Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 43

11:27-33

27 Chúa và môn đồ trở lại thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đang đi dạo trong đền thờ, thì các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, và các trưởng lão tới gần Ngài, 28 mà hỏi rằng: Thầy lấy quyền phép nào làm những điều nầy, hoặc ai đã cho thầy quyền phép làm những điều ấy? 29 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng hỏi các ngươi một câu; hãy trả lời cho ta, thì ta sẽ nói cho các ngươi biết ta làm những điều đó bởi quyền phép nào. 30 Phép báp-tem của Giăng đến bởi trên trời hay là bởi người ta? Hãy trả lời cho ta đi. 31 Vả, họ bàn với nhau như vầy: Nếu chúng ta nói: Bởi trên trời, thì người sẽ nói rằng: Vậy, sao các ngươi không tin lời Giăng? 32 Bằng chúng ta nói trái lại: Bởi người ta? Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều tin Giăng thật là Đấng tiên tri. 33 Nên họ thưa lại cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Chúng tôi không biết. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Ta cũng không nói cho các ngươi biết ta nhờ quyền phép nào mà làm những điều nầy.

 

1. Những người đặt câu hỏi cho Chúa Giê-xu là ai? Họ thuộc thành phần nào?

2. Tại sao họ đặt câu hỏi như vậy? Với dụng ý gì?

3. Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi như vậy không? Tại sao?

4. Chữ “quyền phép” (c. 28) nghĩa là gì? “Lấy quyền phép nào” hay “Ai đã cho thầy quyền phép” nhằm thách thức điều gì nơi Chúa?

5. Nếu biết Chúa là Đấng có quyền phép, chúng ta nên có thái độ nào đối với Chúa?

6. “Những điều nầy” hay “những điều ấy” (c. 28) là ám chỉ điều gì?

7. Có phải Chúa Giê-xu muốn né tránh nên không trả lời mà đặt câu hỏi khác (c. 29-30) hay vì lý do nào khác?

8. Chúng ta có thể ở vào “thế kẹt” tương tự như giới lãnh đạo tôn giáo trong câu chuyện nầy không? Khi nào? Tại sao? Làm thế nào để tránh?

 

Trong tuần lễ cuối cùng ở tại Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu bị giới lãnh đạo tôn giáo chất vấn nhiều điều. Phân đoạn vừa đọc là một trong những điều đầu tiên họ chất vấn Chúa. Những người này đến gặp Chúa và hỏi: “Thầy lấy quyền phép nào làm những điều này?” Chữ “quyền phép” ở đây có nghĩa là thẩm quyền; nói khác đi, họ hỏi Chúa lấy quyền gì mà làm những điều này? “Những điều này” hàm ý tất cả những phép lạ Chúa đã làm và đặc biệt là việc Chúa đuổi những người buôn bán trong đền thờ ngày hôm trước. Giới lãnh đạo tôn giáo thời đó đang được lợi về việc buôn bán trong đền thờ, bây giờ Chúa đến dẹp bỏ đi tất cả nên họ rất tức giận. Tuy nhiên, họ không làm gì được vì Chúa có lý và dân chúng thì phục Chúa (c. 18). Vì vậy họ thách thức Chúa xem thử Chúa lấy quyền gì mà làm việc đó.

Thật ra, đây cũng là một câu hỏi để gài bẫy. Nếu Chúa Giê-xu xưng là Con Đức Chúa Trời, họ sẽ buộc cho Chúa tội phạm thượng. Nếu Chúa xưng Ngài là Con Vua Đa-vít, họ sẽ tố cáo Chúa phản loạn, chống lại chính quyền La-mã.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu trong câu 33 không phải là cách khéo léo để tránh né vấn đề nhưng là để cho giới lãnh đạo tôn giáo thấy rõ vấn đề. Nếu họ trả lời được câu hỏi của Chúa, họ sẽ đương nhiên tìm ra câu trả lời cho họ. Câu hỏi của Chúa là: “Phép báp-têm của Giăng đến bởi trên trời hay bởi người ta?” (c. 30). Chúng ta đều biết Giăng Báp-tít là người tuyên bố Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế. Nếu họ nhận phép báp-têm của Giăng đến từ trời thì dĩ nhiên họ cũng phải nhận quyền của Chúa đến từ trời. Đưa ra câu hỏi để gài bẫy Chúa, họ lại bị dồn vào thế bí không thể trả lời được.

Khi họ trả lời không biết, Chúa Giê-xu cũng không trả lời câu hỏi của họ. Câu nói của Chúa hàm ý rằng nếu họ là những người dạy dân chúng mà không biết thì họ không có quyền gì để chất vấn Chúa cả.

Những bài học chúng ta ghi nhận qua phân đoạn này là:

1. Chúng ta cần tránh lỗi lầm của giới lãnh đạo tôn giáo thời xưa. Họ là những người thấy và biết rõ quyền của Chúa nhưng cố tình phủ nhận và tìm cách bắt bẻ Ngài.

2. Chúng ta biết rõ Chúa Giê-xu là Đấng từ trời đến. Quyền của Chúa là quyền từ Đức Chúa Cha. Chúng ta phải vâng phục dưới quyền của Ngài.

3. Khi bị người khác thắc mắc và đặt câu hỏi, chúng ta cần xét xem động cơ nào thúc đẩy họ nêu lên các câu hỏi, để hướng dẫn họ đến điểm căn bản của vấn đề, nên tránh những lời tranh luận dài dòng vô ích.

 

Xin giúp con biết vâng phục thẩm quyền của Chúa mỗi ngày trong đời sống và giúp con có thể trả lời những người hỏi về Chúa cách khôn ngoan.