một nước tự chia nhau, thì nước ấy không thể còn được; 25 lại nếu một nhà tự chia nhau, thì nhà ấy không thể còn được. 26 Vậy, nếu quỉ Sa-tan tự dấy lên nghịch cùng mình, tất nó bị chia xé ra, không thể còn được; song nó đã gần đến cùng rồi. 27 Chẳng ai có thể vào nhà một người mạnh sức cướp lấy của người, mà trước hết không trói người lại; phải trói người lại, rồi mới cướp nhà người được. 28 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; 29 nhưng ai sẽ nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời. 30 Ngài phán như vậy, vì họ nói rằng: Người bị tà ma ám.

31 Mẹ và anh em Ngài đến, đứng ngoài sai kêu Ngài. Đoàn dân vẫn ngồi chung quanh Ngài. 32 Có kẻ thưa rằng: Nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài kia đang tìm thầy. 33 Song Ngài phán cùng họ rằng: Ai là mẹ ta, ai là anh em ta? 34 Ngài lại đưa mắt liếc những kẻ ngồi chung quanh mình mà phán rằng: Kìa là mẹ ta và anh em ta! 35 Ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, nấy là anh em, chị em, và mẹ ta vậy.

 

1. Tại sao những bạn hữu của Chúa cho rằng Ngài đã mất trí khôn? Sự thật là như thế nào? Chúng ta học được điều gì qua sự việc nầy?

2. Tại sao các thầy thông giáo thì lại cho rằng Chúa bị quỷ ám? Chúa Giê-xu đã trả lời lập luận của họ ra sao? Câu trả lời của Chúa cho chúng ta những bài học gì?

3. Tại sao tội phạm đến Đức Thánh Linh lại không được tha? Chúng ta có thể mắc tội nầy không? Tại sao?

4. Tại sao gia đình đến tìm mà Chúa Giê-xu lại bày tỏ thái độ thản nhiên? Có phải Chúa không quan tâm đến gia đình không? Nếu không thì tại sao?

5. Bạn có mối quan hệ nào với Chúa?  Xin giải thích.

 

Phần đầu phân đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa đọc cho thấy Chúa Giê-xu thật là bận rộn. Chúa và các môn đệ không thể ăn uống được vì có quá nhiều người đến với Ngài. Trước sự việc đó, người nhà của Chúa cho rằng Chúa đã bị mất trí. Điều này cho thấy Chúa chẳng những bị người ngoài chống đối nhưng cũng bị chính người trong gia đình hiểu lầm. Khi theo Chúa và phục vụ Chúa, chúng ta cũng dễ gặp phải những chống đối và hiểu lầm như vậy, nhưng nhìn gương của Chúa, chúng ta sẽ được an ủi và khích lệ.

Người nhà của Chúa thì nói là Chúa bị mất trí còn các thầy thông giáo (người giải thích luật Môi-se) cho rằng Chúa bị quỷ ám. Những người này không phủ nhận sự kiện Chúa có thể đuổi quỷ, nhưng họ tìm một cách khác để giải thích chứ không chịu nhận rằng vì Chúa là Đấng từ trời đến nên Ngài có quyền năng. Ngày nay cũng có nhiều người làm như vậy: họ không thể phủ nhận việc làm của Chúa trong thiên nhiên, trong con người, trong hoàn cảnh. Họ biết rõ những điều đó đến từ Chúa, nhưng vì không tin Chúa và muốn chống lại Chúa nên họ tìm cách giải thích theo lý luận của họ. Các thầy thông giáo thấy rõ là Chúa Giê-xu có thể đuổi quỷ nhưng họ lại lý luận rằng Chúa không có quyền năng gì cả, sở dĩ quỷ vâng lời Chúa là vì có quỷ vương ám trong người của Chúa, quỷ vương ra lệnh thì những quỷ khác phải vâng lời.

Chúa trả lời lập luận đó như sau:

1. Câu 23-26: Chúa cho những người dạy luật thấy rằng lý luận của họ không vững, việc quỷ đuổi quỷ là điều không thể nào xảy ra được. Chúa dùng hai hình ảnh để so sánh: (1) Sự chia rẽ trong một nước. (2) Sự chia rẽ trong một gia đình. Không một nước nào, hay một gia đình nào chia rẽ mà tồn tại được, cũng vậy, quỷ không thể nào đuổi quỷ vì làm như vậy là tự chia rẽ, không thể nào tồn tại.

