Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

10:32-45

32 Đức Chúa Jêsus và môn đồ đang đi đường lên thành Giê-ru-sa-lem, Ngài thì đi trước; các môn đồ thất kinh, và những người đi theo đều sợ hãi. Ngài lại kèm mười hai sứ đồ đi cùng mình mà phán về những việc phải xảy đến cho mình, rằng: 33 Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, Con người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả cùng các thầy thông giáo; họ sẽ định Ngài phải bị tử hình và giao Ngài cho dân ngoại. 34 Người ta sẽ nhạo báng Ngài, nhổ trên Ngài, đánh đập Ngài mà giết đi; sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại.

35 Bấy giờ, Gia-cơ và Giăng, hai con trai Xê-bê-đê, đến gần Ngài mà thưa rằng: Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin. 36 Ngài hỏi rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? 37 Thưa rằng: Khi thầy được vinh hiển, xin cho chúng tôi một đứa ngồi bên hữu, một đứa bên tả. 38 Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén ta uống, và chịu được phép báp-tem ta chịu chăng? 39 Thưa rằng: Được. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi sẽ uống chén ta uống, và sẽ chịu phép báp-tem ta chịu; 40 nhưng chí như ngồi bên hữu và bên tả ta thì không phải tự ta cho được: ấy là thuộc về người nào mà điều đó đã dành cho.

41 Mười sứ đồ kia nghe sự xin đó, thì giận Gia-cơ và Giăng. 42 Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ mà phán rằng: Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân. 43 Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; 44 còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. 45 Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.

 

1. Đây là lần thứ mấy Chúa Giê-xu nói trước về sự thương khó của Ngài? Tại sao Chúa nói điều nầy nhiều lần với các môn đồ?

2. Tại sao có tình trạng “thất kinh” và “sợ hãi” trong câu 32?

3. Quý vị nghĩ gì về thời điểm lời cầu xin của Gia-cơ và Giăng?

4. “Chén” và “phép báp-têm” Chúa Giê-xu nói trong câu 38 chỉ về gì?

5. Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho Gia-cơ và Giăng cho chúng ta thấy điều gì? Dạy chúng ta điều gì?

6. Xin cho biết nguyên tắc lãnh đạo của Chúa Giê-xu trong câu 42-44.

7. Câu 45 là phương châm và mục đích của Chúa Giê-xu khi Ngài đến trần gian. Xin viết lại câu nầy bằng lời riêng của mình để giải thích ý nghĩa.

8. Theo gương Chúa Giê-xu, chúng ta ứng dụng câu nầy như thế nào cho chính mình cách thực tế và cụ thể?

 

Người ta thường gọi con đường từ dinh thống đốc Phi-lát lên đồi Gô-gô-tha là con đường khổ nạn vì đó là đoạn đường Chúa Giê-xu phải vác cây thập tự để rồi chịu đóng đinh vì tội của nhân loại. Thật ra, đoạn đường khổ nạn của Chúa bắt đầu từ phân đoạn chúng ta đọc hôm nay.

Khi Chúa Giê-xu  và các môn đệ bắt đầu lên đường đến Giê-ru-sa-lem thì các môn đồ thất kinh và những người đi theo đều sợ hãi (c. 32). Đã hai lần Chúa nói cho các môn đệ biết rằng Ngài sẽ bị bắt và bị giết tại Giê-ru-sa-lem (8:31; 9:31). Vì vậy bây giờ thấy Chúa quyết định lên Giê-ru-sa-lem các môn đệ đều lo sợ. Đoàn người đi theo Chúa lúc đó có lẽ cũng cảm thấy một bầu không khí căng thẳng nên sợ hãi, lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra. Chính trong khung cảnh đó, một lần nữa Chúa Giê-xu  nói cho các môn đệ biết điều gì sẽ xảy ra cho Ngài tại Giê-ru-sa-lem (c. 33-34). Chúa Giê-xu  và các môn đệ đang trên đường lên thành Giê-ru-sa-lem và Chúa biết rõ điều gì đang chờ đón Ngài tại đó.

Hai môn đệ thân tín của Chúa là Gia-cơ và Giăng lại không nhìn thấy điều đó, họ chỉ thấy Chúa là vị Cứu Tinh và mong ước có một chỗ đứng quan trọng trong nước Ngài. Chúa Giê-xu  thấy rõ sự thiếu hiểu biết của họ nên nói rằng: Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén Ta uống và chịu được phép báp-têm Ta chịu chăng? (c. 38). Ý Chúa muốn nói rằng vinh quang trong nước Chúa không phải “xin xỏ” mà được nhưng phải trả bằng một giá rất đắt. Chính Chúa cũng phải chịu khổ mới nhận được vinh quang. “Chén” và “báp-têm” là từ ngữ chỉ về những gian khổ mà Chúa sẽ phải trải qua. “Chén” là phần việc hay bất cứ điều gì Đức Chúa Trời giao cho con người. “Báp-têm” bao gồm ý nghĩa dầm mình hay đắm mình trong một điều gì, ở đây nghĩa là trong khó khăn và đau khổ.

Gia-cơ và Giăng dù không hiểu “chén” và “phép báp-têm” đó bao gồm những điều gì, nhưng đã trả lời là có thể chịu được. Sau này sứ đồ Gia-cơ đã bị vua Hê-rốt giết, ông đã được cái vinh dự cùng chịu khổ với Chúa, tuy lúc đó ông trả lời Chúa nhưng thật ra chưa hiểu gì cả. Nhưng dù cho Gia-cơ và Giăng có chịu những khổ đau như chính Chúa phải chịu đi nữa, Chúa Giê-xu  cho biết thứ bậc trên thiên đàng do Đức Chúa Cha ấn định cho mỗi người, chứ chính Ngài không có quyền gì.

Đau khổ và chết chóc đang chờ đợi Chúa Giê-xu nhưng các môn đồ của Ngài không biết gì cả, họ vẫn muốn làm lớn, muốn tranh giành địa vì. Vì vậy một lần nữa, Chúa lại phải dạy họ bài học khiêm nhường và phục vụ. Chúa cho thấy nước của Chúa khác hẳn với nước trên trần gian này. Nguyên tắc của nước Chúa là: Hễ ai muốn làm lớn thì sẽ làm đầy tớ, còn ai muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người (c. 44).

Cuối cùng, Chúa bày tỏ mục đích của đời sống Ngài cho các môn đệ noi theo. Chúa đến trần gian để làm hai việc: (1) Phục vụ người khác. (2) Hy sinh sự sống để cứu chuộc nhiều người. Đây cũng là tiêu chuẩn cho chúng ta noi theo thay vì tìm kiếm danh lợi và địa vị cho riêng mình.

 

Cám ơn Chúa đã đi trước nêu gương cho chúng con. Xin giúp con biết sẵn sàng chịu khổ vì Chúa và phục vụ người khác. Xin đừng để con theo Chúa để tìm một danh lợi nào cho nình nhưng luôn luôn sẵn sàng phục vụ mọi người.