2. Câu 27: Chúa dùng hình ảnh của người đi ăn cướp. Để có thể cướp một nhà nào, trước hết tên cướp phải làm chủ tình hình, người chủ nhà phải bị “hạ” tên cướp mới có thể thao túng nhà ấy. Chúa dùng hình ảnh này để cho thấy Chúa đã “hạ” được Sa-tan, đã chiến thắng quỷ vương và chính vì thế Ngài có thể đuổi quỷ.

Sau đó, Chúa Giê-xu cũng cho thấy lập luận của các thầy thông giáo là phạm thượng, vì đã xúc phạm đến Chúa Thánh Linh và tội đó sẽ không bao giờ được tha thứ. Chúa Thánh Linh là Đấng làm việc trong lòng người, để giúp con người thấy rõ chân lý (Giăng 16:13,14; I Cô-rinh-tô 12:3). Câu nói của Chúa Giê-xu hàm ý rằng những thầy thông giáo này hẳn đã được thần linh của Đức Chúa Trời cho biết Chúa Giê-xu chính là Con Đức Chúa Trời, vì thế Ngài có quyền đuổi quỷ. Tuy nhiên, họ đã cố tình gạt bỏ tiếng nói đó sang một bên và cho rằng những điều Chúa Giê-xu làm chỉ là việc làm của quỷ.

Tội phạm đến Chúa Thánh Linh không bao giờ được tha không phải vì Chúa không tha thứ nhưng vì người phạm tội không ăn năn để được tha thứ. (Chúa không thể tha thứ nếu người có tội không ăn năn). Nếu một người cứ miệt mài trong tội, dù đã được Chúa Thánh Linh cảnh cáo, thì Chúa không thể nào tha thứ cho người ấy được. Tội phạm đến Chúa Thánh Linh là tội loại bỏ hay khước từ lời khuyến cáo của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh khuyến cáo, bảo phải ăn năn nhưng nếu chúng ta không ăn năn dĩ nhiên chúng ta sẽ không được tha thứ.

 

ÁP DỤNG

Mẹ và những người em của Chúa Giê-xu đến gặp Chúa vì họ nghĩ Chúa bị mất trí (c. 21). Lúc đó đoàn dân vẫn tụ tập chung quanh nên Chúa không gặp họ được. Khi có người cho biết có mẹ và các em đến tìm, Chúa đã thản nhiên hỏi “Ai là mẹ ta? Ai là anh em ta?” Và rồi nói thêm: “Ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, nấy là anh em, chị em và mẹ ta vậy.” Chúa không coi thường gia đình, nhưng Ngài muốn nhân cơ hội này dạy cho mọi người một bài học quan trọng. Bài học đó là liên hệ máu mủ không quan trọng bằng lời hứa tâm linh giữa người với Chúa.

Theo quan niệm thông thường, có bà con với một nhân vật nổi tiếng là điều đáng hãnh diện. Nhưng Chúa Giê-xu cho thấy quan hệ máu mủ không có giá trị gì nếu không có quan hệ tâm linh. Câu nói của Chúa hàm ý rằng dù là mẹ ruột, em ruột của Chúa đi nữa, nhưng nếu những người ấy không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, không có lòng tin nơi Chúa, quan hệ đó không lợi ích gì cả. Ngược lại, những người tin Chúa thật lòng và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha dù không có quan hệ gia đình với Chúa, vẫn được kể là người nhà của Ngài.

Ngày nay, có nhiều người cũng thường dựa vào quan hệ gia đình với người này người kia để hãnh diện mà không biết rằng điều đó không quan trọng bằng liên hệ riêng tư giữa họ với Chúa. Có người đi đâu cũng khoe mình là con ông mục sư này, cháu vị chấp sự nọ mà chính người đó thì không thật sự tin Chúa. Xin Chúa giúp mỗi chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Chúa và hãnh diện về điều đó hơn là chỉ hãnh diện về quan hệ gia đình với những người tin Chúa mà chính mình lại không thật sự tin Chúa, không kính yêu Ngài.

 

Cảm ơn Chúa đã thắng ma quỷ và cũng ban cho con sức mạnh để cùng thắng với Chúa. Xin giúp con biết nương nhờ sức Chúa mỗi ngày, sống đoàn kết với nhau và nhạy cảm trước lời cáo trách của Chúa Thánh Linh. Xin giúp con biết làm theo ý Chúa mỗi ngày để thật sự làm con của Chúa và là người nhà của Ngài.